Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 14:25

Cần sớm khắc phục sự cố đê tả sông Càn

Tuyến đê tả sông Càn, đoạn qua thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa xuất hiện vết nứt, sụt lún mái đê nghiêm trọng, đe dọa vỡ đê trong mùa mưa bão.

Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý hạ tải mặt đê, gia cố bờ trong nhưng vẫn sụt lún. Đây cũng là lần thứ 2 xảy ra sự cố sụt lụt mái đê, khiến cho hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống tại đây bất an, lo lắng.

Theo người dân sinh sống tại thôn 4, xã Nga Điền, thời điểm xảy ra dự cố sụt lún mái đê vào sáng 11/8. Ngay sau khi phát hiện mái đê có vết nứt lớn, người dân đã nhanh chóng thông báo đến chính quyền xã Nga Điền.

Ông Trần Văn Ngữ lo lắng vỡ đê khi có mưa lũ tràn về

Sau khi nhận được thông báo, lực lượng chức năng xuống kiểm tra và tiến hành biện pháp hạ tải mặt đê, gia cố bờ trong mái đê để kiểm soát tình trạng sụt lún. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mái để vẫn xuất hiện vết nứt, sụt lún nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Ngữ, trú tại thôn 4, xã Nga Điền cho biết, sự cố sụt lún mái đê đã xảy ra gần một tuần nay, cơ quan chức năng cũng đã về kiểm tra, lập chốt canh trực 24/24 giờ để hạn chế xe tải trọng lớn lưu thông qua đây. Lực lượng chức năng đã đổ đất san lấp gia cố bờ trong cho đê, thế nhưng tình hình không mấy khả quan.

“Khu vực này chân đê có còn đâu, cứ tình hình này sắp tới, tiếp tục mưa lớn, người dân chúng tôi lại phải di tản lần nữa…Tuyến đê này đầu năm cũng xảy ra sạt lở rồi. Nếu lần này không xử lý sớm, sẽ rất nguy, vỡ đê là hoa màu, của cải của chúng tôi mất hết…”, ông Ngữ lo lắng.

Tuyến đê sông Càn sụt lún nghiêm trọng trước mùa mưa bão

Trong nhiều năm qua, mặt đê xuống cấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, phát triển kinh tế của người dân địa phương. Ông Trần Văn Thể, hộ dân sinh sống sát tuyến đê sụt lún chia sẻ, tuyến đê sông Càn, ngoài chức năng  phòng, chống lũ lụt vào mùa mưa bão, thì đây còn là tuyến đường độc đạo, giao thương của người dân nơi đây.

“Với tình hình này, rất mong các cấp chính quyền  quan tâm xây dựng tuyến đê, đừng để nó trở thành dự án treo, chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước tu sửa kiên cố để ổn định đời sống sinh hoạt”, ông Thể cho biết thêm.

Ông Trần Văn Thể (áo đen), người sinh sống sát đê, rất lo lắng tuyến đê bị vỡ ảnh hướng đến đời sống của người dân

Theo quan sát và ghi nhận thực tế, đoạn đê bị sụt lún dài khoảng 100m, lực lượng dân quân đã lập chốt kiểm soát tại đây, dựng rào chắn, gắn biển cảnh báo. Phần bên trong mái đê đã được đổ đất san lấp gia cố, vị trí nứt, sụt lún đã được bóc lớp mặt hạ tải. Tuy nhiên, vết nứt, sụt lún vẫn xuất hiện.

Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Đào Tuấn Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Điền, cho biết, sự việc được người dân phát hiện báo về xã vào sáng 11/8. Lúc này, mặt đê đang bị lún mặt đê phía sông, độ sâu 0,3m. Đặc biệt tại vị trí từ K6+570 – K6+690 đã xảy ra sự cố sạt, nứt mặt thân đê và mái đê phía sông..

Đoạn mặt đê từ K6 + 570 – K6 + 600 xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m, rộng 1,5cm và cách mép đê phía sông khoảng 1,5m, đoạn mái đê phái sông từ K6 +600 – K6 + 900 bị sạt, trượt dài khoảng 90m, hiện nay sự cố sạt lở vẫn đang có diễn biến mở rộng thêm, nguy cơ cao sẽ bị vỡ đê khi có mưa lũ.

Tuyến đê sông Càn đang được gia cố khắc phục hạ tải mặt đê

Sau đó, đê ngày càng nứt rộng và kéo dài. Ngay sau đó, xã đã báo cáo huyện và huy động lực lượng dân quân, sử dụng máy xúc nạo vét mặt đê bị nứt, hạ độ cao giảm tải trọng cho mái đê. Ngoài ra, tổ chức lập chốt canh chừng 24/24 giờ, xây dựng rào chắn, gắn biển cảnh báo nhằm hạn chế phương tiện qua lại và báo cáo tình hình sụt lún trong ngày cho UBND huyện.

Ông Thiên cho biết thêm, đây là lần thứ 2 trong năm, tuyến đê này xảy ra sự cố sụt lún. Tuyến đê này ảnh hưởng đến 4 thôn của xã, với hơn 1 nghìn hộ dân sinh sống tại đây và hàng trăm hecta đất sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, sự cố ngoài thẩm quyền nên xã đang chờ chỉ đạo của huyện để tiếp tục xử lý.

Tuy đã có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng ô tô vẫn lưu thông trên tuyến đê, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng

Được biết, với tính chất nghiêm trọng của sự cố tại đê tả sông Càn, để tăng khả năng phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới, bảo vệ cho 4.960 người dân và 1.104 ha đất tự nhiên của xã Nga Điền, UBND huyện Nga Sơn đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ huyện Nga Sơn thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt, nứt mặt, thân đê và mái đê tả sông Càn.

Trước nguy cơ cao vỡ đê trong mùa mưa bão, đề nghị các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xử lý sự cố đê sông Càn, đảm bảo an toàn cho người dân, để bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến đê Tả sông Càn, đoạn qua địa phận xã Nga Điền, có chiều dài 9,12 km; có nhiệm vụ bảo vệ cho 4.960 người dân và 1.104 ha đất tự nhiên của xã Nga Điền. Đoạn đê từ K5+157 - K9+121m dài 3,964km (từ cầu Điền Hộ đến cống Bốt Càn) thuộc các xóm 3, 4, 5, 6 xã Nga Điền chưa được củng cố, nâng cấp, là đoạn đê sát sông, mặt đê rộng từ 3,0 - 4,0 m, cao trình đê thấp chưa đủ cao trình so với Quy hoạch phòng chống lũ là 0,6m, nhiều đoạn bị sụt lún, hư hỏng, mặt đê nhiều ổ gà. Năm 2021, tuyến đê này được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đầu tư nâng cấp theo dự án tu bổ, khắc phục trọng điểm xung yếu tuyến đê tả sông Càn đoạn từ K7+840 - K8+720 m.

Sau khi sự cố xảy ra, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo yêu cầu các đơn vị, địa phương túc trực theo dõi sự cố, ngăn người, phương tiện và gia súc qua lại. Huy động tổng lực phương tiện, máy móc, con người để xử lý sự cố; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

 

Lê Thức – Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top