Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2016 | 9:30

Đắk Lắk: Gồng mình chống hạn

Lượng dòng chảy trong năm thiếu hụt khá lớn, đặc biệt trong mùa khô đầu năm 2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước phục vụ tưới cũng như sinh hoạt trong mùa khô của nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh về tình hình hạn hán và giải pháp phòng, chống hạn của địa phương.

Nguồn nước phục vụ tưới và chống hạn trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

So với trung bình nhiều năm, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh hiện duy trì mức rất thấp, lượng dòng chảy so với trung bình nhiều năm thiếu hụt phổ biến từ 50-70%. Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, dòng chảy các sông suối từ đầu năm 2016 chỉ đạt khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm 2015. Các suối nhỏ trên địa bàn các huyện như Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar,... đã bị cạn kiệt, không còn dòng chảy. Nguồn nước ngầm, mực nước giảm sâu và lưu lượng nhỏ. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3-6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn.

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc phỏng vấn ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk về tình hình hạn hán và giải pháp phòng, chống hạn của địa phương

Toàn tỉnh có tổng số 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm 599 hồ chứa, 56 trạm bơm, 115 đập dâng. Hiện, các đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế, nhiều đập dâng trên suối nhỏ không hoạt động được do dòng chảy trên các suối giảm mạnh hoặc khô cạn. Dung tích các hồ chứa giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới. Các hồ chứa nhỏ đã cạn kiệt (37 hồ hết nước). Các trạm bơm do mực nước sông xuống thấp nên cũng ảnh hưởng đến công suất phục vụ tưới. Dự kiến đến cuối tháng 3//2016, các hồ chứa nhỏ (khoảng 250 hồ) bị khô cạn và nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới; nhiều vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.

Thưa ông, lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân?

Vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có gần 273.000ha cây trồng cần tưới nước. Trong đó, cây trồng ngắn ngày 46.000ha (trong đó lúa nước 32.903ha, ngô 3.309ha và 9.800ha cây trồng khác); cây công nghiệp dài ngày khoảng 226.000ha (cà phê 203.000ha, tiêu 21.000ha, ca cao 2.000ha). Số diện tích cây trồng ngắn ngày đã thu hoạch khoảng 1.300ha, trong đó có trên 600ha lúa.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 189ha lúa nước ở vùng cuối nguồn của các công trình nhỏ bị thiếu nước bị hạn, số còn lại nhìn chung cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới; 755ha càphê bị hạn ở những vùng khó khăn nguồn nước (tưới từ giếng hoặc suối nhỏ, hồ chứa nhỏ bị thiếu nước tưới đợt 3). Số diện tích khác phổ biến đang tưới đợt 3. Những vùng có nguồn nước hạn chế (sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm, nước các hồ chứa nhỏ và suối nhỏ như Ea Hleo, Cư Mgar, Buôn Đôn, Krông Buk...) triển khai tưới đợt 3 vào cuối tháng 2/2016 bị thiếu nước do hồ cạn, suối không còn dòng chảy và lưu lượng nước ngầm nhỏ.

Đối với nước sinh hoạt, toàn tỉnh đã có khoảng 20.000 hộ dân trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar, Krông Bông, Krông Năng bị thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước xảy ra đối với các hộ sử dụng nước từ giếng đào, suối ở những vùng nghèo nước. Một số giếng khoan của công trình cấp nước tập trung cũng bị thiếu nước do lượng nước ngầm giảm nhanh.

Dự kiến vụ đông xuân năm 2015-2016, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 70.000ha cây trồng bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích càphê ở những vùng hiếm nước và một số diện tích lúa nước khu vực cuối nguồn của các công trình thủy lợi hoặc khu tưới của các hồ chứa nhỏ bị khô cạn sớm; số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt khoảng 25.000 hộ.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk sẽ làm gì để phòng, chống hạn trong thời gian tới?

Do ảnh hưởng của El Nino đang tiếp tục hoạt động mạnh, dự báo mùa khô năm 2016 sẽ kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Nguồn nước hiện có rất hạn chế và đang giảm nhanh trong quá trình khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Dự kiến đến cuối tháng 3/2016, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt và công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước.

