Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 16:50

Nhà hàng xóm chăn nuôi mất vệ sinh, xử lý thế nào?

Không ít hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến hàng xóm. Vậy, nhà hàng xóm nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, xử lý thế nào?

Điều kiện được chăn nuôi lợn trong khu dân cư

Chăn nuôi lợn là một trong những nguồn quan trọng tạo ra thu nhập và thực phẩm tươi sống cho mỗi gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, để được chăn nuôi lợn trong khu dân cư, cần phải đáp ứng nhiều điều kiện.

Với hình thức chăn nuôi khác nhau thì sẽ phải đáp ứng các điều kiện chăn nuôi khác nhau. Cụ thể:

Nuôi trang trại: Vị trí xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi; có đủ nguồn nước đảm bảo xử lý chất thải và chất lượng chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường; có chuồng trại, trang thiết bị với từng loại vật nuôi.

Đặc biệt, phải có khoảng cách an toàn từ trang trại chăn nuôi đến những nhà hàng xóm và từ nguồn gây ô nhiễm đến trang trại chăn nuôi.

Nuôi nông hộ: Chuồng nuôi tách biệt nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc dụng cụ, chuồng trại chăn nuôi…

Đồng thời, khoản 1, Điều 12, Luật Chăn nuôi cũng cấm nuôi lợn trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, trừ nuôi làm cảnh, nuôi trong phòng thí nghiệm mà không ô nhiễm môi trường.

Như vậy, luật chỉ cho phép nuôi lợn làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường nhưng nếu nuôi trong vùng không được phép nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thì sẽ bị cấm.

Trong đó, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cơ quan này sẽ trình HĐND quyết định.

Đặc biệt: Việc chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình phải đảm bảo quy định tại Điều 56, Luật Chăn nuôi:

- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ môi trường.

Như vậy, tùy từng địa phương khác nhau, sẽ có khu vực cấm chăn nuôi khác nhau trong khu vực thành phố, thị trấn, thị xã và người dân sẽ không được phép chăn nuôi tại đó. Ngoài ra, khi chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Nhà hàng xóm nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, xử lý thế nào?

Một trong những điều kiện để được chăn nuôi là phải có biện pháp xử lý rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người xung quanh nên khi nhà hàng xóm nuôi lợn mất vệ sinh có thể bị xử phạt hành chính.

Người nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra với những người xung quanh. Ảnh minh họa.

Cụ thể, việc xử phạt hành chính được quy định tại các Điều 24, 25, 31 Nghị định 14/2021/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng: Không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng người xung quanh.

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng: Chăn nuôi tại nơi không được phép nuôi; không đảm bảo khoảng cách an toàn khi nuôi trang trại lợn.

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng: Nếu nuôi trang trại lớn với quy mô vừa, nhỏ ở nơi không được phép chăn nuôi.

Trong khi đó, quy định cũ chỉ phạt người nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng theo điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại?

Nuôi lợn trong khu dân cư mà không có các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại… rất dễ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Điều 160, Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Theo đó, Điều 603, Bộ luật Dân sự hiện nay nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Lúc này, việc nuôi lợn khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường.

Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận về sức khỏe gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.

Như vậy, người nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra với người xung quanh.

 

Nguyễn Hương
Ý kiến bạn đọc
Top