Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024 | 15:20

Nông dân cần chủ động nguồn phân bón cho vụ hè thu

Hiện nay, bà con nông dân các tỉnh miền Trung đã thu hoạch xong lúa xuân, đang bắt tay vào chuẩn bị cho gieo cấy lúa hè thu. Tuy nhiên, vào thời gian này có một số loại phân bón tăng giá nhẹ, để chủ động ứng phó với sự biến động giá phân bón có thể tăng, bà con nông dân đã có nhiều biện pháp để ứng phó.

Dự trữ các loại phân bón chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp

Trong sản xuất nông nghiệp, nhân dân đã có câu “Nhất nước – nhì phân – tam cần – tứ giống” để thấy được tầm quan trọng của phân bón trong trồng trọt, nhất là trồng lúa nước. Tuy nhiên, phân bón dùng trong sản xuất nông nghiệp trước đây chủ yếu là phân xanh, phân chuồng và phân bắc ủ kỹ rồi mới đem ra bón ruộng.

Hiện, người dân nhiều vùng đã thu hoạch xong lúa vụ xuân, cày ải để gieo cấy lúa vụ hè thu. Ảnh: T.P

Ngày nay, nhờ có khoa học kỹ thuật phát triển, các loại phân bón truyền thống đã được thay thế bằng các loại phân bón hóa học, do đó việc sử dụng phân để bón cho lúa và cây trồng đều phụ thuộc vào các đại lý phân phối phân bón được nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước cung cấp. Vì thế, giá cả cũng lên xuống theo thị trường trong nước và quốc tế, nên bà con nông dân hoàn toàn bị động. Để chủ động đảm bảo có đầy đủ phân bón, với chi phí thấp, nhiều bà con nông dân đã dự trữ các loại phân hóa học, khi giá còn thấp.

Bà Hoàng Thị Huê ở xã Tào Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) đã thuê máy làm đất, gieo mạ để chuẩn bị gieo cấy vụ hè thu. Theo tính toán của bà Huê, trung bình mỗi sào lúa, cần khoảng 8 kg đạm Urê, 12 kg lân tổng hợp NPK 16.16.8, 10 kg lân tổng hợp 15.5.20 và 5 kg ka-li. Đầu vụ hè thu, giá đạm Urê giảm 1.000 đồng/kg, lân tổng hợp NPK và ka-li lại tăng nhẹ, do đó, bà không tránh khỏi lo lắng.

Bà Huê cho biết: “Mỗi sào lúa, tiền phân bón ở thời điểm giá cao lên đến 500.000 đồng/sào. Nay sắp bước vào vụ gieo cấy, giá đạm Urê giảm nhưng giá ka-li, lân tổng hợp lại tăng nhẹ. Chỉ mong giá cả bình ổn để giảm chi phí đầu vào”.

Gia đình ông Phan Xuân Toàn ở thôn 5, xã Nam Giang (Nam Đàn) thì việc giá phân bón tác động lớn đến lợi nhuận, do có nhiều ruộng và coi sản xuất lúa như hàng hóa vì thế ông Toàn đã chủ động mua dự trữ để bón cho vụ sau.

Ông Toàn nói. “Gieo cấy 3 mẫu ruộng, mỗi vụ chi phí phân bón lên đến gần 15 triệu đồng. Nay giá đạm đang giảm, giá NPK, ka-li đang có dấu hiệu tăng nên tôi tính mua trữ để bón cho vụ hè thu này, phòng khi nhu cầu tăng, thị trường sẽ tăng giá”.

Nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn đanh áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, đã chủ động tận dụng các phụ phẩm về nông nghiệp để tạo ra các loại phân vi sinh, tăng cường các loại phân xanh, phân chuồng để dùng làm phân bón cho ruộng và cây trồng.

Nông dân xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh để tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: T.P

Ông Hồ Đình Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn cho biết: “Nay thói quen sản xuất nông nghiệp của người dân đang có những chuyển biến tích cực. Theo đó, người dân đã biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh, tăng cường phân xanh, phân chuồng và hạn chế sử dụng phân vô cơ. Một mặt, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí phân bón, mặt khác, giúp cải tạo đất”.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước khoảng hơn 11 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng phân bón công nghiệp sản xuất trong nước đạt khoảng gần 8 triệu tấn/năm. Sản xuất và tiêu dùng phân bón đang mất cân đối, trong khi các sản phẩm urê và phân lân dư thừa, thì nhiều sản phẩm phân bón khác như kali, các loại phân bón vi lượng, phân bón hữu cơ vẫn thiếu hụt, dẫn đến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo dự báo, giá Urê trong nước năm 2024 có thể giảm nhẹ khoảng 3-5% so với năm 2023, các loại phân bón khác sẽ giảm 5-8% và theo xu hướng phân bón thế giới. Phân bón là mặt hàng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, do đó, bà con nông dân rất mong cơ quan chức năng quan tâm công tác bình ổn thị trường và tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các sản phẩm phân bón chất lượng và có giá bán phù hợp.

Không để trục lợi vì giá phân bón tăng cao 

Có thể nói phân bón là một trong những vật tư nông nghiệp quan trọng nhất đối với nhà nông, bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường, đất đai bị bạc mầu không còn nhiều chất dinh dưỡng như ngày nay, lại bị xâm nhập mặn thì việc sử dụng phân bón là “cứu cánh” cho nông dân sản xuất nông nghiệp.

Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường, cần vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng.

Nhưng, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác quản lý trong lĩnh vực phân bón của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, thiếu nhân sự nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra. Trong khi đó các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón dùng thủ đoạn chủ yếu là thành lập doanh nghiệp để ký hợp đồng với doanh nghiệp khác, cụ thể là ký với các doanh nghiệp đã có phân bón công bố lưu hành để được nhượng quyền sản xuất mặt hàng phân bón đó hoặc sử dụng tên thương mại để sản xuất.

Trong số hàng ngàn sản phẩm phân bón thì nông dân rất khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả và nếu lỡ sử dụng nhầm phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng thì không chỉ mất năng suất mà còn khiến đất đai bạc màu, dễ phát sinh dịch bệnh trên cây trồng.

Đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Đặc biệt, phân Kali bị làm giả nhiều nhất bởi chỉ cần nghiền trộn đất, đá với muối và bột màu để bán ra thị trường.

Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả chưa chặt chẽ nên khi có vụ việc xảy ra quá trình xử lý rất phức tạp.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết. Trước thực trạng trên, rất cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có thẩm quyền mạnh tay hơn trong việc xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Không để lợi dụng việc giá phân bón tăng cao để các đối tượng sản xuất và buôn bán phân bón giả, đưa ra thị trường.

Vì thế cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết và phân biệt được giữa phân bón giả và phân bón đảm bảo chất lượng thông qua giá cả, nguồn cung cấp nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, uy tín, phối hợp kịp thời và cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến phân bón giả để có cơ sở xác minh, điều tra, xử lý khi phát hiện vi phạm…

 

Theo Báo Nghệ An điện tử; Báo Bình Thuận online

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top