Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2023 | 9:19

Để điệp khúc trồng - chặt không tái diễn

Điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” trong sản xuất nông nghiệp tồn tại ở ta đã nhiều năm, tác động xấu đến sản xuất và đời sống. Giải pháp được đưa ra cũng không ít nhưng hình như “căn bệnh” của tư duy sản xuất nhỏ, làm theo phong trào,… vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nói vậy vì, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, nghĩa là từ 11/7/2022, quả sầu riêng của ta được cấp phép vào thị trường 1,4 tỷ dân – bằng đường chính ngạch. Tính từ thời điểm đó đến hết năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của ta sang Trung Quốc đạt 300 triệu USD/400 triệu USD xuất khẩu sầu riêng, con số không nhỏ với một ngành hàng mới.

Cũng từ thời điểm đó, qua thông tin đại chúng thấy có 5 luồng thông tin liên quan đến việc này. Thứ nhất, giá sầu riêng tăng cao liên tục, dịp trước Tết Nguyên đán Quý Mão – 2023 có thời điểm giá lên tới hơn 200.000 đồng/kg, gấp 3 lần bình thường, mà không có để mua. Thứ hai, người dân tại nhiều địa phương chặt cây trồng khác để trồng sầu riêng, khiến diên tích sầu riêng tăng nóng. Thứ ba, Trung Quốc tiếp tục mở cửa đối với sầu riêng của một số quốc gia khác. Thư tư, một số nước lấy việc nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Thứ năm, sau Tết, giá sầu riêng “lao dốc”, chỉ còn khoảng 100.000 đồng/kg.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện cả nước có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm; thị trường chính là Trung Quốc, chiếm khoảng 15-20% sản lượng; các thị trường khác chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại là tiêu thụ trong nước. Theo tính toán, mỗi hecta sầu riêng được chăm sóc tốt, từ năm thứ 6 trở đi có thể thu lãi tới trên 1 tỷ đồng/năm.

Theo Quyết định số 4085 ngày 27/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng  được khuyến cáo là khoảng 65.000 đến 75.000 ha, sản lượng từ 830.000 đến 950.000 tấn. Nhưng theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt khoảng 110.000 ha. Với việc được vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch, và với diện tích sầu riêng đang thu hoạch hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 1 tỷ USD ngay trong năm 2023 này.

Trước thực trạng phát triển “nóng” diện tích cây sầu riêng, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Trong đó đề nghị các địa phương rà soát diện tích sầu riêng, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, quy mô phù hợp. Đồng thời khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống.

Mới đây nhất, ngày 23/2, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong đó nhấn mạnh giải pháp tuyên truyền, phổ biến nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khâu canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Thực tế nhiều năm qua thấy việc phát triển sản xuất tự phát, theo phong trào đã để lại nhiều bài học lớn. Thiệt hại nhất vẫn là người nông dân, người làm vườn. Không ít người đã phải gánh những khoản nợ lớn, phải bán đất, bán nhà, dời bỏ quê hương…

Hiện nay, cuộc đua xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc nóng lên từng ngày giữa các nước trong khu vực ASEAN. Lợi thế về đường đi của chúng ta có thể không còn khi Thái Lan, Malaysia  nối đường sắt của mình với đường sắt cao tốc Lào – Trung Quốc. Bởi vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh chỉ có thể bằng nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất.

Thêm nữa, bài học từ trái thanh long LĐ1 bị tạm dừng vào thị trường Nhật cũng cần được lưu ý với người trồng sầu riêng về giống bản quyền. Việc cấp mã số vùng trồng có nguyên tắc phải đủ diện tích từ 10 ha trở lên và chỉ canh tác một loại cây cũng là điều nhà vườn phải lưu tâm. Và việc Trung Quốc cấp hạn ngạch cũng không phải là không thể xảy ra. Bởi vậy, nhà vườn cần thận trọng khi mở rộng diện tích sầu riêng.

Về quản lý nhà nước, hình như, cho đến giờ, chưa ai, chưa đơn vị nào bị phạt vì phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Tất nhiên đây là việc khó khi mà trồng cây gì, nuôi con gì là quyền của người nông dân. Vậy nhưng, được thì tất nhiên là mừng rồi nhưng thua thì… cứu thế nào đây? Bởi vậy, để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả vẫn mong ngành nông nghiệp sớm có chế tài xử lý việc phá vỡ quy hoạch để điệp khúc buồn không lặp lại.


 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top