Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 7 năm 2018 | 15:48

Đắk Lắk: Tiêu hủy 2 sào cần sa trong rẫy cà phê

Phát hiện hơn 2 sào cần sa trong rẫy vắng; bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty Việt Minh vì vận chuyển gỗ lậu; báo động rối loạn tâm thần do nghiện game là tin tuần qua ở Tây Nguyên.

Trồng cần sa trái phép trong rẫy cà phê

Chiều 28/7, Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã nhổ bỏ diện tích lớn cây cần sa trồng trái phép trong một rẫy cà phê ở buôn A ring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.

 

l-23.jpg

Cần sa được trồng trong rẫy vắng, che khuất trong cà phê

 

Số cây cần sa trên gồm 281 cây, cao từ 1,2-2m được trồng trên diện tích khoảng 2.500m2 của ông Y Cin Niê (SN 1965), trú tại buôn A Ring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. 

Trước đó, ngày 26 - 7 khi lên thăm khu rẫy của mình đang cho người khác thuê, ông Y Cin Niê phát hiện có nhiều cây lạ được trồng ở giữa, còn xung quanh là ngô và cây muồng che chắn kín.

Sau đó, ông đã bứt một nắm lá về hỏi mọi người trong buôn, mới biết đó là cây cần sa, nên đã báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Nhận tin báo, công an huyện Cư Mgar đã xác minh làm rõ trên diện tích 2.500m2 rẫy này có trồng 281 cây cần sa đã cao từ 1,2-2 m và cùng chính quyền địa phương nhổ bỏ toàn bộ số cây cần sa trên về xử lý.

Ông Y Cin Niê trình báo, từ tháng 6 - 2008 ông đã cho một người đàn ông tên Dương, trú tại thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thuê đất rẫy với thời hạn 15 năm để trồng cà phê và kể từ đó đến khi phát hiện sự việc, ông Y Cin không gặp lại ông Dương và cũng không đi lại thăm rẫy.

Hiện, công an huyện CưM”gar đang tìm người có tên Dương theo lời khai của ông Y Cin Niê để tiếp tục làm rõ vụ việc.

Gia Lai: Khởi tố, bắt tạm giam hành vi vận chuyển gỗ lậu

Chiều 27/7, Đại tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết, đơn vị vừa thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Cao Hùng- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Minh về hành vi “vận chuyển lâm sản trái phép”.

 

gl-go-lau-9.jpg

Tang vật vừa được khởi tố, bắt tạm giam Phó Giám đốc Hùng, Công ty TNHH một thành viên Việt Minh

 

Theo đó, ông Võ Cao Hùng bị bắt tạm giam để tiếp tục điều tra vụ việc liên quan “Xe tải chở gần 50m3 khối gỗ không rõ nguồn gốc” được Báo Gia Lai Điện tử phản ánh trước đó.

Qua điều tra, trong vụ việc vận chuyển hơn 50 m3 gỗ lậu, người trực tiếp liên quan trong các giấy tờ và thuê đơn vị vận chuyển gỗ từ huyện Ia Pa đi TP. Pleiku đều do ông Võ Cao Hùng thực hiện. 

Được biết, Công ty TNHH một thành viên Việt Minh được cấp giấy phép hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 5900532486, đăng ký lần đầu ngày 14-4-2009 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp, có địa chỉ tại trụ sở chính thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra ghi nhận xưởng chế biến, kinh doanh hoạt động tại Bôn Tơ Khế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa. 

Trước đó, trong quá trình vận chuyển 85 hộp gỗ Dổi, với khối lượng 44,583 m3 thuộc nhóm 3 từ Công ty TNHH một thành viên Việt Minh, huyện Ia Pa qua địa bàn huyện Kông Chro, người điều khiển chiếc xe tải kéo theo rơ-mooc chở đầy gỗ bị lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện tiến hành kiểm tra và phát hiện các dấu hiệu nghi vấn và phối hợp lực lượng Kiểm lâm huyện tiến hành làm rõ. 

