Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 14:14

TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Nhu cầu cao về nhà ở xã hội

Theo khảo sát, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 429.675 hộ gia đình có thu nhập thấp. Trong đó, có 189.785 hộ đang phải ở nhờ và đi thuê nhà ở, các hộ gia đình này chủ yếu có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp. Có 75.594 hộ có nhà ở dưới 8m2/người (chiếm 39%), 23.450 hộ có diện tích nhà ở 8-10 m²/người, 25.052 hộ có diện tích nhà ở 10-12 m²/người. 

Cũng trên địa bàn hiện có 239.890 hộ đã có nhà ở thuộc sở hữu, tuy nhiên, còn 34.228 hộ có nhà ở dưới 8 m²sàn/người, 20.537 hộ có diện tích nhà ở 8-10 m²/người, 25.052 hộ có diện tích nhà ở 10-12 m²/người. 

Từ đó, ước tính hiện có 224.010 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, dự báo giai đoạn 2021-2025 có 20.540 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở; giai đoạn 2026-2030 có 25.050 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở.

TP. Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Về nhà ở cho công nhân, người lao động đang làm việc trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, theo khảo sát, hết năm 2020 có 245.150 người lao động có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu nhà ở công nhân hiện tại là 2,45 triệu m² sàn (mỗi công nhân có nhu cầu 10 m² sàn). Dự báo, giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, mỗi giai đoạn toàn thành phố có khoảng 29.000 công nhân, người lao động có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. 

Đối với nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng người có công với cách mạng, theo thống kê, hiện có 51.835 hộ người có công đang sinh sống trên địa bàn thành phố, trong đó có 136 hộ đang có nhu cầu về nhà ở (13 hộ xây mới và 123 hộ sửa chữa). Những căn nhà này phần lớn đã xây dựng từ lâu, xuất hiện tình trạng xuống cấp về mái và tường, do đó, giai đoạn 2021-2025 có 1.439 hộ người có công có nhu cầu về nhà ở. 

Đối với nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, căn cứ báo cáo kết quả rà soát, giai đoạn 2021-2025 của 21 quận, huyện, TP. Thủ Đức đến tháng 6/2021, TP. Hồ Chí Minh có 12.427 hộ nghèo và hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở, trong đó, có 9.931 hộ nghèo và 2.496 hộ cận nghèo.

Nhà ở cho hộ gia đình tại khu vực nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Thành phố hiện có 644 hộ có nhà ở đang nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu cần phải di dời (tại TP. Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ), trong đó có 211 hộ có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở nếu phải di dời; dự báo trong giai đoạn 2021-2025, có 211 hộ gia đình thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu có nhu cầu về nhà ở.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, TP. Hồ Chí Minh mới có 2 dự án nhà ở xã hội thuộc giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, quy mô 623 căn nhà. 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn nhà. Qua đó, cho thấy kết quả thực hiện triển khai các dự án nhà ở xã hội còn thấp. 

Áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội 

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng cập nhật, bổ sung các nội dung thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị quyết số 98 vào trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn do UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành tại Công văn số 3013/UBND-ĐT ngày 26/8/2022; báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai thực hiện chi tiết nội dung quy định tại điểm c khoản 3, Điều 6, Nghị quyết số 98; báo cáo, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh.

Sở Xây dựng rà soát danh mục các dự án nhà ở thương mại có nội dung thực hiện hoán đổi quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, xác định rõ thẩm quyền xem xét quyết định của Thủ tướng hay của UBND TP. Hồ Chí Minh để tham mưu đảm bảo đúng quy định.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức cập nhật dự án nhà ở xã hội theo đề nghị của Sở Xây dựng để tích hợp dữ liệu trên cổng thông tin điện tử, app thông tin quy hoạch TP. Hồ Chí Minh của Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Rà soát quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với danh mục 88 dự án nhà ở xã hội do Sở Xây dựng tổng hợp để nghiên cứu, tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh nội dung quy hoạch tổng thể và toàn diện về nhà ở xã hội (trong đó cập nhật 88 vị trí đã có dự án và quy hoạch các vị trí mới) theo từng khu vực phát triển đô thị và cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh để có cơ sở triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hồ Chí Minh xây dựng và đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với quy mô 14.954 căn hộ, đạt 74% kế hoạch; hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 nhà lưu trú công nhân, quy mô 1.499 phòng.

Giai đoạn 2021-2025 (tính đến hết quý II/2023), TP. Hồ Chí Minh có 2 dự án được đưa vào sử dụng với quy mô 623 căn, 7 dự án nhà ở xã hội và lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn, 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Đến quý II/2023, TP. Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án với 623 căn hộ. 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với 4.996 căn hộ. Có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua còn thấp. Nguyên nhân là do việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm thậm chí không thực hiện được.

Tổng nhu cầu nhà ở xã hội của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 khoảng 37 triệu m2 sàn. Trong đó đối tượng chủ yếu có nhu cầu là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị khoảng 15 triệu m2 sàn và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng 12 triệu m2 sàn. Tương ứng nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là 451ha và nhu cầu vốn đầu tư xâv dựng khoảng 86.400 tỷ đồng.

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, TP. Hồ Chí Minh phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. Trong đó nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng hơn 1,3 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 18.600 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 700.000m2 sàn, tương ứng khoảng 12.500 căn hộ. Số lượng nguồn cung nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 như trên chỉ đáp ứng được khoảng 17,8% nhu cầu. Riêng nhà ở cho công nhân chỉ đáp ứng được gần 6% nhu cầu.

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top