Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 7 năm 2023 | 10:49

Vốn chính sách, công cụ đắc lực thoát nghèo ở Mường Khương

Nguồn lực tài chính từ các chương trình cho vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Khương (Lào Cai) đã từng bước thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc, cải thiện chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo bản làng, giúp giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiệu quả từ cách làm linh động

Kết quả rà soát, điều tra hộ nghèo năm 2021 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, Mường Khương có 6.653 hộ nghèo (chiếm 47,44%),  2.934 hộ cận nghèo (chiếm 20,92%). Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, có nhiều khó khăn về điều kiện địa hình, khí hậu; nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều phong tục tập quán lạc hậu, bất đồng về ngôn ngữ nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Mường Khương có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển chăn nuôi đại gia súc và kinh tế nông, lâm nghiệp theo mô hình kinh tế hộ, mô hình trang trại, gia trại…. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương cho lĩnh vực kinh tế này cùng với nguồn lực tài chính của người dân còn hạn chế, cho nên sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm trước còn manh mún, sản phẩm chưa trở thành hàng hoá dẫn đến thu nhập của người dân thấp. Năm 2003, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt gần 3 triệu đồng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn với mức sống khá thấp.

Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, gia đình ông Vàng Pao Hàn đã thoát nghèo, biết cách làm kinh tế.

Chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo trở thành trọng tâm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Khương ngay từ ngày mới thành lập. Nhưng để triển khai đến người dân, cán bộ ngân hàng phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo chuyển biến trong tư duy đồng bào. Thông qua 4 tổ chức Hội và đoàn thể mà đại diện là những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, NHCSXH đã cùng các tổ chức nhận ủy thác cho vay, phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi, quy trình nghiệp vụ cho vay, nguyên tắc vay vốn đến nhân dân. Cùng với thái độ phục vụ tận tình chu đáo, tác phong văn minh lịch sự; địa điểm giao dịch được bố trí tại UBND các xã; mạng lưới dịch vụ hoạt động rộng khắp từng thôn bản. Khi vay vốn, người nghèo không phải thế chấp tài sản, thủ tục quy trình cho vay đơn giản và không phải trả lệ phí hành chính nào liên quan đến  thủ tục vay vốn, đã góp phần phủ kín vốn vay đến 100% số thôn bản, tổ dân phố.

Ông Vàng Pao Hàn (dân tộc Nùng, thôn Nậm Pản, xã Thanh Bình) chia sẻ hành trình thoát nghèo: “Gia đình quanh năm đói nghèo. Thấy cán bộ về bảo cứ vay tiền mạnh dạn làm ăn, lúc đầu chúng tôi cũng không dám vay vì sợ nhỡ không trả được nợ. Nhưng thấy các hộ vay tiền xong, xã lại đứng ra chỉ hướng làm ăn, nên gia đình cũng tham gia vay 40 triệu đồng, mua 2 con trâu. Sau 2 năm, trâu đẻ được 3 con, dần nợ cũng trả xong, lại lãi thêm mấy con trâu. Gia đình lại tiếp tục vay 50 triệu để đầu tư trồng 1ha chè, sau 3-4 năm chè được thu hái, mỗi tháng cũng bán được gần 5 triệu đồng. Thu nhập ổn định từ chè được 40 triệu đồng/năm cùng với nuôi trâu, đến năm 2018, gia đình thoát khỏi diện hộ nghèo”.

Nguồn vốn được rót đúng và trúng đã phát huy hiệu quả, nợ đến hạn, lãi tiền vay được trả kịp thời đầy đủ đúng quy định. Nhiều hộ vay chưa đến thời hạn trả nợ đã hoàn trả vốn ngân hàng. Hộ nghèo đã có chuyển biến về nhận thức, thay đổi nhiều tập quán lạc hậu. Hạn chế dần tình trạng du canh, du cư ổn định cuộc sống.

“Bệ đỡ” để đồng bào làm kinh tế

Ông Nguyễn Lương Sơn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mường Khương, cho biết, nhờ bám sát vào quy hoạch và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội mà các cấp chính quyền tỉnh, huyện định hướng, nguồn vốn đã trở thành “bệ đỡ” để đồng bào vươn lên làm kinh tế, hình thành những vùng trồng tập trung như: chè, chuối, dứa... Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã thực sự phát huy vai trò, tác động tích cực về mặt đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Nguồn vốn cho vay Chương trình hộ mới thoát nghèo đã thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao thu nhập, hàng năm giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo một cách bền vững, không bị tái nghèo. Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Chương trình này có sức lan tỏa lớn, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các hộ dân.

Bám sát chủ trương phát triển kinh tế của huyện, NHCSXH đã góp phần mở rộng diện tích, đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Trong 20 năm qua, NHCSXH huyện đã đầu tư cho 50.550 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay số tiền 1.213 tỷ đồng, thu nợ 825 tỷ đồng, đưa dư nợ cho vay từ 19 tỷ đồng (năm 2003) lên 386,9 tỷ đồng (năm 2022 ). Từ 2 chương trình tín dụng cho vay năm 2003, đến nay, NHCSXH huyện đã đảm nhiệm và quản lý 15 chương trình cho vay, chất lượng tín dụng được bảo.

Cơ chế chính sách cho vay các chương trình ngày càng được được cải thiện, thủ tục vay vốn đơn giản, mức vay tăng dần hàng năm phù hợp với việc đầu tư vốn của nhân dân. Hàng năm NHCSXH huyện phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm ủy thác, cho các tổ trưởng Tổ TK&VV, nghiệp vụ huy động tiền gửi và các nghiệp vụ khác. Trong số 242 tổ TK&VV trên toàn huyện có 232 tổ hoạt động tốt, 8 tổ hoạt động khá, 2 tổ hoạt động trung bình đang quản lý 7.297 hộ vay vốn, bình quân 1 tổ TK&VV quản lý 30 hộ vay với dư 1.598 triệu đồng. Việc thành lập tổ vay vốn được thực hiện theo địa bàn thôn bản, mỗi một thôn bản do một đơn vị tổ chức hội đứng ra quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bình xét cho vay, đôn đốc, kiểm tra sử dụng vốn vay, đảm bảo nguồn vốn được đầu tư sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top