Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 9 năm 2023 | 13:10

Nhiều thách thức trong xây dựng NTM ở Điện Biên

Kể từ khi Bộ Chính trị (8/2010) chọn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) làm “xã điểm” đại diện cho vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian như “bóng câu qua cửa”.

Tuần Giáo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” (ÐTVM), những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, ÐTVM trên địa bàn.

Ðoàn viên thanh niên và người dân bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo tham gia làm đường bê tông nội bản.

Xác định để triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” cần có sự đồng thuận và nguồn lực đóng góp của nhân dân, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Tuần Giáo đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa, lợi ích to lớn của việc xây dựng NTM. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn dân cư như: Qua các hội nghị, cuộc họp bản, hoạt động của các hội, đoàn thể; qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, qua các trang mạng xã hội… người dân đã dần hiểu được lợi ích cũng như vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung tay xây dựng NTM. Vì thế, bà con đã sẵn sàng hiến đất, tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM trên địa bàn.

Từ năm 2022 đến nay, người dân trong huyện đã hiến hơn 22.000m2 đất, đóng góp hơn 960 triệu đồng và trên 2.700 ngày công để làm đường giao thông, nhà văn hóa, công trình thủy lợi… Ðiển hình như tại xã Mường Khong, nhân dân bản Phiêng Hin và Hua Sát đã hiến 6.000m2 đất làm đường giao thông vào bản; người dân xã Quài Tở hiến 880m2 đất làm đường nội đồng, đóng góp hơn 300 ngày công làm đường bê tông, hệ thống đèn chiếu sáng với chiều dài 1.845m, kinh phí thực hiện hơn 313 triệu đồng; xây dựng mô hình con đường hoa dài 800m…

Ðáng chú ý, thực hiện 5 nội dung cụ thể của cuộc vận động, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Xác định đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng là nội dung trọng tâm, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất; phối hợp với các tổ chức đoàn thể giúp người dân vay vốn để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Song song với đó, huyện cũng làm tốt công tác chăm lo, trợ giúp cho hộ nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hàng năm, huyện đều tổ chức hoạt động hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng quà cho hộ nghèo, cứu trợ nhân đạo… Trong 8 tháng đầu năm, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 48 nhà đại đoàn kết, mái ấm nghĩa tình cho hộ nghèo với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng; phối hợp trao tặng trên 1.000 suất quà cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, huyện đang tập trung triển khai hỗ trợ xây dựng 605 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của huyện theo chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Ðoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư; vận động nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, chịu khó học tập, xây dựng nếp sống văn minh. Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, người dân trên địa bàn đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng việc trồng cây xanh, thường xuyên dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, xây dựng các mô hình tự quản tại khu dân cư.

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, MTTQ các cấp vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm; phát huy vai trò các tổ hòa giải kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bất hòa trong nhân dân. Phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, các cấp MTTQ huyện thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến các cấp chính quyền…

Ông Giàng A Dơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuần Giáo khẳng định: Tập trung thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Ðến nay, toàn huyện có 5 xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, 9 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, bình quân đạt 14,5 tiêu chí/xã. Ðáng chú ý, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn hơn 41%. Người dân đã dần thay đổi nhận thức về NTM, sẵn sàng chung sức đồng lòng tham gia thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, ÐTVM góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiều thử thách

Kể từ khi Bộ Chính trị (8/2010) chọn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) làm “xã điểm” đại diện cho vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian như “bóng câu qua cửa”. Mới đó mà đã 13 năm trôi qua. “Vạn sự khởi đầu nan”, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân trong xã, đến cuối năm 2015, Thanh Chăn đã về đích NTM.

Đến tháng 6/2023, bên cạnh “xã điểm” Thanh Chăn, thì tỉnh ta có 21 xã nữa được khoác lên mình “chiếc áo” NTM. Có 120 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài phấn đấu xây dựng xã, bản đạt tiêu chí NTM, hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng tiêu chí xã, bản đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Thực tế chứng minh, tại những xã đạt NTM mới, cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá...) được xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp khang trang. Năng lực công tác của cán bộ và trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao, tinh thần đoàn kết nội bộ, cộng đồng dân cư được củng cố vững chắc; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu tại các xã, bản đang được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản, có trách nhiệm. Với quan điểm, xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Căn cứ nguồn lực, tiềm năng, điều kiện thực tế để xây dựng NTM. Không ép tiêu chí và không để người dân trở thành “con nợ” sau khi đạt NTM.

Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững được tất cả những tiêu chí NTM là vô cùng khó khăn, thách thức, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cần thường xuyên. Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ, với hầu hết các xã của tỉnh Điện Biên thì tiêu chí nào cũng khó. Trong đó, tiêu chí số 10 về thu nhập được coi là thách thức lớn nhất, khó vượt qua nhất. Các tiêu chí về giao thông, kênh mương nội đồng, y tế, văn hóa... có vốn là làm được, nhưng tiêu chí về thu nhập bình đầu người thì không giản đơn như thế. Hầu hết các xã thuần nông, ngành nghề dịch vụ chưa có nhiều, để phát triển kinh tế đã khó huống chi là duy trì tăng trưởng bền vững trong nhiều năm.

Sau gần 8 năm đạt chuẩn NTM ở Thanh Chăn, hầu hết các công trình đã bắt đầu xuống cấp và thiếu nguồn để sửa chữa. Lãnh đạo chính quyền xã thừa nhận rằng, trong số 19 tiêu chí NTM hiện nay, có những tiêu chí rất khó duy trì và tính bền vững cũng không cao. Đặc biệt là khi áp vào bộ tiêu chí mới với những cách tính mới.

