Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 5 năm 2023 | 12:15

Xây dựng sân bóng trên đất nông nghiệp để Thanh Liệt đủ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao?

Tạp chí Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người dân xã Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội) về việc hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xứ Đầm Giếng bị nhiều cá nhân đưa máy móc vào san gạt mặt bằng làm sân bóng cỏ nhân tạo, khu nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép nhưng chưa bị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm.

Nhiều hạng mục được xây dựng trên đất nông nghiệp dọc theo tuyến đường Chu Văn An làm điểm kinh doanh, buôn bán đồ ăn uống...

Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên có buổi khảo sát thực địa dọc tuyến đường mới Chu Văn An, thuộc khu vực xứ Đầm Giếng, xã Thanh Liệt. Tại đây thấy hàng loạt các loại dịch vụ giải trí, kinh doanh, sản xuất, hàng hoá bày bán tràn ra đường, từ chậu hoa, cây cảnh, gốm sứ cho đến bàn ghế ngồi ăn uống…

Được biết, các sân bóng được đầu tư xây dựng, lắp đặt cỏ nhân tạo, hệ thống đèn chiếu sáng và cho nhóm người thuê lại theo giờ với hình thức có thu phí dịch vụ, từ 500.000 đến 700.000 đồng/giờ. Việc sân bóng mọc lên trái phép và đi vào hoạt động thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, đây là khoản lợi nhuận khổng lồ cho các cá nhân. 

Chậu hoa, cây cảnh bày bán tràn ra đường. 

“Khu nhà xưởng và 03 sân bóng cỏ nhân tạo, tất cả đều nằm trên đất nông nghiệp, đất dự án. Mặc dù vậy nhưng những vi phạm này lại chưa hề bị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm, thậm chí sai phạm này còn được cho phép tồn tại và hoạt động. Tôi không hiểu, họ căn cứ vào đâu mà lại để biến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp của dân làm sân bóng nhân tạo cùng nhà xưởng và nhiều ki-ot buôn bán hoa cây cảnh, gốm sứ, quán bia hơi... như vậy", một người dân cho biết.

Ngày 12/5 vừa qua, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của Thường trực HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã chỉ rõ, trong khi nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao thực sự, lại đang xuất hiện tình trạng nhiều mô hình nông nghiệp nhưng không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng...

Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi: “Những vi phạm này đã diễn ra vài năm nay, tại sao lại không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời? Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho những sai phạm này?”.

Sân bóng cỏ nhân tạo, nhà xưởng được hình thành, đi vào hoạt động kinh doanh trên đất nông nghiệp.

Được biết, năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT, nội dung nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND TP. Hà Nội giao Sở TN&MT Hà Nội chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung trong đó có việc Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.

Trao đổi với báo chí, ông Trình Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, cho biết: Khu vực sân bóng cỏ nhân tạo đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt cho UBND xã Thanh Liệt làm điểm luyện tập thể thao kết hợp trồng cây xanh. Mặc dù ba sân bóng nói trên đúng là không được cấp phép chính thức nhưng có văn bản chỉ đạo của huyện cho chủ trương xây dựng các điểm vui chơi giải trí và thể thao để phục vụ nhân dân trong xã nhằm mục đích có đủ tiêu chí để nâng cấp lên thành xã nông thôn mới nâng cao.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì cho chủ trương xây dựng các điểm vui chơi giải trí và thể thao để phục vụ nhân dân trong xã.

Như vậy, những thông tin mà vị Phó chủ tịch xã Thanh Liệt nói (khu vực sân bóng cỏ nhân tạo đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt cho UBND xã Thanh Liệt làm điểm luyện tập thể thao kết hợp trồng cây xanh) thì chẳng khác nào huyện Thanh Trì “đi ngược” với chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội?

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất cả nước, với 383 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo ông Thanh, trong nhiệm kỳ này, cơ bản thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch chi tiết, qua đó sẽ khơi thông những vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Liên quan vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cần có sự nghiên cứu của chuyên gia, hướng dẫn cụ thể, quy hoạch rõ ràng. Đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện.

“Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND TP lập tổ công tác, bay flycam ở 6 huyện ven sông. Từ đó, gửi hình ảnh sai phạm cho lãnh đạo huyện, trong đó có cả sai phạm lấn chiếm, san lấp lòng sông”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin.

Được biết, Thanh Trì là một trong 2 huyện điển hình được thành phố biểu dương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đến nay, 15/15 xã của huyện được công nhận chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch được giao đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Tuy nhiên, từ nội dung mà Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt thông tin với báo chí thì khác nào lộ ra “căn bệnh chạy theo thành tích” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao?

Ông Ngọ Văn Ngôn  - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Tại buổi báo cáo kết quả công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2022 của Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội – ông Ngọ Văn Ngôn cho rằng, qua công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vừa qua cho thấy, rất nhiều xã thiếu sót trong hoàn thiện hồ sơ minh chứng cho các tiêu chí. Nếu các địa phương chú trọng làm đúng theo hướng dẫn, cấp huyện hướng dẫn, đồng hành cùng các xã bám theo bộ tiêu chí để đánh giá từng chỉ tiêu thì sẽ giảm được các thiếu sót này và công tác thẩm định không mất nhiều thời gian, công sức.

Đất nông nghiệp là các loại đất chuyên phục vụ cho mục đích canh tác trồng trọt và chăn nuôi. Đề nghị UBND TP.Hà Nội sớm chỉ đạo các sở, ban ngành khẩn trương vào cuộc thanh, kiểm tra những nội dung nêu trên, thực hiện đúng theo chỉ đạo về công tác quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định đối với sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai.

Theo đó, Khoản 2 điều này nêu rõ: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.

Khoản 3 điều này cũng nêu: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Ngoài ra, tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 còn nêu trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top