Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 16 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2023 | 16:59

Nghề không biết Tết!

“Nghề này lắm cái buồn, buồn vì xa nhà, nhớ vợ con, nhớ gia đình, buồn vì bị trấn lột… Buồn nhất là đêm giao thừa, khi người người rộn ràng đi hái lộc, nhà nhà đang quây quần bên mâm cỗ đầu năm thì trong rừng keo này chỉ có mình tôi vẫn lặng lẽ với công việc thường ngày là chăm ong”, anh Nguyễn Văn Lâm rươm rướm nước mắt nói.

Chăn ong xuyên giao thừa

Sau những ngày u ám và se lạnh, trung tuần tháng 12, nắng hửng lên một màu vàng. Dưới những tán rừng keo xanh mướt ở xã Sơn Hội (Sơn Hoà - Phú Yên), nhiều lán trại sơ sài, xung quanh chỉ bao vài tấm bạt đơn sơ, lụp xụp dựng lên giữa bốn bề núi rừng. Hỏi thăm những người đi làm rẫy ở khu vực, chúng tôi mới biết đó là lán trại của một số người ở Tây Nguyên xuôi xuống dựng tạm để “chăn ong”.

Nghe tôi trao đổi với người dân đi rẫy, từ bên trong đám keo có tiếng nói vọng ra: “Ai đấy. Ai đấy…!”. Nghe vậy, chúng tôi nhìn vào rừng keo thì thấy một người đàn ông quần áo tuềnh toàng, đội chiếc nón rách, khuôn mặt nám đen vì nắng.

Anh Lâm chăm sóc đàn ong trong rẫy keo.

Anh tự giới thiệu  là Nguyễn Văn Lâm, ngụ ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Anh Lâm nghỉ tay đón khách, cười hồn hậu, tâm sự, nghề chăn ong du mục từ bao đời đã là nghề chính của anh. Theo những mùa hoa nở, anh mải miết dẫn ong “đi ăn” từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, từ đồng bằng ra tới tận Bắc Giang, Lạng Sơn. Ở Tây Nguyên mùa này hết mùa hoa cà phê, ong không cho mật nên anh mới di chuyển 200 đàn ong đến đây vào mùa hoa keo để “chăn ong” lấy mật, cách đây khoảng nửa tháng. Công việc nuôi ong lấy mật nhìn thấy đơn giản nhưng lại tỉ mỉ, cầu kì và phải thực sự kiên nhẫn. Đây cũng là nghề nay đây mai đó chỗ nào có thức ăn cho ong thì mình đến đó, núi rừng là nhà.

Anh Lâm chia sẻ: “Nắng nóng đã đáng ngại, nhưng những cơn mưa giông mùa hè còn nguy hiểm hơn. Nhiều khi mưa đến bất chợt, lán trại bị hất tung, đồ đạc ướt sũng. Tuy nhiên, những điều này chưa là gì so với lúc ốm sốt, bệnh đau trong rừng. Những lúc như thế này không biết nhờ ai, tôi vội uống liều thuốc mang theo trong túi rồi nằm run bần bật cả tối và chỉ biết cầu nguyện và đặt cược tính mạng cho trời đất”.

Theo anh Lâm, đối với thợ chăn ong, cuộc sống không điện, không nước sạch đã thành chuyện quen thuộc. Mỗi lần tắm rửa, anh lấy can hoặc đi ra sông, suối, tối về bị dị ứng mẩn ngứa, nổi hột đầy mình. Dẫu vậy, các anh chưa bao giờ than vãn, chê trách công việc của mình.

“Đã 10 năm trong nghề, cũng là chừng ấy năm tôi đón giao thừa ở trên các vùng đồi rừng núi trên cả nước. Nhiều năm ăn Tết ở trong rừng một mình cũng thành quen. Cứ nghĩ, giờ này người ta tất bật sắm sửa chuẩn bị cho ngày Tết, hay đêm giao thừa người dân đi chơi, hái lộc đầu năm, quây quần bên gia đình, đôi lúc tôi vẫn không khỏi chạnh lòng. Buồn tủi lắm các anh ơi! Cũng may vợ con, gia đình đều cảm thông và động viên hết mực nên tôi ở đây cố gắng chăm nom đàn ong để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”, anh Lâm bộc bạch.

