Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 10 năm 2021 | 13:36

Chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Nhiều trang trại nuôi lợn mới hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cuộc sống đảo lộn

Thời gian vừa qua, người dân các thôn Giàng Vìn (xã Trí Nang), Chiềng Nang (xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) ) kêu trời vì tình trạng nhiều trại lợn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là vào thời điểm nắng to hoặc trời mưa.

Một người dân thôn Chiềng Nang nói rằng: “Sống ở đây như kiểu trời đày. Mùi hôi thối bốc lên khiến cuộc sống chúng tôi đảo lộn hoàn toàn. Đóng kín cửa mà mùi hôi thối vẫn xộc vào. Bực nhất là lúc ăn cơm, bưng bát cơm lên mà không nuốt nổi vì mùi hôi thối”.

 

ttttttt2.jpg
Các trại lợn nằm dọc sườn núi.

 

Được biết, các trại lợn trên là của Công ty TNHH MTV chăn nuôi T.I.G.E.R và Công ty CP chăn nuôi RTD.

Khi nhận được rất nhiều phản ánh của người dân, Phòng TN-MT huyện Lang Chánh mới vào cuộc và có báo cáo vụ việc. Sở TN-MT Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra, phát hiện trại lợn của cả hai công ty gồm: Công ty TNHH MTV chăn nuôi T.I.G.E.R (đang nuôi 1.200 con lợn nái, công suất hơn 22.000 con/năm; diện tích dự án là hơn 60 ha); và Công ty CP chăn nuôi RTD (diện tích dự án rộng 140 ha; công suất chăn nuôi hơn 27.000 con/năm), hệ thống lưới chắn để giảm thiểu mùi hôi đặt ở phía sau các dãy chuồng lợn đều chưa hoàn chỉnh; khí sinh học từ hầm bioga chưa sử dụng hết, một phần đang được xả thải ra môi trường; khu vực kho chứa phân chưa được bao quây kín, dẫn đến gây mùi hôi…

Sở TN-MT kết luận các doanh nghiệp trên trong quá trình nuôi lợn đã gây ô nhiễm môi trường (mùi hôi thối) do chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý mùi, và chưa sử dụng các chế phẩm vi sinh để giảm thiểu mùi hôi. Việc bố trí chuồng trại trên cao nếu không có giải pháp xử lý mùi hôi triệt để, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi sẽ ảnh hưởng đến các khu dân cư lân cận.

Điều lạ lùng là kết luận của Sở TN-MT Thanh Hóa không kiến nghị xử lý hành chính các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, mà chỉ yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo vệ môi trường, đầu tư hoàn chỉnh công trình xử lý môi trường xong trước ngày 31/9.

 

Dân bức xúc lập barie rào đường

Hơn 10 ngày qua, người dân thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, Ba Vì, Hà Nội đã lập barie chặn không cho xe ra vào trại lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng bởi tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Trang trại chăn nuôi quy mô khoảng 4.000 con lợn của ông Nguyễn Xuân Dũng được xây dựng trên địa bàn thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, Ba Vì từ năm 2014. Đây là trang trại chăn nuôi gia công liên doanh giữa ông Dũng với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (trại Diệp).

Theo phản ánh của người dân trên địa bàn thôn Hương Canh, nhiều năm trước, trang trại chăn nuôi lợn của ông Dũng đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở xung quanh như xả thải chất thải ra con suối chảy vòng quanh xã, mùi hôi thối từ trại lợn phát tán ra dân làng xung quanh.

 

ttttt1.jpg
Đến sáng 7/10, barie rào chắn con đường ra vào trang trại lợn vẫn duy trì

 

Cao điểm là từ ngày 25/9 vừa qua, người dân thôn Hương Canh đã rào đường, lập barie ngăn không cho xe chở thức ăn chăn nuôi ra vào trại lợn. Nguyên nhân được nhiều người dân Hương Canh phản ánh, do từ ngày 25/9, người dân phát hiện trại Diệp đã xả một lượng lớn phân ra ngoài môi trường, theo dòng suối chảy vòng qua địa bàn 4 thôn (Hương Canh, Đồng Tôm, thôn Mít và thôn Bắt Còn Chèm), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Trước sự việc này, vào 18h30 tối 5/10, lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, UBND xã Khánh Thượng do ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện chủ trì đã có cuộc đối thoại với khoảng 100 người dân thôn Hương Canh và Đồng Sống để tìm ra giải pháp xử lý.

Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Hoàng, đại diện cho phần lớn các hộ dân phản ánh, gần 10 năm nay, kể từ khi trang trại lợn đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nguồn nước và không khí cho các hộ dân.

“Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều lần lên chính quyền xã, rằng cần phải có giải pháp xử lý ô nhiễm đối với trang trại lợn này hoặc là di dời nhưng đến nay không được trả lời. Chúng tôi ở đây vẫn sử dụng nước giếng khơi, nên việc xả thải từ trang trại ra con suối rồi ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân. Rồi nguồn nước sản xuất nông nghiệp lấy từ con suối này cũng không thể sử dụng được nữa do đã bị ô nhiễm nặng nề từ chất thải trang trại”- anh Dũng phản ánh.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Xuân Dũng, chủ trang trại lợn Diệp cho biết, trang trại của ông có quy mô 4.000 con lợn nhưng hiện tại chỉ đang nuôi khoảng 1.200 con gồm lợn nái và lợn giống.

“Sự việc xảy ra vào ngày 25/9 vừa qua chỉ là sự cố bục bể sinh học (bể chứa chất thải) nên mới gây ra việc chất thải ra ngoài môi trường khiến bà con bức xúc như vậy, chứ chúng tôi không cố tình xả thải chất thải chưa xử lý. Tương tự, vào ngày 30/9 trong khi chúng tôi đang khắc phục thì bể lại tiếp tục bị bục chứ không phải tôi lật kèo, không giữ lời hứa với bà con”- ông Dũng phân trần.

Đưa ra hướng xử lý, ông Dũng “xin” huyện Ba Vì và người dân thôn Hương Canh cho thời gian 45 ngày để xử lý bể sinh học, thuê đơn vị về môi trường để xử lý chất thải, mùi đến khi nào đạt theo yêu cầu mới thôi. “Nếu trong 45 ngày tôi không làm được, trại lợn vẫn xả nước bẩn, vẫn phát thải mùi hôi ra môi trường xung quanh tôi xin cam kết đóng cửa”- ông Dũng cam kết.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin, trang trại lợn của ông Dũng xả thải ra suối chảy dọc thôn Hương Canh và các thôn khác của xã Khánh Thượng gây ô nhiễm nên đã bị huyện ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 4/10, đồng thời yêu cầu từ ngày 6/10 trang trại phải chuyển bớt số đầu lợn tại đây để giảm ô nhiễm.

Buổi đối thoại diễn ra đến hơn 20h tối 5/10 nhưng giữa người dân thôn Hương Canh và chính quyền sở tại và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ai chịu trách nhiệm?

Việc các cơ quan chức năng không xử phạt hành chính hoặc "làm ngơ" trước các cơ sở gây ô nhiễm là điều đáng nghi ngờ. Rõ ràng, việc họ gây ô nhiễm là do chủ quan nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp răn đe.

Nhiều ý kiến người dân phản ánh chưa được các cấp quan tâm đúng mức, như việc những hộ dân ở gần các trại heo đề nghị được di chuyển nơi ở ra xa hơn. 

Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí là một trong những hành vi bị cấm.

Ngoài ra, sắp tới đây khi Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực thì sẽ cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi động vật làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường.

Luật sư Huy An cho hay, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan này sẽ trình Hội đồng nhân dân quyết định.

Luật sư này cho rằng, việc nuôi lợn trong khu dân cư mà không có các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại… rất dễ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, tổ chức cá nhân khi gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho người khác phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Theo đó, Điều 603 Bộ luật Dân sự hiện nay nêu rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Lúc này, việc nuôi lợn khiến không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân xung quanh thì chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường.

Mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất… và tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới các cơ quan ban ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi heo nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại nuôi heo đã đi vào hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tham mưu đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Kiểm tra đôn đốc các cơ sở chăn nuôi heo phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường; các cơ sở chăn nuôi mới đầu tư trước khi hoạt động chính thức phải được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top