Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 11 năm 2022 | 16:26

Phú Yên: Hàng loạt cơ sở chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường

Nhiều trang trại chăn nuôi tự phát tại tỉnh Phú Yên đã xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh.

Ô nhiễm nặng do xả thải chăn nuôi

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 175 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó 70 trang trại chăn nuôi heo. Việc chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, thâm canh, hiện đại, tiên tiến…được ngành nông nghiệp rất khuyến khích.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua nhiều trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên phát sinh nhiều vấn đề gây ô nhiễm môi trường như xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, phát sinh mùi hôi… Điển hình như  trại chăn nuôi heo thịt Thanh Trang ở thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa bị Công an tỉnh xử phạt 273 triệu đồng vào năm 2021. Bên cạnh đó, tháng 7/2022, UBND huyện cũng xử phạt chủ trang trại này 25 triệu đồng, buộc khắc phục và chấm dứt tình trạng xả nước thải ra môi trường. Đầu năm 2022, trang trại chăn nuôi heo gia công C.P.F của ông Huỳnh Văn Đức ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước cũng bị Công an tỉnh xử phạt 47,5 triệu đồng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Huyện Tuy An kiểm tra sự cố môi trường tại khu vực suối Cái do các trang trại ở xã An Thọ, An Lĩnh gây ra

Ông Võ Ngọc Thiều, ở thôn Hòn Ông, xã Sơn Phước có nhà gần trang trại chăn nuôi heo gia công C.P.F của ông Huỳnh Văn Đức bức xúc, khi mùi hôi thối từ trang trại nuôi heo này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân ở đây. Không những thế trang trại nuôi heo này còn xả nước thải ra môi trường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Đối với trang trại chăn nuôi heo gia công của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Khánh Nguyên, ở khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn nuôi 1.200 heo thịt/lứa, ông Phan Thế Lựu, Trưởng phòng TN-MT huyện Sơn Hòa, cho biết, trang này đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường và được UBND huyện Sơn Hòa xác nhận năm 2014. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, Công ty này tự ý chuyển hình thức nuôi từ đệm lót sang chăn nuôi chuồng dội nước. Từ đó đã làm phát sinh nước thải và mùi hôi, song Công ty không có biện pháp xử lý.

Năm 2017, UBND huyện đã xử phạt 6 triệu đồng và đến năm 2019, Thanh tra Sở TN-MT xử phạt 10 triệu đồng. Hiện UBND huyện Sơn Hòa đang kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi chủ trương đầu tư dự án nuôi heo này.

Ông Lê Ngọc Hải, Trưởng phòng TN-MT huyện Sông Hinh cho biết, toàn huyện Sông Hinh có 11 cơ sở chăn nuôi heo với quy mô trang trại, trong đó có trang trại đến 6.000 con. Một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thời gian qua thực hiện không tốt công tác bảo vệ môi trường như các trại chăn nuôi heo ở xã Đức Bình Đông. Thông thường việc gây ô nhiễm môi trường phổ biến là gây mùi hôi, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nhờ vậy cơ bản đã khắc phục, song mùi hôi vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Tự ý xây dựng trại nuôi heo

Không chỉ tại huyện Sơn Hòa mà nhiều trang trại chăn nuôi heo ở huyện Tuy An cũng gây ô nhiễm môi trường. Mới đây nhất là tại khu vực các trang trại nuôi heo ở 2 xã An Thọ và An Lĩnh xảy ra sự cố tràn nước thải ra môi trường. Sau đó, UBND huyện Tuy An đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh, làm rõ những sai phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, ngày 18/9, các cơ quan chức năng của huyện cùng địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện ống dẫn xả  nước thải từ hầm số 3 của trại chăn nuôi heo ông Dưong Văn Phức đến hầm số 4 của trại chăn nuôi heo ông Phạm Văn Thành bị bể. Từ đó đã dẫn đến sự cố tràn nước thải ra môi trường xung quanh và tại suối Cái thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh.

Qua tìm hiểu được biết, tháng 2/2021, ông Dương Văn Phức tự ý san gạt, xây dựng trang trại nuôi heo ở thôn Kim Sơn (xã An Thọ) có diện tích khoảng 3,2ha. UBND xã An Thọ ban hành 3 quyết định xử phạt đối với ông Phức 12 triệu đồng vì hành vi tự ý chuyển mục đích đất rừng sản xuất sang mục đích khác và san gạt, xây dựng trái phép. Ngoài ra, UBND huyện đã xử phạt ông Phức 2,5 triệu đồng vì vi phạm về lĩnh vực môi trường đối với ông Phức với số tiền 2,5 triệu đồng.

