Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2017 | 5:9

Chăm lo cho gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công: Đạo lý của người Việt

KTNT - Trong hành trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ của dân tộc ta đã ngã xuống,  hy sinh xương máu để bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Ghi nhớ công ơn, đền ơn đáp nghĩa những người đã hy sinh, những người đã mất một phần thân thể, máu xương cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và sự thịnh vượng của Tổ quốc đã trở thành đạo lý của người Việt bao đời nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ngọ (TP. Bà Rịa - Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu).Ảnh: Quang Hiếu

Ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, người có công với nước được người Việt từ bao đời nay thực hiện. Đó là những đền thờ các vị anh hùng có công với làng, với nước. Đó là những lễ hội tưởng nhớ công lao người anh hùng của làng, của nước. Ở Việt Nam ta hàng năm có gần 8.000 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử… Các hoạt động tại lễ hội giúp thế hệ sau nhớ về nguồn cội, vun đắp truyền thống, khí phách và nét đẹp cuộc sống cho thế hệ đương thời.

Thấm nhuần đạo lý tổ tiên, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu tháng 7 năm 1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập. Sau đó, theo đề nghị của Chính trị Cục quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Vận động nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm Ngày Thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

70 năm qua, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cả hệ thống chính trị và mọi người Việt Nam thực hiện nhằm tưởng nhớ những người con của dân tộc đã không sợ hy sinh để bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn của Tổ quốc, sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Họ chết để Tổ quốc sống mãi, trường tồn mãi mãi.

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với đất nước. Chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo từng thời kỳ cách mạng và theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội.

Cùng với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhân dân cả nước đã có nhiều sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tưởng nhớ, vinh danh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với nước và chăm lo tới thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình người có công. Đó là, tổ chức cho các cháu học sinh đến dâng hương, tưởng niệm, làm vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ và nghe kể về những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ. Đó là, hỗ trợ xây dựng VAC tình nghĩa với sự tham gia lao động của các cháu học sinh đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng khó khăn về lao động. Đó là, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, nuôi con, cháu liệt sĩ, thương binh, người có công ăn học. Đó là thăm nom, giúp đỡ, trợ giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công. Đó là những đại lễ dâng hương, tưởng niệm, thắp nến tri ân và cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ. Đó là, xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đó là, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin để trả lại tên cho những liệt sĩ chưa rõ tên. Đó là, chăm sóc tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ… Còn nhiều, rất nhiều việc làm sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực với thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công mà trong bài viết ngắn này không thể đề cập hết.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mong rằng, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân tiếp tục có nhiều việc làm thiết thực trong việc tri ân, chăm lo thân nhân liệt sĩ, thương binh và gia đình người có công gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó không chỉ là truyền thống đạo lý mà còn là trách nhiệm xã hội của mọi người dân Việt Nam ở mọi thế hệ.

Thanh Hiền

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top