Đăk Lắk: Báo động tình trạng rối loạn tâm thần do nghiện game online

Mặc dù chỉ là trò chơi giải trí đơn thuần, thế nhưng game online lại gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người chơi bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc dẫn đến mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần. Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đăk Lắc cảnh báo: rối loạn tâm thần do nghiện game online là bệnh khó chữa trị nhất trong các chứng rối loạn tâm thần. 

Những người nghiện game online đều có chung triệu chứng, như: sao nhãng các thú vui, chán ghét mọi thứ, có biến đổi lớn về tâm lý, lâu dần sẽ bị hoang tưởng, loạn thần. Trường hợp của bệnh nhân L.V.P. là một ví dụ. Đã gần nửa tháng sau khi nhập viện điều trị chứng loạn thần do nghiện game online, bệnh nhân L.V.P (sinh năm 1997, ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) vẫn còn tình trạng ảo giác, chưa thể tỉnh táo để trở về với gia đình.

Bắt đầu chơi game online từ khi học lớp 5, sau đó lực học của P. ngày càng sa sút, đến khi lên lớp 11 thì P. hầu như không chú tâm học hành mà dành toàn bộ thời gian để chơi game.

Đến năm lớp 12, P. thường có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác giống như một người mắc bệnh tâm thần nên gia đình đưa đến bệnh viện để điều trị. Điều trị được thời gian, thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, P. lại tiếp tục chơi game online khiến bệnh tái phát nặng hơn.

Bác sỹ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa Động kinh - nghiện chất - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk cho biết: “Hiện, tình trạng bệnh của P. rất khó điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân sử dụng game online quá nhiều, thời gian quá lâu, sự hoang tưởng ảo giác đã ngấm vào thần kinh quá lớn khiến bệnh dễ tái phát. Khi gia đình đưa bệnh nhân vào nhập viện, bệnh nhân luôn trong tình trạng lầm lì, khó tiếp xúc, chống đối”.

 

l-gem-9992.jpg

 Bệnh nhân (trái) đang điều trị rối loạn tâm thần do nghiện game online tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk.

 

Theo bác sĩ Duyên, nghiện game online cũng giống như nghiện ma túy, nếu càng cấm, trẻ càng tìm cách để chơi. Và khi cơn “nghiện” nổi lên trẻ sẽ không kiềm chế được. Ở mức độ nhẹ thì bỏ ăn uống, học hành sa sút, nặng hơn thì cáu bẳn, hay sinh sự, kích động, quậy phá, đánh đấm lung tung, cao hơn nữa là loạn thần, bị ảo giác chi phối.

Đơn cử, vừa qua Khoa Động kinh - nghiện chất - vật lý trị liệu - phục hồi chức năng đã tiếp nhận một bệnh nhân bị rối loạn ý thức và hành vi từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Bệnh nhân này thường xuyên bị kích động, quậy phá, xách dao đi chém người, buộc gia đình phải nhốt trong nhà.

Trước đó, bệnh nhân có khoảng thời gian dài chơi game online hành động, đóng vai nhân vật trong phim đi bắn giết đối phương. Sau đó, người nhà phát hiện bệnh nhân có biểu hiện khác thường, hay đứng đánh, đá một mình nên đưa vào bệnh viện điều trị.

Bác sĩ Duyên nhấn mạnh: Rối loạn tâm thần do nghiện game online là một bệnh rất khó điều trị, đặc biệt khó phục hồi thói quen, tâm lý và nhân cách của người bệnh. Để điều trị nghiện game hiệu quả, cách tốt nhất cần phải thay đổi, cách ly môi trường game online, không cho bệnh nhân tiếp cận với các phương tiện chơi game online, như: máy tính, điện thoại, Ipad… bởi bệnh rất dễ tái phát nếu bệnh nhân lại sa đà vào chơi game và khi đó việc điều trị sẽ nan giải hơn rất nhiều, thậm chí tâm thần không thể hồi phục.

Đối với những gia đình đang có con chơi game online, nếu phát hiện có những dấu hiệu như: lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai… thì nên đưa ngay đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị sớm, bởi khám muộn sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị.

Để hạn chế tình trạng nghiện game online, gia đình, nhà trường cần quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy chế quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ game online, để các em không bị hủy hoại tương lai, vì những trò chơi tưởng như vô hại đó.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top