Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2015 | 4:16

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

Ngày 25-12, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016.

Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách chỉ đạo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ và đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành của trung ương và địa phương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2015, các cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 70.870 vụ án (giảm 8,5% so với năm 2014). Trong khi đó, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội; tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng; xảy ra nhiều vụ vi phạm quy định về an toàn lao động, an toàn giao thông gây thiệt hại lớn về người, tài sản…

Cũng trong năm 2015, ngành Kiểm sát nhân dân giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 92,4% (tăng 0,35% so với năm 2014). Qua công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát các cấp đã yêu cầu khởi tố hơn 440 vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 25 vụ, hủy 46 quyết định không khởi tố vụ án, 72 quyết định khởi tố vụ án chưa đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, góp phần hạn chế oan sai và chống bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân cả nước trong năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014. Trong tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của ngành Kiểm sát nhân dân như: vẫn còn tình trạng chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm; phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do do hành vi của bị can chưa đủ cấu thành tội phạm; việc truy tố còn thiếu sót, dẫn đến phải hủy án để điều tra lại, Viện Kiểm sát truy tố, nhưng Tòa xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, vụ án kéo dài thời hạn giải quyết, còn để xảy ra một số trường hợp oan sai, chưa kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, một số cán bộ có sai phạm phải xử lý kỷ luật. Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần nghiêm túc, thẳng thắn phân tích kỹ những hạn chế, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.

Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát trong năm 2016 cần phải làm tốt hơn nữa những công việc của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là những chủ trương, đường lối về lĩnh vực tư pháp và về cải cách tư pháp; tổ chức quán triệt, triển khai thi hành luật, sớm đưa các nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đồng thời đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014. Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; không để xảy ra quá hạn tạm giữ, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không phạm tội; truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; ngăn chặn kịp thời những trường hợp lạm quyền, xâm phạm các quyền của công dân; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; khắc phục tình trạng để án tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết... 

Đồng thời, thông qua thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân phải tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... Đây là trách nhiệm chính trị lớn lao của Ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Quang Minh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top