Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 12 năm 2023 | 10:7

Tình Quân - Dân như “cá với nước”

Hiếm có quốc gia nào mà quân đội và Nhân dân lại có mối quan hệ mật thiết với nhau như ở nước ta, bởi Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân tuyên truyền, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.

Ngày nay, quân đội không chỉ là đội quân chiến đấu giỏi, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, mà còn là đội quân sản xuất và luôn bên cạnh để giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Giúp Nhân dân làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo

Sức mạnh và sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam như ngày hôm nay, có cội nguồn từ sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện chủ trương thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (năm 1944), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đội quân vũ trang phải có chi bộ lãnh đạo, phải dựa vào Dân, dựa chắc vào Dân thì không kẻ địch nào có thể tiêu diệt được”.

BĐBP tỉnh Kon Tum trao tặng bò giống cho các hộ nghèo trên khu vực biên giới.

Chính vì vậy, từ khi thành lập (22/12/1944) đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng Nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng đến những vùng núi xa xôi, hiểm trở. Nơi nào có Nhân dân là nơi đó có bộ đội, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân, vừa bảo vệ từng mét đất thiêng liêng của Tổ quốc, vừa hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Không có dịp để tham gia cùng đoàn công tác của Hội Nhà báo TP. Hà Nội đi thực tế để tìm hiểu, tuyên truyền về biên giới, hải đảo ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, nhưng tôi được nghe đồng nghiệp kể về bộ đội biên phòng ở đây giúp Nhân dân phát triển kinh tế bằng cả tấm lòng mà thấy tự hào cho những năm tháng được công tác trong quân đội.

Để làm được việc giúp Dân bằng cả tấm lòng, Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các đồn biên phòng lựa chọn những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số của đơn vị có năng lực, trách nhiệm, phân công kết nghĩa với hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn để thông qua đó hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các mô hình giúp dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu, vươn lên xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc”.

Với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Ban Chỉ huy các Đồn Biên phòng đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú (Ngọc Hồi - Kon Tum), cho biết: “Năm 2023, bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Xú triển khai và duy trì có hiệu quả các mô hình giúp Nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Đơn vị đã xây dựng mô hình “cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn hộ gia đình”; mô hình sinh kế (tặng heo sinh sản) cho hộ gia đình chị Y Cam, thôn Kei Joi; tham gia giúp địa phương 105 ngày công lao động sửa nhà, thu hoạch hoa màu, xây dựng 3km đường bê tông nông thôn”.

Gia đình anh Lương Xuân Đá ở thôn Kei Joi là một trong số những hộ nghèo có khu vườn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Cán bộ, chiến sĩ Đồn xuống vận động, tuyên truyền và trực tiếp giúp đỡ dọn dẹp vườn, thực hiện các biện pháp cải tạo đất, trồng thay thế cây tạp bằng một số loại cây giống phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. “Tuần nào đơn vị cũng cử cán bộ xuống kiểm tra, cùng gia đình bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tôi rất phấn khởi và yên tâm, động viên mọi người trong gia đình nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo...”, anh Đá bộc bạch.

Còn Thượng tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long chia sẻ: “Từ thực tiễn tại đơn vị, chủ trương của cấp trên, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế. Đơn vị đang duy trì 6 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, như: Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới, tặng heo đen, tặng ngan (vịt xiêm) giống, trồng cà phê... Mỗi mô hình được xây dựng đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Trong suốt quá trình triển khai, cán bộ, chiến sĩ của Đồn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ chăm sóc, thu hoạch”.

Việc giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không chỉ có ở Kon Tum, mà ở rất nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, việc giúp đỡ Nhân dân  tại nơi đóng quân đã được các đơn vị bộ đội xây dựng kế hoạch và đưa vào Nghị quyết của đơn vị.

Được giao quản lý đường biên dài hơn 13 km, 11 cột mốc và 2 xã biên giới Lùng Vai, Bản Lầu, cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, giúp Nhân dân phát triển kinh tế. 

