Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 26 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 12 năm 2023 | 15:49

Gà đồi Yên Thế “sẵn sàng” phục vụ Tết

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Yên Thế (Bắc Giang) dự kiến cung cấp khoảng 2 triệu con gà (tương đương 5.000 tấn gà lông) ra thị trường. Cùng với đảm bảo chất lượng sản phẩm gà lông, huyện tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các sản phẩm qua sơ chế, chế biến từ gà nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường Tết.

Chuẩn bị 2 triệu con gà phục vụ Tết

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, cho biết, năm 2023, cơ bản sản xuất chăn nuôi được giữ vững, tổng đàn gia cầm duy trì ở mức 4 triệu con, đàn gà đạt 3,85 triệu con.

Huyện tập trung chỉ đạo cơ cấu lại tổng đàn theo yêu cầu thị trường. Thị trường tiêu thụ trong năm khá thuận lợi, giá bình quân 75.000-80.000  đồng/kg gà lông, hiện tại đạt 85.000-100.000 đồng/kg, tùy từng loại. Với giá bán này, người chăn nuôi có lợi nhuận khá, đảm bảo việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Chu Văn Khiêm, tổ dân phố Mạc 2, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế), cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình đã bán 6 lứa gà, tương đương 6.000 con, đầu năm bán với giá 70.000 đồng/kg, sau tăng lên 80.000 đồng/kg, nay đạt 90.000 đồng/kg gà Ri lai. Với giá 70.000 đồng/kg, người nuôi hòa vốn;  giá 80.000 đồng/kg sẽ lãi  20-30 triệu đồng/1.000 con; giá 90.000 đồng/kg, lãi khoảng 55-60 triệu đồng/1.000 con. Với 6.000 gà đã xuất bán, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ông Chu Văn Khiêm chăm sóc đàn gà bán vào dịp Tết.

Hiện, gia đình ông Khiêm còn 3.500 con, trong đó 2.000 con phục vụ Tết Nguyên đán, 1.000 con bán sau Tết. Từ chọn giống, sử dụng thức ăn, thuốc thú y, các chế phẩm sinh học đều có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định nên tỷ lệ gà sống luôn đạt 95-97%, đàn gà phát triển đồng đều và đạt chất lượng tốt. Gà phục vụ Tết phải có mẫu mã đẹp, thịt thơm, ngon, vàng đẹp, đặc biệt phải đảm bảo thời gian xuất chuồng. Do đó, chăm sóc cũng phải cẩn thận hơn.

Ông Đông cho biết thêm, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, huyện tập trung một số nội dung để có đủ lượng gà phục vụ người tiêu dùng: Tăng cường quản lý, giám sát tổng đàn; tập trung làm tốt công tác phòng dịch bệnh, trong đó đặc biệt tiêm phòng các loại vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAHP. Hiện, cơ bản các hộ chăn nuôi trong huyện đã đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Tập trung chuẩn bị cung ứng với số lượng, chất lượng trước và sau Tết dự kiến khoảng 2 triệu con (tương đương 5.000 tấn gà lông). Năm 2023, huyện đã phát triển thêm 3 sản phẩm OCOP chế biến từ gà đồi Yên Thế, đến nay có 8 sản phẩm OCOP chế biến từ gà đồi, trong đó, có 4 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao.

Các sản phẩm gà được chứng nhận OCOP đã góp phần đa dạng sản phẩm qua chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thương hiệu, duy trì và giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế. Các sản phẩm OCOP được doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất phát triển, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ với đa dạng kênh phân phối như: Hệ thống siêu thị BigC (Go!), chuỗi siêu thị Winmart, Winmart+ tại Hà Nội, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các địa bàn Bắc Giang, Hải Phòng, các sàn giao dịch thương mại điện tử..., giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.

Tập trung chăn nuôi an toàn sinh học

Yên Thế có tổng đàn gia cầm lớn (chủ yếu là gà) nên ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai nhiều giải pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng  phục vụ người tiêu dùng. Theo đó, 100% đàn gia cầm được tiêm phòng đủ các loại vắc xin Niu-cat-xơn, Gumboro, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, viêm gan vịt…

Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, giai đoạn 2021-2025”. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn.

Chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các ngành, đoàn thể, các thôn (bản, tổ dân phố) giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, cần báo ngay cho chính quyền và cán bộ thú y, nghiêm cấm hành vi vứt xác động vật ra môi trường.

Đồng thời, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, huyện tăng cường quảng bá, xúc tiến trên các phương tiện truyền thông, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để nâng cao giá trị sản phẩm gà đồi Yên Thế, giảm chi phí trong chăn nuôi, đảm bảo môi trường chuồng nuôi sạch sẽ, hạn chế bệnh dịch, tăng khả năng sử dụng thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm giá thành sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Thế đang triển khai mô hình “Hỗ trợ chăn nuôi gà đồi thảo dược”.

Mô hình thực hiện ở 10 hộ với quy mô 1.000 con/hộ. Hộ tham gia được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà đồi thảo dược và phòng, chống dịch bệnh. Hỗ trợ không quá 70% kinh phí mua con giống nuôi thương phẩm 01 ngày tuổi và các loại vật tư thiết yếu, gồm: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh giai đoạn 1, men tiêu hóa, thảo dược (thân, lá khô sâm Nam Núi Dành) và hóa chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường (mức hỗ trợ không quá 70% kinh phí mua các loại vật tư).

Đến nay, 4 hộ đã thực hiện và bán hết gà, 6 hộ còn lại dự kiến bán vào dịp Tết Nguyên đán  2024. Theo nhận định ban đầu, chăn nuôi gà đồi thảo dược, vật nuôi có sức đề kháng tốt hơn nên ít bệnh, sinh trưởng, phát triển đồng đều, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Đình Tùng
Ý kiến bạn đọc
Top