Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 7 năm 2023 | 11:6

Được giá, người trồng lúa ở ĐBSCL thắng lớn

Vụ lúa hè thu tại vùng ĐBSCL được đánh giá là được mùa, cộng với thời gian gần đây giá gạo xuất khẩu tăng mạnh đã nâng giá bán lúa lên cao khiến người trồng lãi, lợi nhuận có thể đem lại từ 40-50 triệu đồng/ha.

Người trồng lúa lợi nhuận cao

Ông Nguyễn Thạch, ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng tâm sự, trong gần 60 năm gắn bó cây lúa, chưa bao giờ thấy lúa hè thu lại bán được giá cao như năm nay. Tuy trồng giống lúa thường, nhưng nhờ thu hoạch sớm nên lúa được thương lái mua tại ruộng với giá gần 7.000 đồng/kg. Vụ lúa hè thu năm nay gieo sạ sớm, tránh được thời tiết bất lợi nên trúng đậm, sau khi trừ chi phí, giá đình còn lời khoảng 30 triệu đồng.

Tại tỉnh An Giang, người trồng lúa cũng đang vui khi bán với giá cao. Ông Nguyễn Thành Nhơn, ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn cho hay, gia đình bán cho thương lái lúa OM380 với giá 6.500 đồng/kg, tăng gần 300 đồng/kg so với vụ đông xuân. Lần đầu tiên tôi thấy giá lúa hè thu được giá hơn đông xuân nên bà con phấn khởi lắm. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và năng suất không cao so với vụ đông xuân. Nếu trừ hết các chi phí, tôi chỉ có lời 2,5 triệu đồng/công.

Giá lúa lên cao, đem lại lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa hè thu 2023, nong dân xuống giống đạt gần 100% kế hoạch với khoảng 138.000ha. Một số vùng chủ động được nguồn nước ngọt, nông dân xuống giống sớm nên đang vào vụ thu hoạch. Không chỉ đạt năng suất khá, từ 5,8 - 6 tấn/ha, lúa hè thu còn bán được giá cao. Nhờ có đầu ra xuất khẩu gạo giá tốt nên giá lúa cũng tăng theo, nông dân rất phấn khởi.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) cho biết, giá gạo xuất khẩu đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất vì chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cực đoan.

Từ đầu năm đến nay, tôi liên tục trúng thầu ba hợp đồng xuất khẩu gạo đi Hàn Quốc. Cụ thể, quý 1 đơn vị trúng thầu 20.000 tấn, loại 100% tấm; tháng 4 vừa rồi, trúng thầu lô 11.347 tấn và ngày 22-6 vừa qua, tôi trúng thầu thêm 16.667 tấn gạo đi Hàn Quốc với giá 674 USD/tấn, phải giao hàng trong tháng 9 tới đây. Giá vụ lúa hè thu này nông dân đều rất phấn khởi vì giá lúa cao, giá lúa thấp nhất là 6.300 - 6.500 đồng/kg rồi, ông Bình nói.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được xem là tín hiệu tích cực cho các quốc gia xuất khẩu khác, bao gồm cả Việt Nam. Điều này, cũng giúp kéo giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục tăng 300-400 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 7/2023.

Cụ thể, lúa OM 380 hiện được thương lái mua tại ruộng (lúa tươi) có giá dao động từ 6.400-6.700 đồng/kg; IR 50404 từ 6.500-6.850 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá 7.000-7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.600-6.800 đồng/kg; lúa DS1 có giá 8.400-8.800 đồng/kg; lúa ST24 và 25 có giá dao động từ 7.300-7.400 đồng/kg.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh thời gian qua, từ 508 đô la Mỹ/tấn hồi đầu tháng 7-2023, thì hiện đã vọt lên mức 533 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm; gạo 25% tấm từ mức giá 488 đô la Mỹ/tấn cũng tăng lên mức 513 đô la Mỹ/tấn.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTT cho biết, điểm đáng mừng hiện nay là khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu với giá tăng cao, đã giúp đem lại lợi nhuận 40-50 triệu đồng/héc ta cho bà con. Đối với ĐBSCL, thường vụ đông xuân lúa mới có giá, nhưng năm nay vụ hè thu nông dân vẫn đạt mức lợi nhuận “lịch sử” là điều đáng mừng, đem lại giá trị cao cho bà con nông dân.

