Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 14:28

Huyện Tiên Lãng xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Từ huyện thuần nông, nông dân vốn quen với tập quán canh tác truyền thống, song nhờ tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất, liên kết…

Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Xây dựng NTM tại các địa phương cũng đạt được những kết quả tích cực.

Thay đổi diện mạo

Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM  (2011-2020), Tiên Lãng đã được công nhận hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Đây là kết quả quan trọng và ấn tượng, làm thay đổi một cách căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn, đời sống tinh thần, vật chất được nâng cao, cơ sở hạ tầng của huyện ngoại thành.

Ngày 15/8/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 982/QĐ-TTg công nhận huyện Tiên Lãng đạt chuẩn NTM năm 2020.

Sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi hoàn thành các tiêu chí huyện NTM, Tiên Lãng đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo đó, năm 2020, xã Kiến Thiết là một trong 8 xã đầu tiên của TP. Hải Phòng được lựa chọn đầu tư xây dựng thí điểm xã NTM kiểu mẫu với 30 hạng mục công trình được đầu tư. Trong đó có 29 công trình đường giao thông và 1 công trình về môi trường với tổng mức đầu tư là 172,3 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn.

Gai đoạn 1 năm 2020: Thành phố hỗ trợ thí điểm kinh phí đầu tư 5 công trình, gồm 4 công trình giao thông và 1 công trình mở rộng, cải tạo bãi rác với tổng vốn đầu tư trên 38,18 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 năm 2021: Triển khai xây dựng 25 công trình giao thông còn lại với tổng mức đầu tư gần 134,12 tỷ đồng.

Đến nay, Tiên Lãng có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng. 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng, Quyết Tiến, Quang Phục, Toàn Thắng. Đoàn Lập đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tổng nguồn vốn thành phố đầu tư cho 7 xã (Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng, Quyết Tiến, Đoàn Lập, Quang Phục, Toàn Thắng) trên 870 tỷ đồng với 195 công trình. Năm 2023,  Tiên Lãng đề xuất thành phố đầu tư tiếp 5 xã (Tự Cường, Bạch Đằng, Tây Hưng, Hùng Thắng, Đoàn Lập) xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Chương trình xây dựng NTM ở huyện Tiên Lãng đã làm thay đổi toàn diện diện mạo vùng quê, phát triển hệ thống giao thông, điện chiếu sáng…, từ đó thu hút nguồn lực kinh tế phát triển vào địa phương, tạo đà đẩy nhanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cùng với việc xây dụng NTM kiểu mẫu, Tiên Lãng xác định việc đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường thâm canh, tăng vụ, đưa các giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… là mũi nhọn đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; chuyển đổi vùng canh tác có năng suất thấp sang phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Chị Trần Thị Gấm chăm sóc đàn gà.

Tiêu biểu như mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Bình và chị Trần Thị Gấm ở thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng. Chị Gấm cho biết, trước đây diện tích đất của gia đình là vùng cấy lúa ruộng trũng kém hiệu quả, sau gia đình chuyển sang phát triển mô hình gia trại. Hiện nay, gia trại  nuôi 4.000 con gà Hồ; sau khi  nuôi trong chuồng được 1,5 tháng sẽ thả ra vườn. Sau 4 tháng, gà đạt trọng lượng khoảng 4kg/con thì xuất bán ra thị trường với giá  65.000 - 75.000 đồng/kg, tuỳ thời điểm, sản lượng trung bình 12 tấn/lứa. Mỗi năm gia đình chị nuôi  3 lứa.

“Gà của gia đình nuôi thả vườn nên được thương lái tìm về mua với giá khá cao. Nhiều thời điểm, không đủ cung cấp gà ra thị trường. Ngoài nuôi gà, gia đình còn thả nuôi ngan, vịt, cá, trồng hơn 60 cây vải,  nhãn…  Từ mô hình VAC này, trừ chi phí, gia đình thu lãi 600 triệu đồng/năm”, chị Gấm phấn khởi chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung để ứng dụng tiến bộ  kỹ thuật vào sản xuất được huyện Tiên Lãng chú trọng đẩy mạnh. Từ đó, huyện hình hành các vùng sản xuất tập trung với 40% diện tích lúa đặc sản hàng năm, hơn 1.000 ha cây thuốc lào, 87 vùng sản xuất tập trung, 13 vùng canh tác hữu cơ, 7 vùng sản xuất và 2 trang trại được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 7 vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng…

Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đại Thắng,  cho biết: “Xã hiện có  vùng sản xuất rau màu (50ha) và vùng sản xuất nếp cái hoa vàng Đại Thắng (150 ha). Trong sản xuất vụ mùa 2023, xã sẽ triển khai mở rộng quy mô vùng sản xuất lúa lên  trên 280ha, theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, người dân thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp”. Nông dân được cán bộ Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn về chăm sóc, lựa chọn cây - con giống. Chi phí cho sản xuất thấp hơn so với phương thức truyền thống”.

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân được Tiên Lãng xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí NTM.

Xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên liên tục, không có điểm kết thúc,  huyện Tiên Lãng chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí. Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của Nhân dân, tạo đà để đến hết năm 2025, có 100% số xã đạt NTM kiểu mẫu, huyện đạt huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top