Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2017 | 2:16

Chàng trai 9X quyết tâm làm giàu với cây thanh long ruột đỏ

Về thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vào ngày cuối thu, chúng tôi bị níu giữ bởi sắc đỏ đẹp mắt của những quả thanh long ruột đỏ đang độ thu hoạch. Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn khi phát hiện ra rằng, chủ khu vườn rộng hơn 1ha hút hồn du khách là một thanh niên còn rất trẻ.

Anh Dũng bên những cây thanh long ruột đỏ của mình.

Sinh năm 1991 trong một gia đình thuần nông, bản thân Nguyễn Tiến Dũng chăm chỉ học hành và cố gắng thi đậu vào Trường Đại học Khoa học Huế với niềm tin cuộc đời sẽ khá hơn. Nhưng sau 2 năm theo học, Dũng nhận thấy đại học không phải là con đường duy nhất có thể làm giàu nên quyết định nghỉ học, chuyển hướng qua tập tành kinh doanh buôn gỗ, bán hàng đa cấp,… Sau 1 năm, do chưa có kinh nghiệm cùng với sự nóng vội, Dũng thua lỗ hết số vốn 300 triệu đồng vay của ngân hàng và người thân. Thế là với hai bàn tay trắng, năm 2013, Dũng về quê làm lại từ đầu.

Ngày đêm trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để có thể thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, Dũng tự mình tìm hiểu nhiều về các loại giống cây trồng, vật nuôi có thể thích hợp với vùng đồi núi, trong đó anh đặc biệt chú ý đến cây thanh long ruột đỏ. Thanh long ruột đỏ là loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác vùng đồi núi, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cuối cùng, Dũng quyết định thử vận may với cây thanh long ruột đỏ - giống cây mới mà ở Hương Sơn khi đó chưa ai trồng.

Mặc dù xác định được hướng làm ăn mới cho mình nhưng khó khăn khác lại đến với Dũng khi không còn tiền và cũng không thể vay mượn ai do nợ trước chưa trả. Còn chiếc xe máy là tài sản duy nhất, Dũng đành mang bán được 25 triệu đồng, lấy tiền mua cây giống.

Với số vốn ít ỏi, Dũng xác định lấy công làm lãi, ngày đi phụ hồ, tối về đổ trụ trồng cây. Trong năm đầu thử nghiệm, Dũng trồng được 200 trụ thanh long ruột đỏ. Sau 18 tháng xuống giống (tháng 4/2013), vườn thanh long ruột đỏ Dũng mong đợi đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Bình quân mỗi gốc cho 4-5 quả, trung bình mỗi quả nặng 0,35 kg. Vụ thu hoạch ấy, Dũng hái được 1 tấn quả. Với giá bán 30.000 đồng/kg, anh thu về 30 triệu đồng. Dũng nhận thấy đây là loại cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón gốc bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng là cây phát triển tốt. Bên cạnh đó, thanh long ruột đỏ chất lượng cao, vỏ dày nên vận chuyển được đi xa. Dũng phấn khởi lắm và tin tưởng mình đã lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu khô nóng quê nhà. Từ đó Dũng quyết định sẽ tiếp tục đầu tư vào giống cây này.

Vì là giống mới, trồng đầu tiên trên địa bàn huyện Hương Sơn nên song song với việc mở rộng diện tích, Dũng cũng bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Dũng đã trực tiếp mang sản phẩm của vườn mình đến từng cửa hàng hoa quả, chợ đầu mối trong tỉnh chào hàng. Nhờ chất lượng quả ngon ngọt, giá cả phải chăng, giá trị dinh dưỡng gấp đôi so với thanh long ruột trắng nên các cửa hàng đã đồng ý sẽ thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ của Dũng.

Nối tiếp thành công từ vụ đầu tiên, từ năm 2014 đến năm 2017, Dũng phát triển nhanh cả về diện tích cũng như thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ của mình. Từ 0,2ha ban đầu, Dũng tăng lên 1ha tại vườn nhà và mở rộng “tầm phủ sóng” 5ha ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (4 vườn); xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn (2 vườn); xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (1 vườn). Tại các vườn này, Dũng ký hợp đồng cung cấp giống và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ của Dũng được mở rộng ra các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế.

Giờ đây, Dũng đã trở thành chủ trang trại thanh long ruột đỏ có tiếng, chuyên nhận tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống cây, quả cũng như tiêu thụ sản phẩm giúp nhà vườn. Bên cạnh đó, khi vào mùa thu hoạch, Dũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Tổng thu nhập từ trang trại, theo Dũng nhẩm tính, khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi 300 triệu đồng.

Nói về dự định trong tương lai, Dũng cho biết, sang năm 2018, anh sẽ thực hiện và chăm sóc vườn thanh long theo kỹ thuật VietGAP để sản phẩm có thể tiêu thụ ở các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn. Ngoài ra, Dũng còn đang tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long vào chậu cảnh để làm sao quả chín vào đúng dịp Tết âm lịch, giúp nâng giá trị của cây thanh long ruột đỏ.

Không ngại khó, không ngại khổ, cộng với sự sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, Dũng đã thành công với việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên chính mảnh đất quê hương. Giờ đây, ngoài trả hết số nợ nần ngày trước, Dũng đã xây được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm thêm đồ đạc tiện nghi trong gia đình. Quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương ngày nào của Dũng giờ đây đã trở thành hiện thực.

Hoàng Thị Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top