Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 1 năm 2016 | 1:25

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện: Sức bật mới của Đồng Xuân

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong 5 năm trở lại đây, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân phát triển kinh tế, tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

Đường vào thị trấn La Hai.

Cũng như các huyện miền núi khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Đồng Xuân có hai loại cây trồng chủ lực là mía và sắn. Đó là cây trồng truyền thống của nhiều dân tộc anh em sinh sống hai bên lưu vực sông Cô và sông Kỳ Lộ. Thế mạnh ấy càng được nhân lên gấp bội cả trong ý thức và trong đời sống vật chất của bà con, trên cơ sở nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập. Bởi lẽ, đứng chân trên địa bàn huyện Đồng Xuân có hai nhà máy chế biến đường và sản xuất tinh bột sắn, công suất lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình CNH - HĐN nông nghiệp, nông thôn. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng, đặc biệt là hai loại cây chủ lực mía và sắn, chẳng những giúp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn mở rộng vùng chuyên canh lên trên 10.000ha cung cấp nguyên liệu cho hai nhà máy.

Sự phát triển của hai loại cây trồng chủ lực nói trên, cùng với cây lương thực có hạt (sản lượng trên dưới 23.500 tấn/năm) đã giúp Đồng Xuân đáp ứng đủ nhu cầu lương thực tại chỗ. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện trong giai đoạn 2010-2015 đạt 15,27%; trong đó nông - lâm - thủy sản 4,51%; công nghiệp - xây dựng 26,23%; dịch vụ 21,42%. Kinh tế nông, lâm nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; từng bước mở rộng vành đai sản xuất hàng hóa. Ngành trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp có sự chuyển dịch đúng hướng.

Bên cạnh thế mạnh trên, Đồng Xuân còn có lợi thế về rừng và đất rừng (chiếm 1/5 diện tích rừng và đất rừng toàn tỉnh), đã có nhiều nhà đầu tư xin cấp đất trồng rừng theo dự án. Nắm được lợi thế này, từ nhiều năm nay, Tập đoàn Bình Nam (Bình Định) đã có sự đầu tư đáng kể trong việc thực hiện dự án trồng rừng ở Đồng Xuân. Giai đoạn 2010-2015, Bình Nam là đơn vị tiên phong, cùng với nhiều tổ chức, cá nhân đã trồng được trên 14.500ha rừng tập trung, đưa diện tích có rừng tại Đồng Xuân lên 37.000ha, chiếm gần 1/3 tổng diện tích tự nhiên toàn huyện (hơn 106.866ha), độ che phủ đạt xấp xỉ 43% (độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 35,2%).

Trên cơ sở nền tảng của các thế mạnh, Đồng Xuân phấn đấu trong 5 năm tới (2016-2020) sẽ đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu: Thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/người hiện nay lên 40 triệu đồng/người vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 7.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư do ngân sách địa phương quản lý 500 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 - 4,5%/năm, riêng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6%. Giải quyết việc làm cho 12.000 lao động và đào tạo nghề cho 2.700 lao động. Đến năm 2020, 60% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; độ che phủ rừng đạt 47%, trên cơ sở trồng mới 18.000-20.000ha rừng, khoanh nuôi phục hồi 4.000ha và trồng 5 triệu cây phân tán; 98% dân cư vùng nông thôn được dùng nước sạch.

Để đạt được những mục tiêu cơ bản nói trên, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, đưa thị trấn La Hai đạt đô thị loại 4 vào năm 2020; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... Cùng với việc tạo điều kiện cho nhà máy đường, nhà máy sắn nâng công suất thiết bị, Đồng Xuân tạo mọi thuận lợi cho Tập đoàn Bình Nam sớm đưa khu liên hợp chế biến lâm sản tại xã Xuân Lãnh đi vào hoạt động.

Đó là những giải pháp lớn nhằm thu hút các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, trồng rừng với quy mô lớn, tạo việc làm cho người lao động, chung sức đưa Đồng Xuân phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Phi Công

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top