Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2023 | 10:16

Thừa Thiên - Huế khẩn trương tiêu úng cứu hàng ngàn hécta lúa vụ Đông Xuân

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 14 - 16/2 trên địa bàn tình Thừa Thiên - Huế có mưa lớn, gây ngập úng hơn 4.500ha lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Hiện, tỉnh đang khẩn trương huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng cứu lúa, bảo vệ ruộng đồng.

Trước những biến đổi dị thường của thời tiết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng bà con nông dân Thừa Thiên - Huế phải đối phó với hai đợt mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân ngập úng và nguy cơ bị thiệt hại nặng. Diện tích lúa ngập úng tập trung chủ yếu ở các xã vùng thấp trũng thuộc các huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, TP. Huế; có những nơi nước ngập từ 0,2 - 0,5 m, nơi sâu nhất lên đến gần 1m.

Các trạm bơm nước đang hoạt động hết công suất để khẩn trương tiêu úng cứu ruộng đồng.

Các trạm bơm nước đang hoạt động hết công suất để khẩn trương tiêu úng cứu ruộng đồng.

Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế có 110/350 ha lúa Đông Xuân ngập úng; trong đó, có gần 50 ha ngập sâu từ 0,5 - 1m. Nhiều cánh đồng bị ngập úng sâu.

Ông Đặng Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh cho biết, khó khăn hiện nay của hợp tác xã là mực nước ngoài hệ thống kênh mương tiêu còn quá cao, các trạm bơm hoạt động trong tình trạng quá tải, hợp tác xã chưa thể huy thêm các máy bơm dầu để tiêu úng nội đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, việc tiêu úng cứu lúa phải mất từ 5 - 7 ngày. Vụ Đông Xuân năm nay nông dân gặp quá nhiều khó khăn khi chưa đầy 20 ngày mà lúa đã bị ngập úng đến 2 lần.

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện Phong Điền gieo sạ 5.000ha lúa, gieo trồng 727ha lạc và 946ha sắn. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp và các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung làm đất, gieo trồng các loại đúng cơ cấu giống và khung lịch thời vụ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, đến nay toàn huyện đã gieo sạ được 4.824 ha/5.000ha lúa, diện tích còn lại 176ha tập trung ở các địa phương như Siêu Quần, Vân Trình - xã Phong Bình, vùng Bắc Hiền - xã Phong Hiền, Vĩnh Nguyên - thị trấn Phong Điền, HTX Điền Lộc và rãi rác một số thôn ở xã Phong Xuân. Diện tích lúa gieo sạ bị ngập cục bộ do mưa từ ngày 24/1 đến nay khoảng 1.452ha, diện tích dự kiến sạ lại khoảng 98ha. Về cây lạc, đã gieo trồng 16ha ở Điền Môn và Phong Sơn; Cây sắn đã trồng 55ha ở xã Phong Hiền.

Người dân Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng chăm sóc lúa vụ Đông Xuân.

Người dân Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương tiêu úng và chăm sóc lúa vụ Đông Xuân.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các địa phương và HTX SXNN cử cán bộ tiến hành kiểm tra diện tích lúa sạ bị chết do ngập úng để tiến hành dặm bổ sung và tổ chức gieo lại đối với những ruộng có tỷ lệ chết cao >50% bằng giống lúa cực ngắn như TH5; theo dõi, kiểm tra những diện tích lúa bị ngập úng phải đấu úng do mưa rét gây ra. Chăm sóc, bón phân, tỉa dặm, trừ cỏ dại,... khi thời tiết ổn định (nhiệt độ> 20 độ C). Tiếp tục trồng sắn, gieo lạc và trồng các cây trồng khác theo khung lịch thời vụ”.

“Phòng NN&PTNT huyện cũng đã hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại các công trình thủy lợi để đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân, bao gồm: Nạo vét sửa chữa các tuyến kênh mương, tu bổ đê bao chống tràn, bảo dưỡng sửa chữa các trạm bơm; Chỉ đạo các đơn vị SXNN tiêu úng để bảo vệ lúa từ ngày 17/1 đến 29/1. Diện tích đấu úng khoảng 1.500ha, số lượng máy bơm là 38 máy; Nghiệm thu các công trình thi công vừa hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng trong vụ Đông Xuân năm nay, đó là: Trạm bơm Vĩnh Xương xã Điền Môn, Trạm bơm Đình, Trạm bơm Trạch Phổ xã Phong Hòa, Kênh Vĩnh Nguyên và hồ Đại Láng, Bàu Mưng thị trấn Phong Điền; Thẩm định thiết kế các công trình nguồn vốn MTQG năm 2023, như: kênh Phong Hòa, kênh Phong Hiền”, ông Tuấn cho biết thêm.

Ngành nông nghiệp huyện Phong Điền cũng tích cực chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng trừ các loại dịch hại ngay từ đầu vụ, chú trọng các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; thực hiện tốt công tác dự báo tình hình phát sinh và lây lan của các loại dịch hại, thông báo, hướng dẫn để nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo vệ an toàn cho sản xuất.

Huyện Quảng Điền cũng đã đưa vào gieo cấy hơn 4.100 ha lúa vụ Đông Xuân năm nay. Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến hơn 2.400 ha lúa bị ngập úng. Các địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh để cứu lúa vùng bị ngập.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để tập trung cho công tác cứu lúa; Trong đó, yêu cầu các hồ chứa thủy lợi đang tạm dừng xã nước về hạ du để giảm ngập úng; mở toàn bộ các cống ven đê, ven phá để tiêu triều giảm mực nước trên các sông; huy động 100% các trạm bơm điện vận hành tiêu úng 24/24 giờ để cứu lúa. Dự kiến khoảng 5-7 ngày sẽ hoàn thành tiêu úng.

Trước đó, đợt mưa lớn cuối tháng 1/2023 cũng khiến hơn 3.500 ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng. Nhiều địa phương vùng thấp trũng buộc phải gieo sạ lại hàng trăm ha lúa. Khó khăn hiện nay là triều cường đang lớn, nước từ lưu vực sông từ thượng nguồn đổ về mạnh. Dự báo đợt mưa này còn diễn biến phức tạp và khả năng còn kéo dài đến hết ngày 17/02/2023. Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chủ động các phương án để ứng phó và xử lý kịp thời khi tình huống mưa lớn xảy ra nhằm hạn chế tấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top