Cách nơi anh Lâm vài cây số đường rừng, chúng tôi đến một lán trại khác. Những triền keo xanh mướt là chỗ dừng chân lí tưởng trên hành trình “chăn ong” của anh Huỳnh Tấn Phát ở tỉnh Gia Lai. Anh Phát tâm sự: Nuôi ong du mục cực lắm, còn bận hơn có con mọn. Nuôi ong du mục như “đánh bạc với trời”. Không chỉ có sức khỏe mà còn phải nhẫn nại, tỉ mỉ. Biền biệt xa nhà, làm bạn với ong, với núi rừng nơi hẻo lánh, xa xôi và đầy hiểm nguy...

Anh Phát nhớ lại: “Cách đây 1 năm, tôi di đàn ong ra tận ngoài Bắc, đất khách quê người, đang yên đang lành thì tối khuya, khi tôi ngủ, xuất hiện những tay anh chị túm cổ áo xin đểu. Lúc này, tôi vét hết túi còn hơn 300 ngàn đồng đưa cho họ”.

Theo anh Phát, chăn ong là nghề nếm mật nằm gai, một đồng tiền lãi, chín giọt mồ hôi, không chỉ vất vả mà còn nhiều rủi ro. Nếu lúc đó mình không làm theo ý họ thì khó mà sống được. Họ kéo đến quậy phá, kiếm chuyện đạp tung xoong nồi, chén bát rồi gây khó dễ khiến chủ đất xua đuổi, trở chứng với mình, còn kháng cự thì bị đánh bầm mình. Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ, vì chi phí cho mỗi chuyến xe di chuyển ong từ vùng này đến vùng khác rất tốn kém.

Sống được với nghề

Anh Lâm kể: Mùa có hoa keo nở rộ thì tầm từ 15 - 20 ngày quay mật một lần, còn mùa ít hoa, thì tuỳ theo thực tế mà định ngày quay mật. Mùa này keo bắt đầu vào mùa nở hoa nên tôi nuôi ong ở đây tầm 5 tháng. Tôi có 200 thùng, thu hoạch được 1 tấn mật/năm, giá trung bình bán cho công ty dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg mật, sau khi trừ hết chi phí cũng thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.

Để đàn ong khoẻ mạnh, cho mật nhiều và có con giống tốt thì ngay từ đầu vụ, anh Lâm mua ong chúa khoẻ mạnh với giá 5 triệu đồng/con hoặc có lần anh mua con giống tốt hơn với giá 15 triệu đồng/con, sau khi cho ăn 2 - 3 tối bằng nước đường (tỷ lệ 1:1), chi viện thêm cầu có nhộng già, rút bớt cầu cũ để ong tập trung hơn. Làm vậy đàn ong sẽ xây thêm mũ chúa sớm hơn để chuẩn bị chia đàn. Sau đó, người nuôi chọn mũ chúa to, dài, thẳng, đẹp để làm giống. Khi mũ chúa già, dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5 cm rồi đem gắn vào đàn ong cần thay chúa.

Những đàn ong được bổ sung thức ăn là đường, phấn hoa trộn.

“Nuôi ong nhiều khi phải có duyên, nhưng quan trọng nhất  là phải hiểu được tập tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Ong nội nếu thiếu phấn hoa sẽ ngừng sinh sản và cắn lẫn nhau, dẫn tới số lượng ong suy giảm, dễ bốc bay. Vào mùa ít hoa phải có cách bổ sung thức ăn và giữ đàn ở vùng thời tiết ấm áp, tránh cho ong bị chết.

Vừa tâm sự với chúng tôi, anh Lâm vừa mở nắp thùng, cẩn thận nhấc từng cầu ong, rũ rũ nhẹ để những con ong tản ra, rồi nhanh nhẹn chọn những cầu ong đầy mật đưa về lán rồi gắn vào cái thùng tròn, để quay. Sau khi dùng dao cắt nhẹ bề mặt cầu ong để hở ra những tổ ong nhỏ, anh lại nhẹ nhàng xếp từng cầu ong vào chiếc máy và quay đều. Mật ong sẽ văng ra khỏi cầu theo lực li tâm. Trên miệng thùng có tấm màng chắn để gạn bỏ tạp chất, lọc lấy nguồn mật ong sạch rồi đưa vào các can nhựa.

Còn theo anh Phát, nuôi ong di đàn là nghề cho ong ăn theo từng mùa hoa. Người nuôi ong đã thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến, những cơ sở nuôi ong mật thường có 5 tháng ở miền Trung, Nam, 7 tháng ở ngoài Bắc… Và cuối mùa mật keo, để giữ đàn ong không bị yếu, người nuôi thường cho ong ăn; thức ăn là bột đậu nành rang, đường và phấn hoa trộn đều với nhau. Rồi di đàn ong đến nơi khác, cuộc sống du mục cứ thế lại bắt đầu.

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top