Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 11 năm 2023 | 16:20

Thúc đẩy quá trình xanh hóa nền nông nghiệp

Doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc, muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng các thương hiệu của Việt Nam, chúng ta phải có phát triển xanh bền vững.

Xu thế tăng trưởng xanh nói chung và nông nghiệp xanh nói riêng trở thành một lựa chọn tất yếu, là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới.

Chuyển đổi xanh - xu hướng tất yếu

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết: Xây dựng nền kinh tế có mức phát thải tối thiểu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái, hay còn gọi là quá trình "chuyển đổi xanh", đang và sẽ là xu hướng tất yếu toàn cầu.

EU được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong các nỗ lực chuyển đổi xanh này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai EGD từ đầu năm 2020.

Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050 với các gói sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Thỏa thuận Xanh (EGD) đã được thông qua ngày 15/1/2020, định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai EGD, EU đã có nhiều chính sách xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong EGD đang và sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.

Cùng với đó là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh "xanh, bền vững" của sản phẩm cho người tiêu dùng…

Trong khi đó, một khảo sát nhanh do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về EGD để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.

Thị trường triển vọng

Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường truyền thống và quan trọng của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản... Cùng với đó, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.

Chiến lược xanh là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành để tận dụng tốt hơn các ưu thuế quan trong EVFTA, từ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng như nhiều khu vực khác.

Trong ấn phẩm “Thỏa thuận xanh EU và xuất khẩu nông sản thực phẩm, dệt may Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nêu rõ, cho đến nay, EU chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của nông sản thực phẩm Việt Nam nhưng lại là thị trường có triển vọng đáng kể. Đặc biệt là ở thị trường có giá trị cao và hữu cơ trong bối cảnh xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh về thuế quan trong Hiệp định EVFTA.

5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang EU tăng trưởng đáng kể, từ 4,09 tỷ USD năm 2018 tăng lên đến 5,27 tỷ USD năm 2023. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam sang EU giai đoạn 2018-2022 đạt 5,9%, tốt hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới.

Đặc biệt, ấn phẩm này cho rằng, dư địa để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này vào EU còn rất lớn khi xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,8% tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm liên quan của EU.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU là chè, cà phê, gia vị, quả tươi/chế biến, thủy sản, ngũ cốc... Trong đó, xuất khẩu chè, cà phê chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7,4%, đứng vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu cà phê, chè nhiều nhất sang EU, chỉ sau Brazil. Tiếp theo đó là quả bạch quả và hàng thủy sản.

EVFTA thúc đẩy quá trình xanh hóa ngành nông sản thực phẩm

Cũng theo ấn phẩm “Thỏa thuận xanh EU và xuất khẩu nông sản thực phẩm, dệt may Việt Nam”, EU đang là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải. Đặc biệt, trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - Gói các sáng kiến chính sách xanh đã bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU và tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: Chè, cà phê, thủy sản...

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chia sẻ, tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, thỏa thuận xanh châu Âu là một chính sách mới và tác động nhiều đến hoạt động giao thương với khu vực này, đồng thời mở ra các khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU.

Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Doanh nghiệp cần sớm thích ứng

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thông tin thêm, về cơ bản, EGD là tập hợp 1 gói các chính sách ứng phó với biến đối khí hậu toàn cầu. Không có mục tiêu cụ thể nào trong Thỏa thuận này mà là những định hướng chính sách.

Có 9 thành tố trong Thỏa thuận rất chung nhưng tính đến tháng 10/2023 có 58 hành động (bao gồm các chương trình, chiến lược hành động, văn bản pháp luật lớn) được EU ban hành, dự kiến ban hành để triển khai Thoả thuận này. Đây chỉ là bước được thống kê, còn nhiều hành động khác mà Trung tâm WTO và Hội nhập chưa thống kê được.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cũng cho biết, nông sản, thực phẩm là một trong các nhóm sản phẩm của Việt Nam tập trung nhiều chính sách xanh của EU. Nổi bật trong số đó là Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với các định hướng quan trọng về giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng tối đa cho phép đối với các chất trong nông sản thực phẩm; giảm lượng thuốc kháng sinh được phép sử dụng trên động vật và dư lượng trong các loại thịt, thủy sản; tăng cường các yêu cầu xanh về thiết kế, chất liệu các loại bao bì đóng gói thực phẩm; điều chỉnh cách thức ghi nhãn, vị trí nhãn, tăng cường các thông tin phải cung cấp cho người tiêu dùng về các đặc tính xanh của sản phẩm; thay đổi các yêu cầu về cách thức nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ vật nuôi...

“Các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó là gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”” - bà Nguyễn Thị Thu Trang thông tin và cho rằng, nếu doanh nghiệp nhìn nhận tiêu chuẩn xanh là một xu hướng, dòng chảy chính không thể thay đổi của thế giới thì các doanh nghiệp phải đi theo dòng chảy ấy để phát triển bền vững và lâu dài.

HTX nông nghiệp BBFarm ở xã Song Long, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng nhà màng trồng dâu tây và các loại rau thủy canh. (Ảnh: Vũ Sinh)

Trong khi đó, để giúp doanh nghiệp trong nước thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khuyến nghị, doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc, muốn tham gia vào thị trường toàn cầu, muốn nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng các thương hiệu của Việt Nam, chúng ta phải có phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần nhìn nhận những tiêu chuẩn xanh của EU không chỉ đến từ quy định của EU mà còn đến từ chính nhu cầu người tiêu dùng - khách hàng đích của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm trong nước quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là các chính sách, quy định pháp luật cụ thể trong triển khai Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Đồng thời, có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

“Chiến lược xanh là vấn đề mà doanh nghiệp cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài, cũng như có thể tận dụng tốt hơn các ưu thuế quan trong Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng như nhiều khu vực khác", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top