Hiện, giá lúa vụ hè thu đang cao hơn cả vụ lúa đông xuân.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,27 triệu tấn với trị giá đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,2% về lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo Công ty TNHH sản xuất - Thương mại Phước Thành IV dự báo, xuất khẩu gạo 2023 của Việt Nam có khả năng đạt 6,3-6,5 triệu tấn, thậm chí nhiều hơn nếu lượng lúa từ Campuchia về thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp thận trọng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, chỉ cho phép một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu, bao gồm các lô hàng đã được đưa lên tàu trước ngày có thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải; các tàu đã cập cảng và được cấp số thứ tự “ăn hàng”; lô hàng xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ…

Không phải đến khi Ấn Độ có thông báo chính thức về việc cấm xuất khẩu gạo, mà ngay khi có thông tin quốc gia này rà soát và xem xét, thì đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở lĩnh vực này đã quyết định tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới nhằm tập trung lo cho các hợp đồng đã ký trước đó.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết, gần đây, nguồn cung gạo khan hiếm cộng với thông tin gạo Ấn Độ dừng xuất khẩu, cho nên, nhiều khách hàng đặt vấn đề đàm phán mua gạo nhiều hơn từ Việt Nam. Tuy nhiên, lượng đơn hàng doanh nghiệp đã ký trước đó còn nhiều, trong khi giá thị trường nội địa tăng cao (có ngày tăng 100-200 đồng/kg) và doanh nghiệp chưa sẵn sàng lượng hàng tồn kho nên ngại đàm phán ký mới trong thời điểm này. Bây giờ chào giá cũng không ai dám vì không có hàng tồn kho để bán, mà đa phần chỉ trả các đơn hàng cũ.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng khi chào giá ký hợp đồng mới.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác ở ĐBSCL cũng thừa nhận, đơn vị này gần như phải “vét kho” để trả đơn hàng đã ký trước đó. Bây giờ nếu ký tiếp, trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay, thì rủi ro rất lớn nên đã tạm ngưng chào giá ký hợp đồng mới.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, việc khách hàng nhập khẩu tập trung sang nguồn cung từ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, Ấn Độ dừng bán, trong khi diện tích trồng cây lương thực sụt giảm rất nhiều nên các nước muốn “thủ sẵn”, tức tăng mua để đề phòng rủi ro.

Chính lý do nêu trên đã khiến giá lúa gạo của Việt Nam tăng rất cao. Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đau đầu vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa của nông dân. Do đó, doanh nghiệp hiện nay hạn chế, thậm chí dừng (ký mới) lại để lo hợp đồng cũ, ông Bình cho biết.

Đứng trước bối cảnh nêu trên, Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương ngày 21/7 cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và yêu cầu phải duy trì lượng dự trữ lưu thông theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (duy trì lượng gạo lưu thông tối thiếu 5% số lượng gạo thương nhân đã xuất trong 6 tháng trước đó – PV). Đồng thời, yêu cầu nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Giá gạo xuất khẩu lên mức cao nhất 10 năm

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tuần này đã lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa cuối năm nay có thể tăng đột biến.

Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 515 - 525 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 510-513 USD/tấn của tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất của gạo xuất khẩu Việt Nam kể từ năm 2011.

Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 545 USD/tấn, so với mức 515 USD/tấn của tuần trước. Qua đó, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.

Một thương nhân nhận xuất khẩu gạo có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu đối với gạo Việt nói riêng, các loại gạo trên thế giới nói chung đang dần tăng cao hơn khi nhiều quốc gia tăng cường dự trữ gạo trước rủi ro hiện tượng El Nino có thể tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp. Tương tự, giới kinh doanh gạo tại Thái Lan cũng cho biết nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với gạo nước này đang ở mức cao.

Trong khi đó, mặc dù Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ nhưng giá gạo đồ xuất khẩu của nước này trong tuần qua tiếp tục được giữ ổn định quanh mức 421 – 428 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất trong 5 năm trở lại đây đối với gạo đồ Ấn Độ.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top