Tại xã Ẳng Nưa - xã đầu tiên của huyện Mường Ảng đạt chuẩn NTM. Sau hơn 6 năm phát động, với sự ưu tiên về nguồn lực của địa phương, năm 2016 Ẳng Nưa đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, dù trong đó có một số tiêu chí còn chưa hoàn toàn “đạt chuẩn”. Giai đoạn 2011 - 2016 tổng nguồn vốn huy động để xây dựng NTM trên địa bàn xã khoảng hơn 77 tỉ đồng. Song do phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo các tiêu chí nên nguồn vốn thiếu dẫn đến nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng phải “nợ” lại và đến gần 7 năm sau vẫn chưa “trả” được. Cụ thể, các tuyến đường giao thông liên bản đã được đầu tư bằng bê tông, còn các tuyến nhánh thì chưa được đầu tư. Thời điểm ấy, do mỗi thôn bản không có đủ 1 nhà văn hóa nên xã Ẳng Nưa đã “linh hoạt” áp dụng 2 - 3 bản ở gần nhau sử dụng chung 1 nhà văn hóa. Sau gần 7 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay xã Ẳng Nưa vẫn chưa trả được “nợ” về các hạng mục, công trình mà còn đang “chật vật” để duy trì các tiêu chí. Giao thông trong xã nhiều tuyến đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.

Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, được các cấp ngành Trung ương và địa phương nỗ lực nhập cuộc triển khai. Với tỉnh miền núi, dân trí hạn chế, kinh tế chậm phát triển như Điện Biên, thì việc tập trung nguồn lực xây dựng NTM càng cần thiết và tác dụng nhiều mặt.  

Chủ động, linh hoạt

Hiện nay, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM giữa các địa phương trong tỉnh vẫn còn chênh lệch lớn, xã NTM chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 4 huyện (Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông và Tủa Chùa) “trắng” xã NTM. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế; cơ sở hạ tầng ở một số xã đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Mặc dù đã nỗ lực triển khai chương trình xây dựng NTM, chọn xã điểm thực hiện, nhưng đến nay huyện Tủa Chùa chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, các xã đều gặp khó khăn về tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, giao thông...

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Bình quân các xã trên địa bàn huyện mới đạt 10,7 tiêu chí/xã (chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra). Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; trong khi xuất phát điểm của các xã trên địa bàn thấp, đời sống người dân còn khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện.

Để duy trì tiêu chí về môi trường, thời gian qua xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé triển khai nhiều giải pháp. Trong ảnh: Người dân xã Sín Thầu san nền xây dựng lò đốt rác.

Một điểm chung trong quá trình xây dựng NTM là hầu hết các xã tập trung nguồn lực vào các tiêu chí: Hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... dẫn đến các tiêu chí “mềm” ít được quan tâm, đầu tư. Đơn cử xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), một trong những khó khăn lớn nhất của xã trong xây dựng tiêu chí môi trường là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại. Hiện nay, người dân chưa có điều kiện và kỹ thuật trong xử lý nước thải sinh hoạt. Việc xử lý chất thải độc hại là vỏ thuốc bảo vệ thực vật, dù UBND xã đã xây dựng bể thu gom nhưng ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa tốt. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường mới đạt 74%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới đạt hơn 80%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh chưa đạt.

Để phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong thực hiện.

Trước những khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa bản. Kết quả đã có 150 nhà văn hóa được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa, đến nay huyện Điện Biên Đông đã có 154/193 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Tiêu biểu như bản Pá Nậm, xã Chiềng Sơ, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, bản Pá Nậm đã chủ động huy động sức dân, thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa với kinh phí 164 triệu đồng (trong đó Công an huyện Điện Biên Đông hỗ trợ 80 triệu đồng; các hộ dân đóng góp 19 triệu đồng và trích 65 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng của bản). Bên cạnh đó, dân bản đóng góp gần 100 ngày công để thi công công trình và làm đường vào nhà văn hóa.

Tương tự, để hoàn thiện tiêu chí giao thông, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức để người dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện tham gia. Năm 2021, bản Mường Pồn 1 đã trích 180 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hoàn thành các hạng mục phụ trợ cho nhà văn hóa, mở rộng đường nội bản và làm đường nhánh đến từng nhà. Hoặc, nguồn vốn xây dựng NTM chỉ hỗ trợ bản Mường Pồn 1 làm đường giao thông nông thôn rộng 2m, nhưng bản đã nhất trí trích quỹ bản đầu tư thêm vật liệu làm đường rộng 2,5m.

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, nhưng bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới... Theo kế hoạch đến năm 2025 tỉnh ta phấn đấu có 1 huyện (Điện Biên) đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM... Nếu không có sự chủ động, linh hoạt các giải pháp, nhiều địa phương sẽ khó hoàn thành mục tiêu.

Muốn đạt, duy trì bền vững các tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo quy định, mang lại cuộc sống “no cơm ấm áo” cho người dân, Điện Biên cần sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho chương trình này. Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước là nguồn xã hội hoá, nguồn tài trợ... Mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc đóng góp công sức, tiền của, hiến kế, nghĩ cách xây dựng NTM. Cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương cần sâu sát, nhiệt tình, năng động hơn nữa trong tuyên truyền, vận động, lựa chọn các tiêu chí cần thiết để tập trung xây dựng NTM một cách bài bản, khoa học. Quan trọng nhất trong xây dựng NTM là cuộc sống người dân được nâng lên, chứ không phải áp lực được đè lên.

V.N (tổng hợp từ baodienbienphu.com.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top