Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 10 năm 2023 | 11:3

Cùng nhau thoát nghèo

Chung tay cùng cả nước, những năm qua, nhiều địa phương, hộ gia đình ở Tây Bắc cũng đang nỗ lực thoát nghèo bằng cách tăng gia sản xuất, cố gắng làm giàu cho chính mình và quê hương.

Ngày 17/10 - 18/11/2023, bắt đầu tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023, nhiều địa phương triển khai các chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm kêu gọi, vận động các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng nghèo, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai…

Giảm nghèo có địa chỉ ở Nậm Pồ

Người nghèo, hộ nghèo vừa là đối tượng vừa là chủ thể của mọi hoạt động giảm nghèo. Vì thế, nhiều năm qua, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) xác định công tác giảm nghèo phải bắt đầu từ mỗi hộ nghèo, người nghèo và phải phù hợp với nhận thức, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân bản Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ) phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Thực hiện chủ trương giảm nghèo theo địa chỉ, theo nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích, thời gian qua UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng chính quyền các xã tập trung điều tra, rà soát hộ nghèo cẩn thận, minh bạch. Nhất là chú ý phân tích nguyên nhân nghèo để có cách thức hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo cụ thể.

Gia đình chị Lý Thị Ðạo, bản Nà Khoa, xã Nà Khoa trước đây thuộc diện nghèo. Khi cán bộ các cấp về điều tra, rà soát nhận thấy chị có nguyện vọng phát triển chăn nuôi nhưng do khó khăn về vốn nên chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, đủ đáp ứng nhu cầu gia đình. Ðể tiếp sức cho chị Ðạo, Hội Nông dân đã giúp chị tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với 50 triệu đồng được vay, chị đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm. Từ 30 con lợn giống ban đầu, sau hơn 5 tháng đàn lợn đạt trọng lượng bình quân từ 80 - 90 kg/con, ước tính sản lượng đạt khoảng 2,5 tấn, tổng thu nhập dự kiến đạt 140 triệu đồng.

Chị Ðạo cho biết, sau khi xuất bán chị sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới với quy mô lớn hơn và mở rộng mô hình kinh tế khác. Cán bộ Hội Nông dân cũng tư vấn chị Ðạo thiết kế mô hình vườn - ao - chuồng nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có của gia đình, phát triển thành mô hình khép kín: Nấu rượu - nuôi lợn, trồng rau, cây ăn quả - nuôi cá.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Quan điểm của địa phương là cần phân tích, làm rõ thực trạng, tìm ra lý do cốt lõi để có giải pháp giảm nghèo theo địa chỉ đến từng hộ nghèo cụ thể. Vì mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, không nên hỗ trợ cào bằng, chia đều mà cần phân biệt và thực hiện hỗ trợ tùy nhu cầu, điều kiện thực tế”.

Theo phân tích, ngoài các nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số... còn có các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, như: Một số văn bản, chính sách mới ban hành nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; nguồn lực của địa phương, của bản thân hộ nghèo tham gia đối ứng còn thấp hoặc chưa có. Cùng với đó hộ nghèo có đông nhân khẩu, bệnh tật, người ngoài độ tuổi lao động; một số dự án, tiểu dự án đã xây dựng mô hình, danh mục nhưng chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện...

Từ việc phân tích rõ nguyên nhân đói nghèo, chính quyền cơ sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm giúp đỡ hộ nghèo trong sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý từ khâu chọn giống đến phương tiện sản xuất phù hợp với đất đai và chọn con giống để phát triển chăn nuôi phù hợp thế mạnh, điều kiện của địa phương. Ðiển hình như xã Nậm Nhừ đã khai thác lợi thế địa bàn để thành lập Hợp tác xã HTX Chăn nuôi lợn, bản Nậm Nhừ 1 với 12 hộ dân tham gia. Từ mô hình này, người dân nhận thấy hiệu quả đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn; chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, liên kết mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… Ðến nay, tổng đàn lợn toàn xã đạt hơn 4.000 con. Nhiều hộ nghèo nhờ chăn nuôi lợn đã xóa đói nghèo, thậm chí có hộ vươn lên khá giả.

