Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 7 năm 2022 | 17:21

Bộ TN-MT lên kế hoạch ‘hồi sinh’ các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt

Trong năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như sông Nhuệ Đáy, kênh Bắc Hưng Hải...

Ai "bức tử" kênh rạch?

Rạch Xuyên Tâm là hệ thống các con rạch liên thông nhau, như: Rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng có chiều dài hơn 8 km. Tuyến rạch chính bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.

Có mặt ghi nhận ở rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh), dù đã đeo nhiều lớp khẩu trang, chúng tôi vẫn choáng váng vì mùi hôi thối xông vào mũi.

Theo quan sát, dưới rạch là rác thải, lục bình nổi lềnh bềnh, dạt vào quanh chân nhà ven kênh của các hộ dân, rồi ứ đọng lại. Bên cạnh đó, những căn nhà quanh con rạch xả thẳng chất thải sinh hoạt xuống dòng nước thông qua những ống dẫn. Giữa trưa nắng gắt, mùi hôi thối từ rác, nước thải và bùn đất trộn lẫn, bốc lên khiến bất cứ ai đi ngang qua đoạn cầu liên phường 2 và 19 (quận Bình Thạnh), dù là người địa phương hay lần đầu đến đây, cũng đều thốt lên: "Thối quá!".

Lúc chúng tôi đến, một người phụ nữ đang cầm bao ni-lông chứa rác ném xuống. Được hỏi, chị thản nhiên trả lời: "Lâu nay ai cũng làm vậy mà, có sao đâu?!".

 

12-chot-16568570369741689735843.jpg
Rạch Xuyên Tâm (đoạn phường 19, quận Bình Thạnh) ô nhiễm bởi rác thải Ảnh: QUỲNH DAO

 

Chị Thảo (sinh sống ở phường 19, quận Bình Thạnh) cho biết, hiện thành phố bước vào mùa mưa, cũng là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Thỉnh thoảng, lực lượng chức năng có xuống phun thuốc diệt muỗi nhưng chỉ giảm được đôi chút, rồi đâu cũng vào đó. Sống chung với rác, muỗi, chuột, gián… là chuyện bình thường đối với người dân ở đây.

Rạch Văn Thánh (từ phường 19, 21, 22, quận Bình Thạnh), rạch Lăng (phường 12, quận Bình Thạnh, tuyến rạch Xuyên Tâm) cũng ô nhiễm nặng, rác thải nhựa, lá cây, cành cây khô, xác động vật… phủ kín bề mặt, làm dòng nước đen ngòm không chảy nổi. Theo người dân ở đây, ngày trước rạch Lăng rất lớn nhưng hiện nay chiều rộng của rạch còn chưa tới 2 m.

Kênh Tàu Hũ (dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7); kênh Tẻ (đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), một số kênh rạch ở quận Gò Vấp (phường 14) cũng rơi vào cảnh tương tự. Dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, hàng chục gia đình sinh sống, buôn bán trên các xuồng ghe đậu, xả thẳng xuống kênh lượng lớn rác thải đủ loại. Ngoài ra còn có rác thải của nhiều hộ dân xung quanh đem đến bỏ lén dọc bờ kênh, rác theo dòng nước chảy về cộng với rác từ các cống ngầm tích tụ theo dòng nước cuốn ra kênh, khiến ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Dù chính quyền TP. HCM đã tích cực vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch nhưng tình trạng xả rác xuống kênh rạch vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Trong một cuộc họp báo đầu tháng 6-2022, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. HCM cho biết hiện nay hệ thống kênh rạch của thành phố hứng rất nhiều rác thải. "Hệ thống kênh rạch hiện nay lượng rác xả xuống rất nhiều, gây cản trở dòng chảy và hạn chế khả năng thoát nước. Chúng ta vớt rác hôm trước, hôm sau lại đầy. Việc này tốn kinh phí rất lớn mà nguyên nhân là do ý thức của người dân", đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. HCM nói. Được biết, mỗi năm UBND TP. HCM phải chi ngân sách hơn 3.400 tỉ đồng cho công tác thu gom xử lý rác và duy tu hệ thống thoát nước. Trong đó, có gần 700 tỉ đồng chi cho việc quét rác và hơn 700 tỉ đồng để vớt rác trên sông, kênh, rạch.

Trên thực tế, tại 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng là vấn đề đã xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện, điển hình là một số sông, kênh như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (TP. Hồ Chí Minh)  thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm có xu hướng trở lại. Tình trạng ô nhiễm sông, kênh mương nội thành đã trở thành vấn đề cần quan tâm giải quyết ở hầu hết các đô thị.

Cùng với đó, từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường nước ở hạ lưu các lưu vực sông là vấn đề diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nổi cộm lên là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước kéo dài, do nước thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt đô thị… xả thải ra môi trường nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Lên kế hoạch hồi sinh 

Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước - “mạch nguồn của sự sống”, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong năm 2023, cơ quan này sẽ triển khai 30 nhiệm vụ quan trọng, hướng tới việc phục hồi các dòng sông.

Theo đó, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều tra đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt như: sông Nhuệ Đáy, Ngũ Huyện Khê, kênh Bắc Hưng Hải...

Với nhiệm vụ chuyển tiếp, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung thực hiện dự án “Đánh giá tình hình thực thi, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng nước; đề xuất các biện pháp, chính sách tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước", để hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước.

Với các nhiệm vụ mở mới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ triển khai xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số để hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork.

Đặc biệt, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng, dự báo xu thế, đề xuất biện pháp giảm thiểu bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và lập danh mục các hồ, ao, đầm, phá liên tỉnh nhưng không được san lấp trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srepork, để kịp thời giải quyết.

Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng sẽ phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng cục Môi trường để cùng xây dựng, vận hành hệ thống giám sát mục tiêu chất lượng nước (gồm cả dòng chảy tối thiểu). Việc này được thực hiện quy hoạch trên các lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srêpốk.

Bài học từ công tác quản lý, bảo vệ ao, hồ ở Thanh Oai

Về thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội vào những ngày đầu tháng 7/2022, cái nắng nóng oi bức của mùa hè như được xoa dịu bởi mặt nước ao bốn mùa trong xanh. Bí thư chi bộ thôn Hưng Giáo Bùi Tiến Dũng chia sẻ, ao làng là tài sản vô giá của người dân nơi đây. Giai đoạn 2005 - 2008, mỗi hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất trồng rau màu, hộ ít thì hơn chục m2, hộ nhiều thì trên 100 m2 để chung sức xây dựng ao.

Không những thế, cán bộ và Nhân dân trong thôn còn đồng lòng đóng góp kinh phí để kè xung quanh với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Một số gia đình còn ủng hộ cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng, đài phun nước tạo dựng không gian vui chơi hoàn chỉnh, sạch đẹp.

Thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương cũng là một điển hình về gìn giữ, cải tạo ao, hồ. Nói về thành quả đáng tự hào có được từ sự chung sức, đồng lòng, Trưởng thôn Tảo Dương Phạm Văn Cường cho hay, trước đây không ít ao, hồ trong thôn bị san lấp hoặc là nơi chứa rác, nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sống.

 

ho-tao-duong.jpg
Hồ Tảo Dương, thôn Tảo Dương (xã Hồng Dương) trở thành không gian xanh lý tưởng của người dân địa phương. Ảnh: Bình Minh

 

Sau một thời gian vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, năm 2013, ý tưởng hồi sinh hồ của ông Cường đã được Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ hàng tỷ đồng để làm rãnh ngăn nước thải chảy vào hồ, kè bờ, trồng sen trong hồ, trồng cây, bê tông hóa mặt đường dạo xung quanh. Nhờ đó hồ đã trở thành không gian xanh lý tưởng, là nơi bà con xóm làng nghỉ chân mỗi khi đi dạo hay thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của ao, hồ trong điều hòa tiểu khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, từ nguồn xã hội hóa và ngân sách đầu tư, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai đã cải tạo, hồi sinh hàng chục ao, hồ. Công tác quản lý ao, hồ đã được quan tâm, nhiều xã, thị trấn đã đầu tư kè cứng, chỉnh trang ao, hồ bước đầu đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường, chống lấn chiếm.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng "Ao, hồ được xem là “lá phổi xanh” góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng sống của người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện mà huyện Thanh Oai hướng tới. Chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, do đó việc giữ môi trường an lành, ổn định đời sống dân cư luôn được đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, việc giữ gìn, bảo vệ ao, hồ cũng chính là cách tạo ra hàng loạt những lợi ích to lớn về môi trường, khí hậu, cảnh quan, nguồn sinh kế ổn định cả trước mắt và lâu dài".

Bên cạnh đó, qua số liệu thống kê, rà soát cho thấy, số lượng ao, hồ trên địa bàn huyện Thanh Oai đang có xu hướng giảm và đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm, lấn chiếm nếu không có biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng.

Đề cập về giải pháp xử lý thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng: “Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở để “trả lại” những ao, hồ về với chức năng vốn có là những điểm giữ nước mưa, chống úng ngập, tạo cảnh quan môi trường, điều hòa khí hậu; tạo nhiều điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng dân cư trong những dịp lễ, Tết truyền thống”.

Đầu năm 2021, UBND huyện Thanh Oai đã xây dựng đề án "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất ao, hồ, đất bãi bồi ven sông, đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (do UBND cấp xã quản lý) trên địa bàn huyện Thanh Oai giai đoạn năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Đề án cũng đã được HĐND huyện Thanh Oai khóa XIX thông qua tại kỳ họp thứ 19. Đây là quyết sách kịp thời, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần giữ gìn môi trường trong lành, bền vững, xây dựng Thanh Oai văn minh, “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Cùng với đó là xây dựng, làm điểm, thiết kế mẫu, điển hình ao, hồ và kiến trúc cảnh quan, gắn với xây dựng hạ tầng đồng bộ xung quanh ao, hồ (lan can bảo vệ, vỉa hè, rãnh thu nước, trồng cây xanh, chiếu sáng). Để cảnh quan, không gian quanh hồ trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về ý thức của các tầng lớp Nhân dân thông qua việc tự giác chấp hành các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng ao, hồ.

Để đề án đi vào chiều sâu và có hiệu quả, huyện Thanh Oai luôn xác định công tác lập quy hoạch phải đi trước một bước, phải tạo hành lang, cơ sở để cấp chính quyền và người dân nắm được quy hoạch của ao, hồ tại mỗi thôn, xóm, khu dân cư. Theo đó, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu lập quy hoạch ao, hồ để quản lý gắn liền với quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500.

Trong đó, chú trọng cập nhật các thửa đất ao, hồ còn hiện trạng là ao, hồ, mặt nước vào quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch đất mặt nước chuyên dùng hoặc đất nuôi trồng thủy sản để bảo tồn, duy trì, giữ mặt nước, điều hòa không khí. Đặc biệt khi có mưa lớn xảy ra để phòng, chống úng ngập cho khu dân cư, đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Huyện cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất tình trạng chất lượng ao, hồ cũng như giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng ao, hồ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và của Nhân dân trong công tác bảo vệ, quản lý ao, hồ.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top