Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 9 năm 2023 | 15:11

Cần có giải pháp hỗ trợ để Yên Định hoàn thành các tiêu chí NTM

Với 7/19 tiêu chí NTM giai đoạn 2022 – 2025 chưa đạt như hiện nay, nếu không có giải pháp cụ thể và sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Mê sẽ rất khó để xã Yên Định duy trì được các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Khó duy trì các tiêu chí Nông thôn mới

Dù đã đạt được những kết quả rất đáng mừng như: Đời sống người dân nâng lên rõ rệt, tính đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 32 triệu đồng/người/năm; bộ mặt nông thôn khởi sắc với những con đường bê tông sạch đẹp; hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, việc đạt các tiêu chí xây dựng NTM hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Qua đánh giá, rà soát các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 – 2025, xã Yên Định có 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Cơ sở vật chất văn hóa; Thu nhập; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; Lao động; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dù tiêu chí Giao thông đã đánh giá đạt thế nhưng chưa thực sự bền vững; một số tuyến đường giao thông được đầu tư nhưng nay xuống cấp và hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Công trình xử lý rác thải tại thôn Nà Yến, xã Yên Định góp phần giữ vững tiêu chí Môi trường.

Nguyên nhân khó khăn trong giữ vững các tiêu chí NTM là do các tiêu chí theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 – 2025 nâng lên nhiều; xã có xuất phát điểm thấp, thiếu cơ sở hạ tầng; nguồn lực đầu tư hạn chế, một số nguồn vốn phân bổ chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện; các mô hình phát triển kinh tế còn manh mún; nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước nên chưa phát huy hết nội lực vươn lên; địa hình là đồi, núi quanh co thường hay bị sạt lở vào mùa mưa; chưa thu hút được sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp…

Để tháo gỡ những khó khăn trong duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM của xã Yên Định, huyện Bắc Mê đã đầu tư khu xử lý rác thải tại thôn Nà Yến với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, giữ vững tiêu chí về môi trường; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò Vàng sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 11 hộ/22 con ở thôn Bản Bó bằng nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, Đảng bộ xã xác định xuyên suốt quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần sự tham gia, vào cuộc, phát huy nội lực cao nhất của nhân dân; gắn xây dựng NTM với trách nhiệm của người đứng đầu; chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đã đề ra.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về nhận thức các tầng lớp nhân dân; tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân; rà soát, giữ vững các tiêu chí đã đạt...

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò Vàng sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm thôn Bản Bó giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Vương Văn Việt - Quyền Chủ tịch UBND xã Yên Định cho biết: Thực hiện xây dựng NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2022 – 2025, xã đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của T.Ư, của tỉnh, huyện; xác định nhiệm vụ, lộ trình thực hiện và nội dung công việc gắn với trách nhiệm, giải pháp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị, đoàn thể, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT – XH của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện.

Năm 2024 là năm rà soát để đánh giá các tiêu chí thực hiện công nhận lại kết quả xây dựng NTM của xã Yên Định. Tuy nhiên, với 7/19 tiêu chí chưa đạt như hiện nay, đặc biệt là tiêu chí Thu nhập và Hộ nghèo theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2022 – 2025 là rất cao, nếu không có giải pháp cụ thể và sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện sẽ rất khó để Yên Định duy trì các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt và giữ vững được danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu đến hết 2025 tăng thêm 35 xã đạt chuẩn NTM

Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Giang, ông Đỗ Tấn Sơn cho biết: Với quan điểm, xây dựng NTM mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Giang đăng ký với Bộ NNPTNT 6 mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, đó là: Có thêm 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xây dựng nông thôn mới; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, Hà Giang phấn đấu đến hết 2025 số xã đạt dưới 15 tiêu chí còn 55 xã; có thêm 800 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí NTM.

Một góc nông thôn Hà Giang.

"Riêng năm 2022, tỉnh Hà Giang quyết tâm tăng 34 tiêu chí nông thôn mới, 60 thôn/10 huyện thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM tại 47 xã đã được công nhận", ông Sơn cho biết thêm. Hiện, toàn tỉnh Hà Giang có 47/175 xã được công nhận chuẩn NTM, đạt 26,85%, tổng số tiêu chí đã đạt của toàn tỉnh là 2.434 tiêu chí.

"Mặc dù đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, song, tỉnh Hà Giang cũng còn không ít "nút thắt" cần tháo gỡ. Trong đó, công tác duy trì và nâng cao chất lượng, bền vững các tiêu chí sau đạt chuẩn xã NTM ở nhiều địa phương chưa thường xuyên, chỉ đạo triển khai thực hiện thiếu quyết liệt (cá biệt xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, buộc phải thu hồi quyết định đạt chuẩn NTM)", Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang thẳng thắn nhận định.

Đề ra 11 giải pháp xây dựng NTM

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 Hà Giang đặt mục tiêu: xây dựng 1 huyện đạt chuẩn NTM; tăng thêm 35 xã đạt chuẩn NTM và nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 82 xã. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Giang chỉ ra 11 giải pháp để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.

Hà Giang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Hà Giang tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Ông Sơn chia sẻ thêm: "Hà Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Song song với đó, Hà Giang cũng sẽ thực đẩy mạnh các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa … cho nhân dân. "Hà Giang cũng sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng KTXH nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững. Qua đó góp phần thúc đẩy bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn Hà Giang ngày càng phát triển", ông Sơn cho hay.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top