Tương tự, ông Phạm Văn Thành cũng tự ý san gạt, xây dựng trang trại nuôi heo khoảng 4,1ha, tại thôn Kim Sơn, xã An thọ vào tháng 5/2021. Sau đó, ông Thành bị chính quyền xã đã xử phạt 4 triệu đồng và UBND huyện xử phạt 35 triệu vì vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Phi tự ý xây dựng trang trại nuôi heo khoảng 2,3 ha tại thôn Quảng Đức, xã An Thọ vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ông Phi đã bị xã xử phạt 8 triệu đồng và UBND tỉnh xử phạt 175 triệu đồng về lĩnh vực môi trường 175.

Còn tại xã An Lĩnh, ông Nguyễn Văn Khoa tự ý xây dựng trang trại nuôi heo hơn 30 ha, tại thôn Tư Thạnh, xã An Lĩnh vào năm 2021. UBND xã đã xử phạt ông Khoa 4 triệu đồng và UBND tỉnh xử phạt 175 triệu đồng về lĩnh vực môi trường đối với ông Khoa.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, các trại nuôi heo trên đã lợi dụng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà tiến hành thuê phương tiện cơ giới san gạt mặt bằng để xây dựng các trại nuôi heo với quy mô lớn. Trong khi việc xây dựng các trại nuôi heo trên địa bàn xã An Thọ và An Lĩnh đều chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và không đúng mục đích sử dụng đất. Do đó, ngày 26/9 vừa qua, huyện đã hoàn thiện các thủ tục chuyển toàn bộ hồ sơ các trường hợp trên cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy An thụ lý, giải quyết.

Tái chế rác thực vật thành nước tẩy rửa sinh học

Mặc dù, còn nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng rác bắt đầu mang lại hiệu quả. Việc tái chế rác thải ngay tại nhà, tại cơ sở sản xuất… đã góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Đơn cử, hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din có địa chỉ tại thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên tiến hành sản xuất 2 dòng sản phẩm là nước tẩy rửa và nước lau sàn. Đầu năm 2022, hai dòng sản phẩm này được UBND tỉnh Phú Yên chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng đó, tháng 8 năm 2022, sản phẩm nước rửa chén của Câu lạc bộ phụ nữ tự quản môi trường ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa được UBND tỉnh Phú Yên chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Những sản phẩm này là kết quả của quá trình nghiên cứu đầy tâm huyết của Thạc sĩ khoa học và quản lý môi trường Phan Thị Kim Oanh (SN 1979) và Thạc sĩ quản lý môi trường Huỳnh Huy Việt (SN 1985), hiện đang công tác tại Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên với sáng kiến “Các giải pháp nhân rộng mô hình phân loại, tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học nhằm đẩy mạnh công tác phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Sản phẩm tẩy rửa sinh học 

Trao đổi với báo chí, chị Phan Thị Kim Oanh cho biết: Hiện nay, trong công tác tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Nhà nước và cộng đồng mới chỉ quan tâm đến vấn đề nâng cao tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa chú trọng việc phân loại, tận dụng triệt để nguồn rác hữu cơ, nhất là rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) để biến thành sản phẩm và tăng giá trị của rác thải sau phân loại, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng thực phẩm thừa để chăn nuôi.

Chị Phan Thị Kim Oanh tiếp lời: Để khắc phục thực trạng trên, tỉnh Phú Yên cần quan tâm đẩy mạnh và khuyến khích cộng đồng phát triển các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế thành sản phẩm hữu ích, nhất là giải pháp tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học vừa đơn giản nhưng có tính hiệu quả cao vì có khả năng thương mại. Khi cộng đồng thực hiện tốt công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng rác, lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể, ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ không bức xúc như hiện nay. Do vậy, việc triển khai các giải pháp nhân rộng mô hình phân loại, tái chế rác thực vật (vỏ trái cây, hoa) thành nước tẩy rửa sinh học nhằm đẩy mạnh công tác phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hết sức cần thiết.

Từ thực tế trên, có thể nói, mô hình tái chế rác thành nước tẩy rửa sinh học là giải pháp biến rác thành tài nguyên, góp phần đẩy mạnh hoạt động phân loại rác dựa vào cộng đồng mang tính bền vững. Mô hình đã từng bước làm thay đổi suy nghĩ về trách nhiệm phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ do Nhà nước thực hiện mà còn có sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top