Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2017 | 2:23

Chàng thương binh với mối tình vượt qua số phận

Cũng như bao thanh niên trong làng, tháng 10/1963, ông Trần Xuân Đàm (SN 1937) đã tự nguyện lên đường nhập ngũ. Cô gái Phạm Thị An là công nhân viên nhà trẻ xí nghiệp Đường - Rượu Linh Cảm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lúc đó vừa tròn 20 tuổi, đẹp người đẹp nết đem lòng thương anh bộ đội hi sinh tuổi xuân và một phần xương máu vì Tổ quốc. Chuyện tình đẹp như mơ của ông bà đã khiến không ít người ngưỡng mộ.

Mối tình đẹp như mơ

Đến xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hỏi căn nhà cấp 4 của ông Đàm, ai ai cũng vui vẻ chỉ đường. Gặp ông vào một ngày đầu hạ, mặc dù đi lại rất khó khăn nhưng ông vẫn vui vẻ chia sẻ về cuộc đời mình. Trần Xuân Đàm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con. Thời còn trẻ, ông ôm ấp hoài bão được trở thành một người thầy dạy văn, nâng cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Tuy nhiên, lúc này đất nước chiến tranh, gác lại niềm riêng, ông tự nguyện vác ba lô lên đường nhập ngũ thuộc tiểu đoàn 5, sư đoàn 18, quân đoàn 35. Trước đó, gia đình đã nhắm một cô gái cho con trai của họ. Người con gái đó là bà Nguyễn Thị An, công nhân viên nhà trẻ xí nghiệp Đường - Rượu Linh Cảm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc đó, Nguyễn Thị An vừa tròn 20 tuổi, đẹp người đẹp nết đã đem lòng thương anh bộ đội vì quê hương lên đường ra chiến trường.

Chiến tranh ác liệt nên ít khi cô An nhận được thư của người yêu. Dù vậy, người con gái ấy vẫn một lòng chờ đợi người yêu, mong ngày được gặp lại.

Vợ chồng ông bà Đàm tại lễ mừng thọ

Tháng 3/1963, trong một trận chống càn của địch, ông Đàm bị thương nặng. Tháng 10/1968, ông được Nhà nước chứng nhận là thương binh hạng 2/4 và khen tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Hai, Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Hai và hạng Ba...

“Số phận lấy đi một chân nhưng đổi lại cho tôi một chuyện tình đẹp như cổ tích”, ông Đàm tâm sự. Trong những ngày ở chiến trường, ông đã mượn thơ văn để gửi đến cô gái tên An những tâm tư, tình cảm của mình. Sau khi bị tàn tật, nghĩ không biết cô gái tên An có còn yêu mình hay không nên nhiều lúc ông Đàm chỉ biết chỉ quanh quẩn trong nhà và thỉnh thoảng tiếp chuyện vài người bạn thân. Nhưng rồi với ý chí của một người lính, ông đã quyết tâm làm lại cuộc đời mình từ việc tập đi. Những tưởng đến cuối đời, cuộc sống của ông sẽ mãi chật hẹp như vậy. Thế nhưng, ngay cái khoảnh khắc cô gái An viết thư hỏi thăm và động viên, ông chợt cảm thấy đời mình sẽ thay đổi từ đây. Xúc động trước những sẻ chia chân thành của cô An, ông Đàm đã viết thư hồi âm. Sau ngày ấy, thư đi tin lại, tình cảm của hai người cứ lớn lên từng ngày. Khi thấy tình cảm đã chín muồi, ông Đàm đã “quyết định” ngỏ lời cầu hôn với bà An.

Tình yêu đẹp hơn khi sau 5 năm họ lần lượt có 4 người con. 2 trai 2 gái. Vượt qua rất nhiều khó khăn, trái gió trở trời, vết thương cũ hành hạ ông Đàm, cô An vẫn một mình chăm sóc chồng, con. Ngoài công việc là Chủ nhiệm nhà trẻ xí nghiệp, cô vẫn tăng gia sản xuất, làm ruộng, trồng rau và chăn nuôi. Mười năm liền đạt danh hiệu cá nhân xuất sắc, được đi dự Đại hội Công nhân xuất sắc của tỉnh Hà Tĩnh.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhờ tình thương yêu, sự kiên trì và chung thủy son sắt, tình yêu của họ đã vượt qua thời gian, 4 người con của họ đã khôn lớn, thành đạt và trở thành những người con có ích cho xã hội.

Mừng thọ

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017) và 28 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2017), những người con thành đạt ấy của ông bà tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi (thượng thọ thất tuần) cho mẹ là Phạm Thị An và bố Trần Xuân Đàm 80 tuổi (thượng thọ bát tuần) trong niềm vui của con cháu.

Anh Trần Xuân Thắng (vị trí thứ nhất tính từ trái sang, Cán bộ Công an TP. Hồ Chí Minh - con trai trưởng của ông bà Đàm) chia sẻ

Anh Trần Xuân Thắng (Cán bộ Công an TP. Hồ Chí Minh - con trai trưởng của ông bà Đàm) chia sẻ: “Lễ mừng thọ, sinh nhật để con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Lễ to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình có người sống thọ. Theo quan niệm của người xưa “Thọ” là một trong ngũ phúc, gồm “Khang, ninh, phúc, lộc, thọ”. Mừng thọ là truyền thống lễ hiếu, là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt xưa nay, răn dạy con cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng hiếu để, bổn phận ăn ở có trước có sau với ông bà, cha mẹ trong nhà và ra xã hội.

Việc tổ chức mừng thọ thể hiện và nhân lên nét đẹp văn hóa “kính già, trọng lão”, các nét đẹp của tục mừng thọ truyền thống vẫn được gìn giữ, trân trọng từ các làng xã, huyện thị ngoại thành cho đến thành phố. Ở ngoài Bắc những nhà có người cao tuổi vui mừng tổ chức lễ mừng thọ, tôn vinh, tri ân người cao tuổi. Nhà có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc, nên ngoài con cháu, chính quyền đoàn thể cũng trân trọng tổ chức mừng thọ cho các cụ già.

Đại tá công an Nguyễn Văn Hơn (đứng vị trí thứ hai tính từ phải sang)

Đại tá công an Nguyễn Văn Hơn xui gia của ông Đàm đọc bài thơ chúc mừng.

Mẹ là dòng sữa nuôi con

Cha là tấm lòng trung hậu sắt son một đời

Cha mẹ nuôi con lớn nên người

Lời ru nồng ấm ngọt ngào yêu thương

Dù con từng bước đến trường

Dạy con tình cảm quê hương đậm đà

Giữa lòng của mẹ bao la

Con nay khôn lớn vẫn là trẻ thơ

Minh Tuấn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top