Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2023 | 21:35

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ vì sao giải ngân chậm, có hay không nợ đọng xây dựng cơ bản, trục lợi chính sách, đánh giá sâu về chính sách duy trì giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 25, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.”

Tại phiên họp, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết thực hiện Chương trình Giám sát Tối cao của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đến hết tháng 7/2023, Đoàn giám sát đã thực hiện cơ bản các nội dung theo Kế hoạch chi tiết số 345, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, cùng làm việc trực tiếp với 11 bộ, ngành và 15 địa phương, Đoàn giám sát đã xây dựng Báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Ngày 11/8 vừa qua, Đoàn đã báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Quốc hội về kết quả bước đầu và trên cơ sở ý kiến của các Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Đoàn đã nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo tóm tắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, đại diện Đoàn giám sát chuyên đề cho biết Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều hoạt động giám sát, nắm bắt kịp thời những vấn đề vướng mắc của địa phương để kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã có tác động, góp phần nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình còn những hạn chế, bất cập. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh đã được kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và phân công cán bộ xã phụ trách các Chương trình. Tuy nhiên, việc thành lập bộ phận giúp việc chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương; có tỉnh thành lập Tổ Công tác, có tỉnh là văn phòng giúp việc, điều phối… dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Cán bộ theo dõi từ huyện đến xã thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu giúp việc trong chỉ đạo điều hành thiếu tính liên tục, kịp thời. Năng lực một số cán bộ theo dõi các Chương trình mục tiêu Quốc gia còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, nhất là ở các tỉnh, huyện, xã nghèo miền núi, biên giới, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình. Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm (quý 2 năm 2022 mới giao), chưa có cơ chế giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 5 năm cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu Quốc gia khó thực hiện. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Tỷ lệ đối ứng vốn địa phương cao, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, trong khi nguồn thu ngân sách nhiều địa phương hạn chế.

Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh nghèo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần làm rõ vì sao giải ngân chậm, trước đây thường nói đầu tư công chậm, giờ vốn sự nghiệp còn chậm hơn, rất lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu việc giám sát phải có kết quả cụ thể, đưa ra những sáng kiến.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ có hay không việc để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, có để xảy ra trục lợi chính sách hay không? Chính sách nào duy trì được giảm nghèo bền vững, cần đánh giá sâu.

"Giám sát là phải xác định trách nhiệm cho rõ không thể nói chung chung 3 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai rất chậm mà không có trách nhiệm gì. Nếu là do Quốc hội, Quốc hội phải chịu trách nhiệm. Nếu là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBTV Quốc hội phải chịu trách nhiệm.

Của Ủy ban nào hay của Chính phủ, các bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm. Qua giám sát phải tạo chuyển biến căn bản, trọng tâm trong vấn đề này," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Đoàn giám sát phải đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là báo cáo tóm tắt khi trình ra Quốc hội, gia công lại dự thảo Nghị quyết kèm theo các phụ lục, văn bản...

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các Chương trình mục tiêu Quốc gia mới bắt đầu triển khai thực hiện đã thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.

Giám sát đã thể hiện rất rõ quan điểm, nguyên tắc Quốc hội và Chính phủ cùng đồng hành để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói chung, trong đó có việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng./.

 

TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top