Trên cơ sở thông tin dự báo, thực hiện chỉ thị của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống hạn hán, đối phó với ảnh hưởng của El Nino, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động tăng cường các giải pháp phòng và chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

Theo đó, đối với các hồ chứa, cần đảm bảo điều kiện an toàn chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ; nạo vét các tuyến kênh dẫn, các cửa vào của cống lấy nước khơi thông dòng chảy, đắp các đập tạm để giữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối và từ dung tích chết của hồ, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar…; đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm; bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình có nguồn nước dư thừa hỗ trợ cho những công trình không đủ nước.

Ngành chức năng và các địa phương cần khuyến cáo nhân dân chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi số diện tích lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng cây trồng cạn, thực hiện tủ gốc hoặc phủ màng nilon hạn chế bốc hơi…

Hiện các suối nhỏ trên địa bàn các huyện như Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar đã bị cạn kiệt phổ biến không còn dòng chảy

Việc thực hiện các giải pháp nêu trên có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Mặc dù công tác phòng chống hạn đã được UBND tỉnh chỉ đạo sớm, kịp thời, các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp có hiệu quả nhằm đối phó với tình hình khô hạn bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và với đặc thù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là diện tích cây công nghiệp dài ngày nên công tác phòng, chống hạn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và màu. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng cây càphê và hồ tiêu khá lớn, phần diện tích này không thể điều chỉnh theo thời vụ, do đó khi thời tiết bất lợi xảy ra đã gây thiệt hại lớn về kinh tế.

 Thêm vào đó, vì một số khu vực chưa có công trình thuỷ lợi hoặc công trình bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo năng lực thiết kế nên công tác chống hạn gặp khó khăn do không có nguồn nước. Vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm cũng chưa được quan tâm, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa dẫn đến một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước lãng phí. Kinh phí hỗ trợ chống hạn chưa được bố trí kịp thời và quá ít so với nhu cầu thực tế…

Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp nhu cầu kinh phí chống hạn hơn 165 tỉ đồng, vượt định mức trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ để thực hiện chống hạn kịp thời.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Với đặc thù khí hậu 2 mùa, mùa khô thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân hàng năm, để phát triển sản xuất bền vững trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Chính phủ đầu tư các dự án hỗ trợ trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để đảm bảo nguồn sinh thuỷ và chống bồi lắng lòng hồ; đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu chính sách đầu tư áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Anh Thi (thực hiện)

Hỗ trợ 34 địa phương khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 523,7 tỷ đồng cho 34 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2015 - 2016.

34 địa phương được hỗ trợ gồm: Hà Giang 17,3 tỷ đồng; Tuyên Quang 12,8 tỷ đồng; Cao Bằng 4,8 tỷ đồng; Lạng Sơn 16,8 tỷ đồng; Yên Bái 17,7 tỷ đồng; Thái Nguyên 18,7 tỷ đồng; Bắc Kạn 16,1 tỷ đồng; Bắc Giang 15 tỷ đồng; Hòa Bình 16,2 tỷ đồng; Điện Biên 13,1 tỷ đồng; Quảng Ninh 12,5 tỷ đồng; Hải Dương 20,4 tỷ đồng; Hưng Yên 14,1 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 9,7 tỷ đồng; Bắc Ninh 5,1 tỷ đồng; Hà Nam 20,7 tỷ đồng; Nam Định 21,2 tỷ đồng; Ninh Bình 20,8 tỷ đồng; Thái Bình 17,5 tỷ đồng; Quảng Bình 8,4 tỷ đồng; Quảng Trị 19,6 tỷ đồng; Quảng Nam 12,8 tỷ đồng; Bình Thuận 21,9 tỷ đồng; Kon Tum 17,6 tỷ đồng; Bình Phước 14,9 tỷ đồng; Bến Tre 14,2 tỷ đồng; Trà Vinh 13,3 tỷ đồng; Vĩnh Long 20,4 tỷ đồng; Sóc Trăng 10,8 tỷ đồng; An Giang 15,6 tỷ đồng; Đồng Tháp 18,2 tỷ đồng; Kiên Giang 16,5 tỷ đồng; Bạc Liêu 11,1 tỷ đồng; Cà Mau 17,9 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh: Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè thu năm 2015.

Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này sẽ kéo dài tới tháng 6/2016. Vì vậy, cần phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng là giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top