Yên Bái nhiều hộ giàu vì nuôi con "đặc sản”

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đi trước đón đầu xu hướng, mạnh dạn thử nghiệm những vật nuôi đặc sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập và sức cạnh tranh trên thị trường.

Mô hình nuôi cầy hương của HTX Thắng Lợi 12, thôn Đất Đen, xã Cường Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều lần thay đổi vật nuôi mà kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, ông Đặng Tiến Đạt, thôn Đào Kiều 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, nhận thấy rắn hổ mang, rắn ráo cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã "đánh liều” nuôi thử. Chịu khó cập nhật kiến thức, kinh nghiệm từ sách, báo và đến các mô hình đã nuôi rắn thành công để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên mô hình nuôi rắn của ông Đạt đã thành công từ vụ đầu tiên. 

Mày mò tìm hiểu về tập tính, đặc điểm sinh trưởng và phát triển của loài động vật hoang dã này và khí hậu của địa phương phù hợp, đầu ra lại thuận lợi nên năm 2020, ông Đạt quyết định đầu tư 600 triệu đồng để làm 2.000 ô nuôi rắn và đã được cấp phép kinh doanh về loài vật này.

Hiểu rõ đây là vật nuôi khá nguy hiểm, nên các khu nuôi được ông xây dựng biệt lập với nhà ở của gia đình cũng như các hộ lân cận. Đối với từng loại rắn, ông thiết kế chuồng theo các kiểu khác nhau cho phù hợp. Mỗi ô đều được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ, có cài khóa chắc chắn, đảm bảo không để rắn thoát ra môi trường bên ngoài. 

Theo ông Đạt: "Việc chăm sóc rắn không hề phức tạp. Cả hai loại rắn này đều là loại dễ nuôi, ăn khoẻ và đề kháng với dịch bệnh rất tốt. Thức ăn của chúng dễ kiếm như ếch, nhái, cá, tép, sâu bọ, côn trùng... Khi rắn đạt trọng lượng từ 1,8 kg đến 3 kg sẽ được xuất bán với giá từ 400 - 450 nghìn đồng/kg”. 

Song song với nuôi rắn, ông Đạt còn nuôi hơn 300 cặp ba ba trên diện tích 2.500 m2. Một năm, ông xuất bán trên 4.000 con ba ba giống và trên 300 kg ba ba thương phẩm. Tổng thu nhập từ nuôi rắn và ba ba của gia đình khoảng 1 tỷ đồng/năm. 

Với hướng đi lựa chọn những loài vật nuôi đặc sản để phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Đạt đã trở thành mô hình kinh tế nổi bật của xã Thịnh Hưng, đồng thời, là địa chỉ tham quan quen thuộc của rất nhiều người dân trong tỉnh. 

Là doanh nghiệp thành công trong nuôi cầy hương và dúi ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi 12, thôn Đất Đen đang dành diện tích đất rộng hơn 3.000 m2 để xây dựng chuồng trại cũng như để trồng cỏ, trồng mía và chuối làm thức ăn cho loài thú đặc sản này. Hiện tại, HTX Thắng Lợi 12 đang nuôi 500 cặp cầy hương và hơn 1.000 cặp dúi sinh sản. Con giống được HTX chọn mua từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắc Lắc. 

Dẫn chúng tôi đi xem mô hình với chuồng trại được đầu tư chuyên nghiệp và sạch sẽ, anh Trịnh Văn Duệ - cán bộ kỹ thuật của HTX Thắng Lợi 12 cho biết: "Cầy hương và dúi là những loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Mỗi ngày tôi cho ăn 2 bữa, chủ yếu là rau, củ, tre, bí, chuối, ngô, mía và phải thay nước uống thường xuyên. Tuy dễ nuôi nhưng nguồn thức ăn cho hai loài này phải sạch, khô ráo để tránh bị đau bụng, tiêu chảy”.

Một năm cầy hương sinh sản 2 lứa và mỗi cặp con giống có giá khoảng 10 triệu đồng tùy theo kích thước và trọng lượng. Cầy hương thương phẩm có giá từ 1,4 -1,5 triệu đồng/kg. Còn với vúi, giá thương phẩm hiện nay từ 550 nghìn đến 650 nghìn đồng/kg, giá dúi giống dao động từ 1,4 triệu đồng - 2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm, HTX thu về hàng tỷ đồng từ việc bán con giống và thương phẩm. 

