Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 9 năm 2022 | 21:21

Gỡ điểm nghẽn để nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa

Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch trong nước hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa tin vào chất lượng sản phẩm. Do đó, cần gỡ điểm nghẽn này để nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan tỏa.

Chăm sóc rau tại HTX nông nghiệp hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Vũ Sinh)

Dư địa lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030,  đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước. Hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ… Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, hiện nay thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail cũng cho rằng, thực tế cho thấy, đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe, đây là một xu thế tiêu dùng tất yếu.

"Đại dịch Covid-19 chính là đòn bẩy để những người tiêu dùng như chúng ta chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe và cũng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng ta có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, tăng sức mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe như sản phẩm hữu cơ", ông Paul Lê nói.

Theo ông Paul Le, tại Việt Nam, sự gia tăng dân số nhanh chóng với nhóm tuổi từ 15 đến 40 ngày càng mở rộng (khoảng 40 triệu người) đang ngày càng nhạy cảm với các sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu để có được những sản phẩm này. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 25 triệu người vào năm 2025, chiếm 25% dân số. Đối với tầng lớp này, việc tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ để sử dụng hàng ngày có thể sẽ là một nhu cầu quan trọng.

Nhiều vướng mắc

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ song chặng đường phát triển của lĩnh vực sản xuất  nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam, Giám đốc điều hành Ecolink (chuyên về trà hữu cơ), cho hay, dù sản phẩm của Ecolink có chứng nhận quốc tế nhưng các đối tác nhập khẩu luôn yêu cầu doanh nghiệp (DN) gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Việc này dẫn đến DN phải tốn rất nhiều chi phí. Ngoài ra, DN rất khó bán sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần liên kết với các nhà bán lẻ để dễ tiêu thụ. Chưa kể, xuất khẩu hàng hóa nói chung đang gặp khó do nhiều thị trường chủ lực phải đối mặt lạm phát...

Tiềm năng của lĩnh vực NNHC lớn nhưng cũng cần đầu tư lớn nên nông dân không có khả năng, chỉ DN mới có thể tham gia. Thậm chí, ngay cả DN lớn tham gia vào lĩnh vực này cũng có thể gặp thất bại. Dẫn chứng từ chính DN của mình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, cho hay đã đầu tư trồng 200 ha sản phẩm NNHC, tự mở siêu thị kinh doanh nông sản sạch nhưng đóng cửa chỉ trong... 4 tháng. Nguyên nhân do thiếu sự đồng bộ trong tổ chức sản xuất, dẫn đến chỉ cần 1 hộ gần trang trại hữu cơ dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng đến cả trang trại.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh, phản ánh DN đang phải thu mua lúa gạo hữu cơ trên vùng nguyên liệu do mình tổ chức với giá cao hơn 60% so với lúa gạo thông thường rồi bán sản phẩm ra thị trường với giá gạo thường. Nguyên nhân do DN chưa có nhà máy sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn bởi vướng mắc ở chính sách đất đai.

Ông Phạm Minh Đức chỉ ra thị trường là một rào cản lớn khiến DN sản xuất, cung ứng sản phẩm hữu cơ dần không còn mặn mà đầu tư phát triển. Theo ông, đã có 269 DN Việt từng có chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhưng hiện chỉ còn 164 DN duy trì. "Ngoài 1 DN bị tước giấy chứng nhận do gian lận thì hầu hết DN bỏ tham gia chứng nhận do vấn đề thị trường" - ông Đức giải thích.

Tạo niềm tin và uy tín với người tiêu dùng

Có một thực tế việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa tin vào chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh sản phẩm hữu cơ có phân khúc thị trường đặc thù. Ngoài ra, lĩnh vực này còn gặp khó ở câu chuyện xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Ông Toản gợi ý các nhà sản xuất NNHC chú trọng minh bạch hóa trong các khâu, kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái để gia tăng và khẳng định giá trị của NNHC như một lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Nguyễn Minh Tiến nêu một số lý do như mô hình trồng nông sản hữu cơ còn nhỏ, lẻ; công nghệ chế biến, bảo quản chưa đúng mức; mẫu mã bao bì sản phẩm chậm cải tiến theo nhu cầu thị trường.

