Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 | 14:21

Cảnh giác cao độ trước mưa lũ dồn dập từ nay đến cuối năm

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, sau bão Noru, từ nay đến hết năm 2022 khu vực Trung Trung bộ còn có khả năng chịu ảnh hưởng 1 – 3 cơn bão; đề phòng xảy ra mưa lớn dồn dập trong các tháng cuối năm và khả năng xảy ra 2 – 3 đợt lũ lớn trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Thiệt hại từ mưa lũ là không hề nhỏ

Mặc dù đã làm rất tốt công tác phòng chống cơn bão số 4, nhưng thiệt hại từ cơn bão này đã gây nhiều thiệt hại tại 3 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Đặc biệt là trận sạt lở đất, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An vào ngày 2/10 đã khiến hàng chục nhà bị cuốn trôi, ngập, một số khu dân cư bị cô lập…

Lũ quét ở Kỳ Sơn, Nghệ An.

Tính đến sáng 03/10/2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết đã có 7 người thiệt mạng tại Nghệ An. Về nhà: 11.149 nhà bị ngập (Nghệ An 9.807 nhà; Hà Tĩnh: 1.210 nhà, Thanh.Hóa 132 nhà) giảm 2.884 nhà so với báo cáo ngày 2/10.

Về giao thông: Có 29 vị trí ngập và 68 điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ.

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ngày 02/10/2022, lũ quét đã cuốn trôi 14 nhà (xã Tà Cạ có13 nhà; 1 nhà thị trấn Mường Xén); ngập 85 nhà tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (40 nhà xã Tà Cạ; 45 nhà thị trấn Mường Xén); 19 nhà bị sạt lở, trong đó có 3 nhà kiên cố bị sạt lở hoàn toàn (tại bản Cánh, Sơn Hà).

Lũ quét tại huyện Kỳ Sơn cũng đã gây sạt lở nhiều đoạn tại tuyến đường Mường Xén đi Tây Sơn (trong đó 4 điểm sạt lở rất nặng), làm hư hỏng cầu vòm sắt Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà bị hư hỏng do bão số 4.

Giao thông vào xã Tà Cạ và Tây Sơn bị ách tắc hoàn toàn. Sạt lở taluy dương tuyến quốc lộ 7 tại xã Tà Cạ, các phương tiện hiện không qua lại được. Sạt lở trên 10 điểm tuyến quốc lộ 7 trên địa bàn xã Nậm Cắn.

Hiện tại, vẫn còn một số khu dân cư bị cô lập: Cô lập 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ, trong đó bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (236 hộ và 966 nhân khẩu) và bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bị cô lập hoàn toàn chưa thể tiếp cận được. Thiệt hại khác: 2 ôtô bị cuốn trôi (hiện đã vớt được 1 cái); ngập 10 ô tô.

Hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra giúp người dân tại địa phương ổn định đời sống.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ cho miền Trung

Ngay sau bão, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể các cấp đã chung sức khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng sửa lại những căn nhà bị hư hỏng, dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và đời sống dân sinh.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu thăm hỏi, động viên các gia đình có nhà bị tốc mái, bị sập do bão số 4 tại thôn Mai Vĩnh và thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang.

Ngay sau bão, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp đến các khu vực bị thiệt hại nặng để động viên, thăm hỏi nhân dân, chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4, hỗ trợ bà con khôi phục đời sống, tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở.

Tại thôn Khánh Mỹ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang), nơi có 6 ngôi nhà bị đổ sập, 68 nhà bị tốc mái, đông đảo cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, công an tỉnh đã chung tay hỗ trợ người dân lợp lại những mái tôn, sửa nhà, dọn cây xanh tại các hộ gia đình, khu dân cư. Cùng thời điểm, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng có mặt tại huyện Quảng Điền để hỗ trợ địa phương bốc, phơi hàng trăm tấn lúa bị ẩm ướt trong bão, giúp các trường học thu gom mái tôn, dọn dẹp cây cối gãy, đổ và tổng dọn vệ sinh môi trường.

Tại Quảng Nam, theo thống kê, toàn tỉnh có 116 nhà bị sập, 285 nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 3.770 nhà bị tốc mái, hư hỏng;159 phòng học bị tốc mái; 39 trụ sở làm việc của các cơ quan cũng bị ảnh hưởng; sạt lở 450 m bờ sông và 800 m bờ biển; thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, gia súc, gia cầm; 4 tàu cá  bị chìm; sạt lở trên 5.000 m tuyến đường quốc lộ và tuyến giao thông địa phương….

Ngay sau bão, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các đoàn kiểm tra và chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ tại các huyện, thành phố ven biển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ các hộ khó khăn ổn định đời sống. Khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Không lơ là trước diễn biến phức tạp của mùa mưa bão năm nay

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, sau bão Noru, từ nay đến hết năm 2022 khu vực Trung Trung bộ còn có khả năng chịu ảnh hưởng 1 – 3 cơn bão; đề phòng xảy ra mưa lớn dồn dập trong các tháng cuối năm và khả năng xảy ra 2 – 3 đợt lũ lớn trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Tiếp sau cơn bão số 4, từ nay đến hết năm 2022 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khoảng 2 - 4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, có khoảng 1 - 3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi).

Vì vậy chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng và người dân cần đề phòng những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, cường độ mạnh.

Cùng với đó, cần đề phòng xảy ra mưa lớn dồn dập tại miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Cụ thể, dự báo tổng lượng mưa khu vực Trung bộ tháng 10/2022 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20 - 50%; tháng 11/2022 tại khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ TBNN, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30 - 50%, có nơi trên 50% so với TBNN cùng thời kỳ; tháng 12/2022, tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ ở mức thấp hơn so với TBNN từ 20-40%, riêng Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30%.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh, thành trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Bên cạnh đó, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương, không để bị động, bất ngờ.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan và nhân dân biết để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai cụ thể tại từng vùng miền...

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top