Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024 | 19:27

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 19 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,32 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu ngành đạt được 4 tháng là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023; trong đó, nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%); riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%).

Theo đó, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng xuất khẩu của ngành đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng. Một số nhóm hàng có thể kể đến như, Nông sản 10,44 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lâm sản 5,18 tỷ USD, tăng 22,8%; thủy sản 2,68 tỷ USD, tăng 4,2%; chăn nuôi 152 triệu USD, tăng 3,6%.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang chiếm lĩnh nhiều thị trường trọng điểm.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái như gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7%; càphê 2,57 tỷ USD, tăng 57,9%; gạo 2,08 tỷ USD, tăng 36,5%; điều đạt 1,16 tỷ USD, tăng 21,2%; rau quả 1,8 tỷ USD, tăng 32,1%; tôm 937 triệu USD, tăng 5,9%.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi 332 triệu USD, tăng 33,3%.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,1%, tăng 25,7%; Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đã vượt mốc 2 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng nhưng tăng tới 36,5% về giá trị. Xuất khẩu gạo cũng đang mở rộng ra nhiều thị trường hơn. Từ đó, đang vững bước để vượt mục tiêu xuất khẩu 7,6 triệu tấn đặt ra cho năm nay. Theo nhiều doanh nghiệp, cơ hội đang rộng mở cho hạt gạo Việt.

Tại Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Cần Thơ tổ chức mới đây, các báo cáo nhận định, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn.

Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo; trong đó, có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top