Hiện nay, HTX mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô thông qua việc vận động bà con trong xã cùng chăn nuôi cầy hương và dúi theo quy mô nông hộ và cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Anh Nguyễn Thành Phước - Chủ tịch HTX Thắng Lợi, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Nếu bà con có nhu cầu nuôi thì HTX sẽ hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, ký kết hợp đồng về bao tiêu và có chính sách đổi trả con giống nếu như con giống bị lỗi”. 

Có thể thấy, việc chú trọng phát triển chăn nuôi vật nuôi đặc sản đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực vận động người dân triển khai thực hiện.Việc nuôi trồng các cây, con đặc sản là điều kiện thuận lợi góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. 

Bắc Yên hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi

Khai thác tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện Bắc Yên, Sơn La đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống nhân dân.

Nhân dân xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên phát triển chăn nuôi gia súc.

Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi sang phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện lồng ghép các chương trình, dự án về giảm nghèo, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chủ động lựa chọn con giống tốt; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố; ứng dụng các kỹ thuật trong chăn nuôi để phát triển đàn gia súc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại giá trị kinh tế.

Xã Phiêng Ban có gần 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: ngô, sắn, lúa nước, lúa nương, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tận dụng những diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi; tận dụng các loại phụ phẩm sau thu hoạch làm thức ăn cho đàn gia súc; vận động nhân dân xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ, để hạn chế, kiểm soát dịch bệnh.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, gia đình anh Mùa A Sang, bản Phiêng Ban, xã Phiêng Ban đã đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu bò, nhốt chuồng. Anh Sang, nói: Gia đình đầu tư trồng gần 2 ha cỏ voi, tìm mua các loại giống trâu bò to, khỏe về  lai  tạo, sinh sản rồi nuôi nhốt chuồng theo hướng hàng hóa, xuất bán 2 lần/năm. Giờ đây, gia đình tôi đang nuôi 10-15 con trâu, bò, đem lại doanh thu trên 150 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình đã thoát nghèo, trả được vốn vay ngân hàng.

Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban, chia sẻ: Hiện nay, xã có trên 5.800 con gia súc các loại; trong đó, trên 500 con trâu, 2.075 con bò, 246 con ngựa, hơn 2.000 con lợn và gần 1.000 con dê, đem lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 25%.

Tại xã Song Pe, cũng đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông Hoàng Văn Quyền, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chanh, cho biết: Chúng tôi vận động nhân dân tận dụng đất dọc các con suối và đất sát sông Đà có nhiều nguồn nước, tích cực mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng. Đến nay, bản có gần 10 ha cỏ voi; duy trì và phát triển gần 2.000 con gia súc các loại, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bản có 78 hộ, giờ chỉ còn 10 hộ nghèo và cận nghèo.

Giàu lên từ chăn nuôi tại bản Chanh, xã Song Pe, anh Đinh Văn Thưởng, chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu thị trường, gia đình tôi đã vay vốn, xây dựng chuồng trại kiên cố, đồng thời, mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô. Vì vậy, đàn dê gần 200 con luôn được duy trì, phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình hơn 180 triệu đồng/năm.

Hiện nay, huyện Bắc Yên có trên 80.000 con trâu, bò, lợn, dê và ngựa. Phát triển chăn nuôi, các hộ nghèo không chỉ có việc làm, còn có từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện từ 4-5%/năm. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, đến hết năm nay sẽ trồng mới 100 ha cỏ voi, nâng diện tích lên 1.200 ha. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Bắc Yên có trên 100.000 con gia súc các loại, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống dưới 25%.

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu xuyên suốt, được cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương quan tâm thực hiện, với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế thiết thực cho người nghèo.

Tuy nhiên, cũng có những người dân, địa phương không “ngồi im chờ thoát nghèo”, mà họ tự tìm cách, nỗ lực hành động, quyết tâm, quyết liệt làm đến cùng. Nhiều người trong số họ có tư duy đổi mới tìm hiểu sáng tạo học hỏi, chịu khó, chịu thương, kiên trì với công việc của mình. Bại không nản, luôn có khát vọng… nhất định họ thoát nghèo!

Trong báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vào ngày 25/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top