Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 4 năm 2015 | 10:56

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân: Gói 30.000 tỷ đồng khó cán đích như kỳ vọng

Thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh đang ấm dần khi nhiều dự án được bung hàng ngay trong quý 1/2015. Tuy nhiên, đằng sau sự khởi sắc vẫn còn không ít vấn đề đáng quan ngại. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS.Lê Bá Chí Nhân.

Ông có thể cho biết quan điểm của ông về thị trường bất động sản năm 2015?

Thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của nhiều phân khúc. Đặc biệt là tác động từ Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 hứa hẹn sẽ tạo ra cú “hích” cho phân khúc này “ấm” trở lại. Phân khúc đất nền dự án, căn hộ chung cư tầm trung/thấp chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng cao nhờ sự đột phá về đầu tư vào các vùng ven đô, lân cận TP. Hồ Chí Minh là chủ yếu và các gói hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sự chuyển dịch từ nội thành ra các vùng ven đô, giáp ranh TP. Hồ Chí Minh của phân khúc đất nền, chung cư giá rẻ là xu hướng chung của thị trường bất động sản (BĐS) của năm 2015.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân.

Con số nào cho thấy sự hồi phục của thị trường, thưa ông?

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 1.400 giao dịch thành công trong tháng 3, tăng gần 30% so với tháng 2. Trong cả quý 1/2015, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 3.950 giao dịch thành công, gấp 3 lần số lượng giao dịch thành công so cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nam, tính tới ngày 20/3, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 70.703 tỷ đồng, so với quý 1/2013 đã giảm 57.845 tỷ đồng và tính đến 31/1, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đạt 316.578 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2014, tăng 20,7% so với thời điểm 31/12/2013 và tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 1/2015 còn 5,94%

Tuy nhiên, thị trường “ấm” lên là nhờ các dự án đất nền, căn hộ chung cư giá rẻ được người dân quan tâm, chủ đầu tư các dự án liên tục tung ra thị trường sản phẩm mới vùng ven nội đô, để tạo ra lợi thế đón đầu thị trường đã làm cho nguồn cung đủ để BĐS ven đô “sốt”. Trước đây, các dự án chung cư được đánh giá cao hơn các dự án đất nền về lượng mua bởi nhiều lý do, nhưng cơ bản nhất vẫn là do giá thành và vị trí là sự quyết định.

Mặt khác, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói 30.000 tỷ đồng, ngoài ra gói hỗ trợ mới 50.000 tỷ đồng cũng được triển khai đã làm cho thị trường chứng kiến sự “sống lại” của rất nhiều dự án “chết”. Nhiều dự án mới xuất hiện, nhất là phân khúc căn hộ trung cấp và đất nền dự án.

Các dự án nằm trong gói 30.000 tỷ như dự án Hưng Ngân Garden vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của thị trường.

Thưa ông, còn về phía ngân hàng, có tác động gì đến thị trường không?

Mặc dù còn có nhiều ý kiến cho rằng các gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, 50.000 tỷ đồng chưa mang lại hiệu quả thiết thực nhưng không thể phủ nhận các gói hỗ trợ này đã góp phần giúp cho thị trường BĐS ấm lại, nhiều người dân thu nhập thấp đã có nhà ở. Vấn đề là làm sao để tăng tiến độ giải ngân và hạ lãi suất các gói hỗ trợ để đến đúng đích…

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 25/02/2015 các ngân hàng đã cam kết cho vay 10.796 tỷ đồng (khoảng 36%), tổng dư nợ là 6.187 tỷ đồng (khoảng 20%).

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, tốc độ giải ngân của các ngân hàng vẫn còn chậm. Tuy đã có 15 ngân hàng cam kết cho vay (Eximbank, BaoViet Bank, SCB, PVcomBank, OCB, VPBank, SeABank, SHB, NamABank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và MHB) nhưng để tăng tốc giải ngân còn thời hạn một năm (đến tháng 6/2016) thì cần phải giải quyết nhiều vấn đề, cần sự “nhiệt tình” hơn từ phía các ngân hàng. Và chắc chắn, gói 30.000 tỷ đồng sẽ khó cán đích như kỳ vọng ban đầu.

Vậy khó khăn ở đây là gì, thưa ông?

Theo các ngân hàng, khó khăn trong việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phân khúc trung bình/thấp tại các địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng còn phụ thuộc vào tiến độ thi công cũng như khối lượng xây dựng của các dự án, nhiều dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay.

Về phía doanh nghiệp, ông có lời khuyên gì không?

Hiện tại, có một số doanh nghiệp BĐS chưa đi đúng hướng và quên rằng nhu cầu cầu thị của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường một cách cẩn trọng và luôn nhớ rằng bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có, có vậy giữa cung và cầu sẽ được gặp nhau.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Trần Đình Mai - Nguyễn Thắng (thực hiện)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top