Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 4 năm 2024 | 19:44

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Sáng 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Trước đó, Phó Thủ tướng đã kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành, thuộc dự án kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hơn 1 tháng nữa Nam Bộ sẽ bước vào mùa mưa

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020.

Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các mức độ khác nhau.

Các địa phương đã triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như điều chỉnh thời vụ sản xuất, vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nhất là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Các địa phương đã hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước cho các hộ gia đình, thiết lập thêm điểm cấp nước công cộng, tổ chức cấp nước luân phiên, mở rộng tuyến ống cấp nước, bổ sung giếng, sử dụng thiết bị lọc mặn…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước, kiểm soát mặn.

Về hoạt động sản xuất, tháng 9/2023, có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái được Bộ NN&PTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các diện tích trồng lúa, cây ăn trái. Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023. Các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%. Các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thuỷ văn Hoàng Đức Cường, thời gian tới, khả năng vẫn xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn sâu ở ĐBSCL trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024. Dự kiến từ ngày 20/4 tại Nam Bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa, tuy nhiên, mùa mưa mới chính thức bắt đầu từ ngày 20/5.

Lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thuỷ lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; khẩn trương kết nối các hệ thống thuỷ lợi ở ĐBSCL theo lưu vực sông, tiến tới người dân mở điện thoại di động cũng có thể biết được thời điểm phù hợp để lấy nước vào ruộng lúa, vườn cây; nhân rộng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ mỗi hộ gia đình, cụm dân cư. 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu thuỷ văn toàn vùng ĐBSCL; tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống thiên tai; khẩn trương công bố và cập nhật kịch bản nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mekong…

Phó Thủ tướng kiểm tra tại công trường thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng xâm nhập mặn

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt, các tỉnh ĐBSCL đã bằng nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thuỷ lợi, phi công trình để kiểm soát tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, với sự chủ động, cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, hướng dẫn điều hành sản xuất mùa vụ, nên hầu hết các địa phương không bị ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có xảy ra, nhưng mang tính cục bộ, người dân cơ bản được tiếp cận và cung cấp đủ.

"Nắng nóng, xâm nhập mặn năm nay gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nhưng các tỉnh ĐBSCL đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình, phi công trình, như chỉ đạo điều chỉnh mùa vụ, phát huy nguồn lực tại chỗ, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân... Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các địa phương, dựa trên báo cáo, thông tin từ sớm và chính xác của các cơ quan chuyên môn", Phó Thủ tướng nói.

Đối với vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung, có các trạm lấy nước nằm sâu trong vùng ngọt; đồng thời sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, kết hợp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mùa vụ...

"Chúng ta cần thiết kế các ứng dụng (app) thông tin thời tiết, tình hình xâm nhập mặn theo bản đồ thời gian thực để từng cộng đồng, người dân chủ động tích trữ nước sản xuất, sinh hoạt theo thời điểm thích hợp cùng với điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu và phổ biến những loại vật liệu mới, nhẹ để xây dựng các bể chứa nước lớn, thuận tiện, thân thiện môi trường", Phó Thủ tướng gợi mở.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cần khẩn trương xem xét, đánh giá, tính toán lại quy hoạch về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bố trí dân cư, hoạt động khai thác nước ngầm... trước tình trạng sụt lún, sạt lở ngày một gia tăng.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn... theo quy hoạch và điều tiết hài hoà nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển, với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

"Chúng ta làm càng sớm càng hiệu quả, nhằm hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi điều phối toàn vùng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh ĐBSCL rà soát các dự án cấp bách, đáp ứng được các mục tiêu chung, mang tính hiệu quả cao, có thể giúp vùng chuyển nhanh sang trạng thái phát triển bền vững.

"Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, cho thấy sự chuyển đổi đúng hướng nhằm thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực cần thiết để giải quyết những vấn đề, thách thức có tính chiến lược về thuỷ lợi, biến đổi khí hậu của ĐBSCL", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tiền Giang bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khi báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn, tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông về các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân tại một điểm cấp nước công cộng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trò chuyện, trao đổi với người dân về việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt. Các hộ dân cho biết, nhờ chủ động trữ nước và chính quyền mở các vòi nước công cộng nên đến thời điểm này nước sinh hoạt cơ bản được đảm bảo.

Ông Đào Thanh Tùng (Ấp 3, xã Gia Thuận) cho biết, tình trạng thiếu nước năm nay không căng thẳng như năm 2016 hoặc năm 2022. Chính quyền địa phương đã tổ chức các điểm cấp nước công cộng để người dân chủ động đi lấy. 

Còn tại điểm lấy nước ở Ấp 3, xã Gia Thuận, chị Đỗ Cảnh Nhung cho biết, nơi chị ở có 5 gia đình, chỉ cách vòi lấy nước đi bộ khoảng 5 phút đi xe máy. Bên cạnh đó, chính quyền xã Gia Thuận đã tổ chức 3 đội tình nguyện để vận chuyển nước cho 42 hộ dân có người già neo đơn, người ốm, khuyến tật… không có khả năng đi lấy nước; huy động các mạnh thường quân cấp khoảng 10.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân.

Trên địa bàn toàn huyện Gò Công Đông, đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển, như: Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Phước Trung, Tân Hòa… kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, 9/11 huyện, thành phố của tỉnh có đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước. Tỉnh Tiền Giang đã mở khoảng 105 vòi nước, điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân, "không để một ngày người dân không có nước sạch sử dụng".

Trao đổi thêm về quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tình hình chưa đến mức khẩn cấp, nhưng tỉnh công bố sớm để các sở, ngành, địa phương chuẩn bị trước phương án khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt phù hợp tình hình thực tế.

Hiện nay, huyện Tân Phú Đông hiện có 3 ao trữ nước ngọt đã trữ được gần 101.000 m3 nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024, dự kiến đủ dùng trong 30 ngày. Tiền Giang đã chuẩn bị phương án để cung cấp ngay nguồn nước ngọt bổ sung trong trường hợp diễn biến hạn mặn còn phức tạp và có khả năng kéo dài.

Kiểm tra công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành, thuộc dự án kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây, chủ đầu tư đã báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ thi công với mục tiêu hoàn thành vào tháng 8/2024, sớm hơn kế hoạch, và sẽ phục vụ nguồn nước sản xuất cho khoảng 13.000 ha đất nông nghiệp, cấp nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cho 800.000 dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, từ sớm, từ xa của tỉnh Tiền Giang trong bảo đảm đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân; kết hợp tăng công suất các nhà máy nước, cấp nước tập trung, huy động nguồn nước tại chỗ; đồng thời thực hiện đúng theo quy hoạch thuỷ lợi để giải quyết đồng bộ, bài bải trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Tiền Giang cần quy hoạch lại các điểm dân cư theo hướng tập trung để sử dụng hiệu quả hệ thống cấp nước; đồng thời sớm chuẩn bị đầu tư đồng bộ hệ thống cấp nước cho huyện Gò Công Đông theo định hướng phát triển công nghiệp ở khu vực này; nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ các hộ dân.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top