Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 2 năm 2024 | 11:27

Thọ Xuân nỗ lực để “cán đích” huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau gần 5 năm xây dựng thành công huyện NTM, Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang nỗ lực “cán đích” NTM nâng cao.

Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, giải pháp mà huyện đã và sẽ triển khai, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thọ Xuân.

Năm 2019, với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Thọ Xuân đã xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM; huyện cũng đã đề ra mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024. Trong quá trình thực hiện, huyện đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Thọ Xuân xác định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong huyện. Đặc biệt, Nhân dân là chủ thể thực hiện và là người được hưởng lợi từ chương trình này. Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, chương trình đã được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân thông qua các hành động, phong trào quần chúng sôi nổi.

Bí thư Huyện ủy Lê Đình Hải kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, huyện đã đạt được một số thành tựu nổi bật: 26/26 xã NTM duy trì đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới, 13/26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 32 sản phẩm OCOP.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, hiệu quả cao hơn. Diện tích sản xuất lúa đạt 15.000ha, diện tích lúa liên kết sản xuất hàng năm 1.000ha trở lên. Phát triển vùng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân ở 12 xã vùng bán sơn địa nằm trong quy hoạch vùng mía nguyên liệu, với diện tích 1.800ha. Diện tích cây ăn quả được mở rộng (diện tích cây ăn quả đạt 1.608ha, trong đó có 407ha tập trung từ 3ha trở lên). Liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để sản xuất các loại cây xuất khẩu như: ớt, ngô ngọt, dưa,... với diện tích 500 - 700 ha/năm.

Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung, diện tích trên 48,5ha; vùng sản xuất rau, hoa, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới 55,5ha... Mô hình tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các khu trang trại liên kết trong chăn nuôi như: Trại gà Phú Gia tại Xuân Phú, Trại gà 3F Việt tại xã Thuận Minh, Trại gà tại Xuân Hưng,…

Với kết quả trên, đến hết năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thuỷ sản đạt 4,5%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đạt 147,5 triệu đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch. Toàn huyện đã đầu tư xây mới và nâng cấp được  269,7km đường giao thông nông thôn các loại (60,7km đường xã, liên xã; 105km đường thôn, ngõ, xóm; rãnh thoát nước 104km). Năm 2023, có 650 hộ hiến đất mở đường giao thông, với tổng chiều dài 22,2km.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội và anh sinh xã hội đảm bảo kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao phát triển rộng khắp; giáo dục và đào tạo của huyện luôn đứng tốp đầu của tỉnh.

Hướng tới hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao như kế hoạch, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã có những định hướng và cách làm như thế nào, thưa ông?

Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, vì thế, ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao và hướng tới huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.

Sản phẩm OCOP góp phần vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Đặc biệt, Bann chỉ đạo xác định nội dung cốt lõi trong thực hiện mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn. Trong đó tập trung phát triển đa dạng các loại hình kinh tế nông thôn. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực của huyện theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lấy các doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân. Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP để tiếp cận thị trường; tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn như: xử lý rác thải, nước sinh hoạt, nước sạch, xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, vườn mẫu...

Cùng với đó, xác định nguồn lực xây dựng NTM từ nội lực là chính, tranh thủ nguồn lực từ cấp trên và từ nguồn xã hội hóa trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND các cấp quyết nghị, các địa phương bám sát quy hoạch, đề án, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong việc tham gia xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp, đô thị và nông thôn, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể từng tiêu chí theo bộ tiêu chí Quốc gia về xã, huyện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình, huy động nguồn lực và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ngành, đơn vị, địa phương thực hiện việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã được công nhận và các địa phương đang hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Xây dựng đạt chuẩn NTM đã khó, để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM còn khó hơn. Xin ông chia sẻ cách làm của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện?

Thọ Xuân xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từ NTM lên NTM nâng cao, rồi NTM kiểu mẫu... Xuất phát từ mục tiêu ấy, huyện đã và đang tập trung quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được một cách thực chất, bền vững và ngày càng hoàn thiện. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đã và đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên doanh, liên kết, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, khi thu nhập được nâng lên thì người dân sẽ có điều kiện góp sức người, sức của nhiều hơn cho việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Hai là, tập trung huy động, lồng ghép, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các dự án hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, tỉnh, vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình trực tiếp phục vụ sản xuất, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Ba là, thành lập các tổ công tác để tập trung chỉ đạo việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo thường xuyên, liên tục, hiệu quả, khắc phục tư tưởng “nghỉ ngơi” của các địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM. Thực hiện chế độ, vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được phân công phụ trách gắn kết quả thực hiện với đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm.

Xin cảm ơn ông. Chúc huyện Thọ Xuân cán đích NTM đúng kế hoạch!

 

Lê Thức - Xuân Sơn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top