Thực hiện Chỉ thị 681 của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, 14 cán bộ, đảng viên được đơn vị phân công phụ trách giúp đỡ 42 hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã Bản Lầu, Lùng Vai. Ngoài hỗ trợ cây - con giống, cán bộ, chiến sĩ còn trực tiếp “3 cùng”, giúp bà con về ngày công, hỗ trợ về kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thiếu tá Nguyễn Văn Chỉnh, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bản Lầu, cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, quản lý đường biên quốc gia cũng phải nhờ vào Dân. Khi được phân công giúp đỡ bà con phát triển kinh tế thì xác định đến với đồng bào bằng tình cảm, khi người dân có điều kiện sống tốt thì yên tâm cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được Đồn Biên phòng Bản Lầu hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống để nuôi sinh sản. Được bộ đội biên phòng hướng dẫn, người dân biết cách chăm sóc, phòng bệnh để nuôi bò đạt hiệu quả. Bà Sùng Mỏ (thôn Cốc Phúng, xã Lùng Vai) cho biết: “Được bộ đội biên phòng hỗ trợ con giống thì phấn khởi lắm, các chú cũng hướng dẫn làm chuồng cho bò ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Mùa này chưa rét lắm thì cho bò đi ăn cỏ ngoài đồng, về cho bò ăn thêm bột ngô, sắn cho nhanh lớn”.

Về làng cùng dân xây dựng nông thôn mới

Không chỉ giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ bộ đội còn cùng với Nhân dân địa phương tại nơi đóng quân xây dựng nông thôn mới.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ  đã phát huy vai trò, trách nhiệm bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Sơn La tham gia vệ sinh môi trường tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã. (Ảnh: Huy Thành).

Hà Giang xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn khi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất và đất ở, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, trình độ dân trí thấp, không đồng đều. Theo Đại tá Trần Đại Thắng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hà Giang, từ phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động trong toàn quân, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang xác định, đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm, nghĩa vụ thể hiện bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Hàng năm, kế hoạch thực hiện phong trào được xây dựng với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực và quán triệt đến từng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Từ năm 2019 tới nay, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo lực lượng tham gia 10 đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận. Huy động gần 24.000 lượt người tham gia củng cố, nâng cấp, làm mới hệ thống giao thông nông thôn với 291,7km; nạo vét kênh mương nội đồng; nâng cấp trạm y tế xã; xây mới nhà văn hóa, xây dựng công trình vệ sinh cho 106 hộ nghèo; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tới hơn 7.000 lượt người; trồng mới gần 900ha rừng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo...

Trung tá Lê Công Trường, Trưởng Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Sơn La cho hay, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị trong Bộ Chỉ huy đã phối hợp với UBND các xã khảo sát giúp 18 bản thực hiện 1-2 tiêu chí nông thôn mới trong năm. Tham gia trên 1.000 ngày công giúp Nhân dân phát quang, tu sửa, nâng cấp và làm đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 25km; giúp 12 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa nhà ở.

Bộ đội triển khai xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế như nuôi bò sinh sản của Ban CHQS các huyện Yên Châu, Thuận Châu; mô hình an sinh xã hội “nâng bước em tới trường” của Ban CHQS TP Sơn La, huyện Phù Yên, huyện Vân Hồ;  phối hợp khám bệnh, cấp phát thuốc của Ban CHQS huyện Bắc Yên;  xóa nhà tạm của Ban CHQS huyện Mai Sơn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân.

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới của TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Hải Sơn với xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 88%. Để chương trình được thực hiện hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tập trung phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường, hệ thống thủy lợi, y tế, giáo dục... Trong thành tựu đổi thay của Hải Sơn hôm nay, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương luôn ghi nhận những đóng góp tích cực, cụ thể và rất thiết thực của lực lượng vũ trang TP. Móng Cái. Nhiều mô hình dân vận của cán bộ, chiến sĩ  được triển khai, chung sức thực hiện thấm đượm tình cảm, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ” với thực tế khó khăn của người dân, đồng bào.

