Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023 | 15:17

Quảng Ngãi gắn phát triển du lịch nông thôn với xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Quảng Ngãi xác định, gắn xây dựng nông thôn mới (NTM) với phát triển du lịch nông thôn sẽ mang lợi ích kép và bền vững. Giúp các địa phương về đích NTM , NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời thu hút cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, làm xanh - sạch - đẹp nông thôn.

Phát huy lợi thế 

Quảng Ngãi được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều di sản văn hóa, cảnh đẹp từ miền biển, đồng bằng đến miền núi như: Đảo Lý Sơn, biển Sa Huỳnh, biển Mỹ Khê, biển Khe Hai, núi Thiên Ấn, thảo nguyên Bùi Hui, rừng đước Bàu Cá Cái, thác Trắng, núi Cà Đam, suối thác Trà Bói, khu du lịch Bãi Dừa,…

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có nhiều lễ hội đặc sắc, đậm nét văn hoá truyền thống như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, Lễ hội Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng, Lễ cầu ngư Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ, Lễ hội Chùa Ông ở huyện Tư Nghĩa, Lễ hội đua thuyền,… 

Du lịch nông thôn ở Việt Nam được xác định có 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái; với các hoạt động diễn ra ở vùng nông thôn thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (bên trái, áo trắng) tham quan làng du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ).

Thời gian qua, phát triển du lịch nông thôn được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn và triển khai thực hiện. Điển hình như: Du lịch cộng đồng Bình Thành (huyện Nghĩa Hành); Du lịch trải nghiệm Cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn); Du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại xã Đức Tân, Đức Lợi (huyện Mộ Đức); Du lịch trải nghiệm chèo ghe tại rừng dừa nước xã Tịnh Khê, (TP Quảng Ngãi); Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ),... Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Những mô hình du lịch này không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn mà còn tạo ra  nhiều giá trị; góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng NTM sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi - Hồ Trọng Phương cho biết: Với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 20/02/2023 về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo Kế hoạch, sẽ tập trung phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Đây là giải pháp giúp người dân có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nông thôn như Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Thạc sĩ Nguyễn Bảo Việt và một số chuyên gia khác là báo cáo viên, tập huấn hướng dẫn triển khai du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các địa phương triển khai Chương trình du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP...

Đến nay, Quảng Ngãi có 02 sản phẩm du lịch được công nhận OCOP: Điểm du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ đạt OCOP 3 sao năm 2020 và Điểm Thành Cổ Quảng Ngãi đạt 4 sao năm 2022.

Một số HTX nông nghiệp - dịch vụ và du lịch cộng đồng đã được thành lập với mục tiêu kết hợp những giá trị văn hóa lâu đời với thực tế phát triển hiện có để tạo nét đặc trưng, thu hút du lịch trải nghiệm nông thôn, mang lại những hiệu ứng rất tích cực.

Du lịch Rừng cóc trắng ở Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) được “đánh thức”.

Giải pháp phát triển du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn tại Quảng Ngãi có nhiều bước tiến, song vẫn còn những hạn chế, như: Một số điểm du lịch cộng đồng thiếu tầm nhìn dài hạn nên các yếu tố như hệ sinh thái, môi trường, văn hóa truyền thống,... chưa được quan tâm đúng mức trong phát triển du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng còn manh mún, thiếu sự tổ chức bài bản, chưa tạo được mạng lưới cộng đồng rộng. Hầu hết người dân chưa hiểu hết bản chất của du lịch cộng đồng nên tập trung nhiều vào sản phẩm, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết.

Theo Giám đốc Hồ Trọng Phương, để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp và PTNT xác định cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau: Các địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn trên địa bàn; hoàn thiện việc rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng NTM của từng địa phương.

Tổ chức các chương trình tập huấn về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cho cán bộ quản lý ở các địa phương, các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn. Bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng một số mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn điển hình như: Du lịch cộng đồng Bình Thành (Nghĩa Hành); Du lịch trải nghiệm Cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (Bình Sơn); Du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại xã Đức Tân, Đức Lợi (Mộ Đức); Du lịch trải nghiệm chèo ghe tại rừng dừa nước xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi); Du lịch trải nghiệm Cát Mộc Farm tại Phổ Phong (Đức Phổ).

 Làng du lịch cộng đồng Bình Thành - Sắc màu bình yên. Nơi bạn tìm thấy quê hương của chính mình.

Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn cho các địa phương. Hỗ trợ số hóa các điểm đến và xây dựng bản đồ số kết nối mạng lưới điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Lựa chọn các đơn vị tư vấn có chuyên môn, có kinh nghiệm hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình du lịch nông thôn hiệu quả. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP.

Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế. Đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay, mô hình du lịch miệt vườn, du lịch gắn với nghề nông nghiệp,...

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top