"Gần đây, sự việc rau không rõ nguồn gốc gắn mác VietGAP càng khiến người tiêu dùng lo ngại về sản phẩm gắn mác hữu cơ", ông Tiến nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành Công ty EColink nói thêm, không chỉ người tiêu dùng Việt mà những doanh nghiệp nhập khẩu cũng khá cẩn trọng và chưa thực sự tin vào chất lượng nông sản hữu cơ của Việt Nam.

Ông Đức dẫn chứng, năm 2008, khi sang châu Âu, công ty ông luôn bị đối tác yêu cầu về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với công ty cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm.

Ngoài vấn đề về chất lượng, lòng tin, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, giá hàng hóa cũng đang là vấn đề khiến người tiêu dùng e ngại tiếp cận với thực phẩm hữu cơ. Qua khảo sát sơ bộ, bà Hạnh cho biết, giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao hơn thực phẩm thường là 6 lần. Trong khi đó, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm chưa tương xứng.

Theo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân để có mức giá cho sản phẩm hợp lý.

Riêng về vấn đề lòng tin, ông Tiến cho rằng, đây là việc làm cấp thiết cần sự chung sức từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần sản xuất các sản phẩm hữu cơ đa dạng chủng loại để người tiêu dùng dễ tiếp cận và sử dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, để niềm tin với sản phẩm hữu cơ cần được xây dựng từ người nông dân. Khi người nông dân thấy được lợi ích và giá trị từ sản phẩm hữu cơ, chính họ sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng và lúc đó lòng tin người tiêu dùng không còn những hoài nghi.

Để tạo hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, theo ông Lam, doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng đều phải hy sinh. Về lâu dài, Nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân. "Chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm", ông nói.

Cần "thông đường" cho nông nghiệp hữu cơ

TS. Ngô Kiều Oanh, chuyên gia nông nghiệp, Trang trại Đồng quê Ba Vì cho rằng, các sản phẩm sinh thái được thiên nhiên ban tặng là thế mạnh của Việt Nam. Như vậy, điều quan trọng là cần chế biến thế nào để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bà Oanh đề xuất cần tăng cường năng lực, tư duy cho chính quyền địa phương, chuyển đổi tư duy từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ; cần quy hoạch với sự tham gia của các nhà khoa học (xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật) để quy hoạch trồng trọt; cần số liệu điều tra từ địa phương để phân loại các loại cây trồng phù hợp.

Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ .

Theo bà Oanh, trong thời gian chuyển đổi cần quỹ tín dụng đặc biệt không thế chấp. Song song với quỹ này cần có hai điều kiện để nông dân, hợp tác xã hoạt động được là quỹ tín dụng vi mô và bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh các nhà sản xuất hữu cơ để giáo dục lẫn nhau, tập hợp, đặt nhiệm vụ cung cấp sản phẩm đa dạng, số lượng và liên tục, mở rộng cung cấp sản phẩm theo chuỗi và làm truyền thông.

Ông Mike Tran, Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH Medifood.Io cho rằng, một trong những hạn chế lớn và ít được chú ý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không khống chế được sâu bệnh do chi phí sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất cao. 

Do đó, công ty của ông Mike Tran cùng nhiều doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc trừ sâu dùng trong canh tác hữu cơ có giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam. 

Thuốc trừ sâu sinh học là chế phẩm có nguồn gốc sinh học như nấm, vi khuẩn, chiết xuất chất độc từ nấm, virus. Và là yếu tố chính làm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Theo bà Hạnh, về thị trường xuất khẩu, hiện nay nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất với thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp (13,4%).

“Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất rộng mở,” bà Hạnh nói.

Không chỉ có thị trường châu Âu rộng mở với nông sản hữu cơ, tiến sỹ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Mekong Organic cho biết doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ tại Australia đã tăng lên hơn 2,5 tỷ AUD. Thị trường của sản phẩm hữu cơ của Australia tăng trên 5% mỗi năm và đặc biệt có những năm tăng trên 10%. Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm hữu cơ vào Australia đang khá khiêm tốn, đây là cơ hội đối với các sản phẩm của Việt Nam.

“Hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia,” tiến sỹ Nguyễn Văn Kiền cho biết.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng bổ sung thêm rằng uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên. Từ năm 2018 đến 2022, có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Mỹ./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top