Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 12 năm 2023 | 10:52

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở Đông Giang

Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) dám nghĩ, dám làm và bước đầu thành công với mô hình phát triển kinh tế của mình thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Những mô hình tiêu biểu

Ý chí thoát nghèo đã mang lại thành công cho hộ nông dân A Lăng Bi (thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) bằng mô hình trồng cây chuối mốc cấy mô, nuôi heo thịt. Cách đây 7-8 năm, ông Bi đã mạnh dạn đưa chuối về trồng trên diện tích 1ha đất đồi. Ngoài chú trọng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, người nông dân này còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho từng gốc chuối. Mô hình trồng chuối cấy mô đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông hộ A Lăng Bi.

Một phiên chợ bày bán các sản phẩn nông nghiệp của bà con nông dân huyện Đông Giang.

Một phiên chợ bày bán các sản phẩn nông nghiệp của bà con nông dân huyện Đông Giang.

Năm 2018, gia đình anh A Rất Bay (thôn A Dinh, thị trấn Prao, huyện Đông Giang) chính thức thoát khỏi hộ nghèo. Được vay vốn ưu đãi, hai vợ chồng anh đã tính toán, thống nhất cải tạo vườn đồi của gia đình trồng chuối, thơm và chăn nuôi. Trả vốn vay xong, anh tiếp tục vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để mở rộng trồng 5ha keo, 2ha quế, nuôi 30 con heo rừng, heo cỏ và gà, vịt xiêm các loại. Đến nay, tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh gần 200 triệu đồng, xây được nhà cửa khang trang, kiên cố.

Thời gian qua, những khách hàng tại nhiều địa phương cũng thường xuyên tìm đến thôn Đha Mi (xã Ba, huyện Đông Giang) gặp hộ ông Nguyễn Văn Thông để muốn được cung cấp giống heo cỏ địa phương. Mỗi cặp heo giống mà ông Thông cung cấp có giá trị dao động 3-5 triệu đồng. Tính ra, gia trại của người nông dân này có khoảng 30 cặp heo như vậy.

“Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, trên cơ sở tuyên truyền của Hội Nông dân xã Ba, qua tham gia các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi chọn chăn nuôi gia trại với heo cỏ địa phương” - ông Nguyễn Văn Thông nói.

Tư tưởng được đả thông, hộ ông Thông đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại trên diện tích 600m2, khởi đầu với 10 con heo sinh sản. Đến nay, tổng đàn có 60 con; giá bán 3-5 triệu đồng/cặp heo giống, còn heo thương phẩm bán ra 130 nghìn đồng/kg. Chưa kể các nguồn thu nhập khác, sau khi trừ chi phí, gia trại nuôi heo của ông lãi được 60 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi heo cỏ giống của ông Thông thành công là nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; thường xuyên học tập, trau dồi kinh nghiệm qua thực tế và nắm thông tin trên báo đài; chú trọng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Lan toả quyết tâm làm giàu

Theo ông Nguyễn Hữu Sanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang, phong trào vận động nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững thời gian qua đạt những kết qủa tích cực. Người nông dân trên địa bàn huyện đã áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình có thể kể đến như chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê bán chăn thả (xã Jơ Ngây); chè dây, hoa hồng (xã Tư); nuôi heo đen (các xã A Rooi, A Ting); trồng nghệ đen, đan mây tre (xã Sông Kôn)...

Cây chè dây Za Reh, một sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp huyện Đông Giang.

Cây chè dây Za Reh, một sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp huyện Đông Giang.

Qua phong trào, xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, khai thác lợi thế, tiềm năng đất đai, lao động, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Họ vận dụng nguồn vốn hợp lý để phát triển sản xuất đạt hiệu quả, trở thành hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với doanh thu 135 triệu đồng đến 650 triệu đồng/năm.

Đơn cử, hộ ông Phạm Quốc Phòng (thôn Panan, xã Tư) trồng 30.000 cây chè dây, sử dụng phân bón hữu cơ 100%; hộ Bnướch Thị Diên (thôn Aroong, xã Mà Cooih) phát triển chăn nuôi, dịch vụ buôn bán và trồng rừng. Hay tại thôn A Rớch (xã A Ting), hộ Cơ Lâu Thị Kích làm nông - lâm nghiệp, kinh doanh buôn bán và dịch vụ vận tải…

Ông Nguyễn Hữu Sanh cho biết thêm, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nghị quyết liên quan, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đông Giang sẽ tiếp tục phát động, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cả bề rộng lẫn chiều sâu. Qua đó, tạo sức lan tỏa từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho đến tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ...

Thời gian đến, các cấp hội cơ sở sẽ tiếp tục động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn để đầu tư phát triển sản xuất...

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top