Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2023 | 8:0

A Lưới nỗ lực “chuyển mình” để thoát nghèo

A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, chính sách đặc thù để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 26%, ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước.

Huy động nguồn lực giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, những năm qua, Huyện ủy A Lưới tăng cường lãnh đạo  cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể trong triển khai tuyên truyền, vận động, phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với những cách làm sáng tạo, hiệu quả thông qua các phong trào thi đua sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Ngoài kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình lớn nói trên, thông qua các kênh Mặt trận, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…, A Lưới  kêu gọi hỗ trợ được 16 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho người nghèo. Thông qua kênh Mặt trận, huyện kêu gọi các huyện, thị, thành phố ở tỉnh mỗi đơn vị hỗ trợ 30-50 triệu đồng bằng hiện vật mua con giống để tặng cho mỗi hộ nghèo 2 con bò, dê.  A Lưới cũng đã giao cho các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn giúp đỡ, hỗ trợ đỡ đầu cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, thông qua đó để kêu gọi hỗ trợ quyên góp từ đồng hương, người lao động trong công tác giảm nghèo.

Nhiều mô hình nông nghiệp đưa người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt Hồ Chính Bê thông tin, thực hiện chương trình giảm nghèo, xã đã được huyện phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa 60 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo  với kinh phí  xây mới 60 triệu đồng/hộ, sửa chữa 30 triệu đồng/hộ. Từ nguồn của địa phương và các nguồn huy động khác, xã hỗ trợ duy tu bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt cho 71 hộ dân với kinh phí hơn 45 triệu đồng.

Qua rà soát, cuối năm 2022, xã Lâm Đớt có 618 hộ nghèo, chiếm 47,65%. Năm 2023 phấn đấu giảm 138 hộ thoát nghèo.

Ông Thái Đặng Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng, chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền, phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn mới thực sự thay đổi. Đường sá được bê tông, thảm nhựa phục vụ đi lại thuận tiện hơn. Kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, từng bước hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện, nông thôn ngày một đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của A Roàng đạt gần 40 triệu đồng.

Xã A Roàng cũng tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo ngay từ đầu năm. Từ đó, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, hỗ trợ các chỉ tiêu “thiếu hụt”. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nghèo để họ phát huy tính tự lực, tự cường, không  trông chờ, ỷ lại.

Giải pháp giảm nghèo đa chiều

Rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2021,  huyện A Lưới còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%. Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, xuống còn 38,2%. Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn A Lưới được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng, có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm.

Huyện ủy A Lưới đã phát động và tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nhiều phong trào giảm nghèo như “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, “Làng bản không hộ nghèo, không ma túy”. Đến nay, 100% xã, thị trấn tham gia, các thôn, dòng họ đã ký cam kết phấn đấu không có hộ nghèo. Huyện ủy A Lưới cũng đã chỉ đạo duy trì thường xuyên các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, công trình sinh hoạt, xây dựng thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, ngày chủ nhật xanh..., và đã được hàng ngàn người dân đã tích cực tham gia. Theo đó, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi và áp dụng khoa học kĩ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới, cho biết: Với quan điểm chỉ đạo: “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”; căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, bản, tổ dân phố. Căn cứ kế hoạch tỉnh giao, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 26,12%.

Huyện A Lưới  phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 26%, ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước.

Cùng với việc vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững, A Lưới cũng  đề ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm nghèo đa chiều, trong đó chú trọng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo. Đảng ủy các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ số hộ nghèo, cận nghèo, số nhà tạm hộ nghèo trên địa bàn quản lý, không để phát sinh. Trong số nhiều giải pháp được lồng ghép, đồng bộ, địa phương lấy những mô hình điểm, gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã để các hộ nghèo học tập và làm theo.

Theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo với 36.708 khẩu nghèo, chiếm 3,56 % và 10.854 hộ cận nghèo với 33.579 khẩu, chiếm 3,30%. Toàn tỉnh có 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến hết năm 2023 giảm số hộ nghèo xuống còn 9.366 hộ, tỷ lệ còn lại là 2,79%. Theo rà soát, Thừa Thiên - Huế cũng không ghi nhận hộ tái nghèo, cho thấy tác động tích cực và hiệu quả của chủ trương thoát nghèo bền vững ở địa phương.

Cũng theo bà Nguyệt, tính đến 15/8/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 111 tỷ đồng trên tổng số vốn 427,2 tỷ đồng từ nguồn vốn được cấp năm 2023 và vốn 2022 kéo dài sang năm 2023. Nguồn vốn được cấp hiện nay đã tạo điều kiện cho các cấp, ngành, địa phương có nguồn lực để thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo cho người dân và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu Chính phủ phân bổ vốn thực hiện. Theo đó, trong năm 2024, dự kiến nguồn vốn Trung ương thực hiện Chương trình là 281,3 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 125,7 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 155,5 tỷ đồng).

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top