Trung tá Vũ Tuấn Anh, Chính trị viên, Phó Ban CHQS TP. Móng Cái, cho biết: Trong chuyến công tác ở Hải Sơn, tôi từng chứng kiến cảnh thầy, trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hải Sơn học tập trong môi trường thiếu thốn, khó khăn. Nước sinh hoạt phải gánh từ suối về tích trữ trong bể. Mỗi khi có mưa, nước trên núi đổ xuống khiến con đường vào trường lầy lội, không thể đi lại được. Ngay sau đó, Ban CHQS TP. Móng Cái đã triển khai hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường trị giá 160 triệu đồng, với các hạng mục cơ bản: Khoan giếng, xây dựng hệ thống cấp nước sạch, rải áp phan đường vào sân trường, đổ bê tông sân vui chơi cho học sinh nội trú và lắp đặt bình lọc nước uống trực tiếp. Công trình được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, phấn khởi của giáo viên và học sinh toàn trường.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 147 tham gia lao động xây dựng nông thôn mới tại Thôn 14, xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

“Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thành phố Móng Cái, cô trò chúng tôi đã có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn trước rất nhiều. Công trình ý nghĩa này đã tiếp thêm động lực để thầy cô, học sinh không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập”, cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hải Sơn phấn khởi chia vui với chúng tôi.

Đại tá Nguyễn Quang Trung, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Từ năm 2016-2022, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh đã quyên góp ủng hộ 30,9 tỷ đồng, gần 150.000 ngày công lao động để giúp đỡ các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.... Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã tham gia trên 5.000 ngày công, hỗ trợ 2,5 tỷ đồng chung sức cùng các địa phương xây dựng đường giao thông, công trình đường điện “thắp sáng đường quê”... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nhận đỡ đầu hàng chục cháu học sinh nghèo vượt khó cho đến khi 18 tuổi, với số tiền 500.000 đồng/tháng/cháu...

Tham gia thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và địa phương phát động, trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận giai đoạn 1 năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, xây dựng nông thôn mới ở 758 xã.

Các cơ quan, đơn vị đã tham gia lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới với 855.600 ngày công; làm mới và tu sửa hơn 400km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 800km kênh mương nội đồng; tu sửa 742 nghĩa trang liệt sĩ, tặng 350 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, sửa chữa 550 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 214.000 lượt người; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thăm, tặng quà hơn 35.000 đối tượng chính sách; xây tặng 7 công trình văn hóa, thể dục-thể thao trong vùng đồng bào tôn giáo... Tổng kinh phí các hoạt động hơn 60 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động trong đợt hành dân dã ngoại làm công tác dân vận của toàn quân được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, góp phần giữ vững và tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết quân dân.

Trong 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã minh chứng rõ sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta bắt nguồn từ Nhân dân. Câu nói “Quân với Dân như cá với nước” chính là hình ảnh khái quát từ mối quan hệ gắn bó máu thịt ấy. Trong mối quan hệ đó, Nhân dân là gốc, là nền tảng, là khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của quân đội; quân đội là một bộ phận không thể tách rời của Nhân dân, là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân không chỉ trực tiếp cầm vũ khí mà còn đùm bọc, nuôi giấu, chở che bộ đội. Dựa vào sức mạnh của Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Với bản chất, truyền thống quý báu từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ, chiến đấu, các đơn vị quân đội luôn đổi mới tư duy về công tác dân vận, gắn kết tình quân dân trên địa bàn. Hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, về với bà con vùng sâu, vùng xa, thực hiện “3 cùng” với đồng bào. Các cơ quan, đơn vị hưởng ứng Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” với nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân với trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Phát huy bản chất cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, tác phong công tác; giữ nghiêm kỷ luật đoàn kết quân dân, làm cho hình ảnh người quân nhân cách mạng luôn tỏa sáng trong lòng Nhân dân.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top