Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 1 năm 2024 | 10:22

Tăng chế biến chuối để hạn chế thị trường bấp bênh

Khoảng 2 - 3 tháng nay, giá chuối trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giảm mạnh khiến nhà vườn không khỏi lo lắng vì vụ thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đang đến gần… Để bà con yên tâm sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, rất cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến chuối trên địa bàn.

Người trồng chuối thấp thỏm

Theo số liệu của Cục Thống kê Hưng Yên, toàn tỉnh hiện trồng 2.608ha chuối, giảm 4,65% (giảm 127ha so với năm 2022), tập trung tại thành phố Hưng Yên, hai huyện Kim Động và Khoái Châu.

Hiện nay, phần lớn sản lượng chuối trên địa bàn Hưng Yên xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Từ cuối quý II, đầu quý III, các doanh nghiệp của Trung Quốc giảm thu mua khiến việc tiêu thụ chuối của người dân gặp khó khăn, giá bán giảm mạnh. Cùng với đó, thị trường trong nước tiêu thụ chính vào dịp Tết Nguyên đán nhưng chuối Tết chưa vào vụ nên giá bán chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Người  trồng chuối ở Hưng Yên đang lo vì giá bán giảm.

Tại huyện Khoái Châu, chuối được trồng nhiều ở các xã: Tứ Dân, Đại Tập, Đông Ninh, Tân Châu, Phùng Hưng…; giống chuối được người dân lựa chọn trồng là tiêu hồng và chuối tây. Tuy nhiên, thời điểm này, người trồng chuối đang lo lắng khi chuối vào thời kỳ thu hoạch, nhưng giá lại xuống thấp, giảm 50 - 60% so với những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, người trồng chuối ở thôn Hồng Châu (xã Tân Châu) cho biết: Cách đây vài tháng, chuối bán tại vườn có giá gần 5.000 đồng/kg, nhưng nay giảm còn 4.000 đồng/kg đối với chuối tây và 2.500- 3.000 đồng/kg đối với chuối tiêu. Mỗi buồng giờ chỉ có giá bán 50.000 -60.000 đồng, bằng nửa so với thời điểm đầu năm 2023 và bằng 1/3 giá bán năm 2022.

Ông Phạm Quý Hà (thôn Chi Lăng, xã Đại Tập), thương lái chuyên thu mua chuối của người dân địa phương, cho biết: Hiện tại, giá chuối chỉ bằng 1/3 so với năm 2022 do bên thu mua ở Trung Quốc đồng loạt thông báo ngưng nhập khẩu mặt hàng này. Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, tôi bỏ công và chi phí vận chuyển đi các tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và bán lẻ bằng giá thu mua nhưng lượng tiêu thụ cũng rất chậm.

Gia đình ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Đống Long, xã Hùng An (Kim Động) trồng 5 mẫu chuối (1 mẫu = 3.600m2) các loại, trong đó có hơn 1 mẫu đang vào thời kỳ thu hoạch. Trái ngược với niềm mong chờ bán chuối dịp Tết sắp tới, ông Thành thấp thỏm vì gía chuối “lao dốc”.

Ông Thành cho biết: Từ cuối tháng 8 âm lịch, giá bán chuối bắt đầu giảm 50 - 60% so với trước, có thời điểm chỉ còn 1.500 - 1.700 đồng/kg. Hiện nay, giá bán  “nhích” lên, thương lái đang cân chuối tây với giá 4.000 đồng/kg, chuối tiêu 2.500 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi cây tôi phải bù lỗ khoảng 20.000 đồng, tức khoảng 1,6 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), chưa tính công lao động, chăm sóc của gia đình.

Tăng chế biến, đa dạng sản phẩm

Huyện Khoái Châu hiện có trên 2.000ha chuối, tập trung ở các xã vùng ven sông Hồng như Tứ Dân, Đại Tập, Bình Kiều. Chuối trồng ở đây được người tiêu dùng lựa chọn bởi chất lượng ngon, ngọt. Vì vậy, chuối ở đây được thương lái vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, hướng đi mới của các vùng trồng chuối ở huyện là chất lượng, hiệu quả. Do vậy, huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất chuối theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể chuối tiêu hồng Khoái Châu, khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ chuối.

Chuối tiêu hồng được nông dân thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều (Khoái Châu) trồng khá nhiều.  Chuối của thôn Phú Hòa nói riêng, của huyện Khoái Châu nói chung rất ngon, mẫu mã đẹp, nhưng chỉ bán chuối tươi cho mọi người ăn nên giá không cao, thời vụ thu hoạch ngắn.

Sản phẩm chuối sấy của HTX nông sản Toàn Phát.

Nhận thấy loại chuối tiêu hồng là giống chuối đặc sản được đánh giá cao về chất lượng, anh Nguyễn Văn Phát ở thôn Phú Hòa đã thành lập HTX Toàn Phát, đầu tư máy móc, công nghệ để chế biến chuối sấy, sản phẩm được thị trường khá ưa chuộng.

Chuối sấy thành phẩm gồm 100% chuối tươi nguyên chất, không thêm đường hay phụ gia thực phẩm, giữ được hương thơm và vị ngọt tự nhiên. Với cách làm trên, chuối sấy dẻo có thể bảo quản trong 6 tháng, chuối sấy giòn bảo quản được khoảng 12 tháng.

Trung bình HTX Toàn Phát chế biến khoảng 5 tấn chuối sấy thành phẩm/tháng, bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg chuối sấy dẻo và 100.000 - 120.000 đồng/kg đối với chuối sấy giòn. Với mức giá bán này, anh Phát thu lãi  5.000 - 10.000 đồng/kg chuối sấy.

“Chuối sấy giòn của HTX đã được UBND tỉnh Hưng Yên chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Ngoài giúp tăng thu nhập cho các cổ đông, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 7-8 lao động địa phương, cùng chục lao động thời vụ khác. Tôi mở ra ngành nghề này chủ yếu giúp giải quyết đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch của bà con địa phương, chứ lợi nhuận cũng chưa phải là cao, chỉ ở mức chấp nhận được”,  Giám đốc HTX Nông sản Toàn Phát - Nguyễn Văn Phát cho biết.

Theo Sở Công Thương Hưng Yên, để các vùng trồng chuối phát triển bền vững, hiệu quả, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng chuối, hỗ trợ nông dân chuyển hướng sản xuất từ quảng canh sang thâm canh cao, theo quy trình VietGAP, bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã…. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chuối tiêu hồng; khuyến cáo nông dân trồng rải vụ để tránh áp lực về thời vụ và dư thừa sản phẩm; xây dựng liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến để hình thành các vùng sản xuất chuối chất lượng cao, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chuối…

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top