Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 | 9:47

Xứ Nghệ làm theo Bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản tư tưởng của Người.

Nhờ đó mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp đúng đắn, giúp kinh tế nước ta ngày càng ổn định và phát triển.

Nam Đàn (Nghệ An) đang học và làm theo Người trong phát triển kinh tế, xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Nông dân ta giàu thì nước ta giàu

Tại Nam Đàn, việc học tập và làm theo Bác trước hết là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Riềng giúp nhiều người dân xã Nam Hưng làm giàu.

Thông qua các phong trào, đã khích lệ, động viên bà con vươn lên làm giàu, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Thực hiện lời dạy của Bác “nói đi đôi với làm”, các cấp Hội Làm vườn, Hội Nông dân vừa vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và cơ cấu ngành nghề, vừa hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm sản xuất. Tạo công ăn việc làm cho người nông dân, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thu hoạch hoa thiên lý  ở xã Nam Anh.

Năm 2022, tổng sản lượng lương thực của Nam Đàn đạt 95.441 tấn. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân như: dưa lưới, khoai tây, ớt cay... Hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn quy mô trên 100ha, sử dụng một loại giống, chọn tạo được hơn 10 loại giống đảm bảo cơ cấu cho từng vùng đất.

Mô hình trồng chanh ở Nam Đàn.

Tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP tại HTX rau an toàn Thanh Niên Nam Đàn, HTX rau củ quả Nam Anh, HTX rau củ quả Hùng Tiến, HTX nông nghiệp Nam An, HTX rau an toàn Nam Thanh, HTX rau an toàn Vân Diên; vùng sản xuất rau màu, lạc giống tại Thượng Tân Lộc.

Đặc biệt, Nam Đàn tập trung chỉ đạo, khuyến khích xây dựng thêm 14.100m2 nhà lưới, nhà màng (Thượng Tân Lộc 11.000m2, Nam Xuân 2.000m2, Nam Thanh 1.100m2), nâng tổng số diện tích nhà lưới toàn huyện đạt 31.100m2.

Phát huy vai trò của người nông dân

Đến nay, Nam Đàn có xã Kim Liên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên. Huyện đã phát triển thêm nhiều mô hình mới trong sản xuất cho thu nhập cao, có 74 sản phẩm OCOP. Công nghiệp, dịch vụ được mở rộng; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Vườn chuẩn nông thôn mới ở Kim Liên.

Điển hình là vườn chuẩn nông thôn mới  của gia đình ông Vương Hồng Minh ở xóm Sen 2. Bắt đầu xây dựng vườn chuẩn từ năm 2019, sau thời gian tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trước, gia đình ông đã bỏ các cây có giá trị kinh tế thấp để đầu tư trồng cây cảnh không chỉ làm đẹp cho cảnh quan mà còn mang lại thu nhập khá cao cho gia đình.

Hay làng nghề tương truyền thống tại thị trấn Nam Đàn - Tương Sa Nam. Được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, nghề đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân.

Nam Giang là xã có quỹ đất đa dạng, thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Trong giai đoạn 2018-2022, xã đã huy động được hơn 230 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 146 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hiện xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu sớm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Việc xây dựng vườn chuẩn mang lại kết quả khá rõ nét, là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường nhằm gìn giữ cảnh quan, không gian sống trong lành của các làng quê theo hướng xanh, sạch, đẹp. Các mô hình vườn chuẩn nông thôn mới đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, địa phương cũng đang đẩy mạnh phát triển các mô hình rau sạch, tận dụng hết các quỹ đất để phát triển nông nghiệp sạch, quyết không cho đất nghỉ. Và yếu tố quyết định làm nên thành công khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là sự đồng thuận, đoàn kết và quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho biết.

Ngày 4/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg,  phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025. HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Nam Đàn phát triển.

Ngày 16/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 07). Mục tiêu nghị quyết xác định, xây dựng huyện Nam Đàn phát triển toàn diện vững mạnh; kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, văn hoá - xã hội phát triển; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Nam Đàn là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, là trung tâm du lịch quốc gia vào năm 2025.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07,  Nam Đàn đã được đầu tư hơn 4.067 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa bình quân hàng năm đạt 7,96%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; phát triển thêm nhiều mô hình mới trong sản xuất cho thu nhập cao...

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, chủ thể của kinh tế nông nghiệp chính là người nông dân. Vì vậy, để phát huy vai trò của người nông dân, các cán bộ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải biết vận động nông dân để họ tự nguyện tham gia vào hợp tác xã và tích cực tăng gia sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, phải biết quan tâm đến lợi ích thiết thân của nông dân.

 

Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top