Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 1 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2019 | 0:56

ĐBSCL: Chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ làm mất đất, mất nhà, thiệt hại tài sản, sạt lở còn đe dọa đến cả tính mạng người dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau các địa phương đang nâng cao tính cảnh báo để ứng phó.

các-chiến-sỹ-sử-dụng-bao-cát-để-gia-cố-chân-đê-biển-gò-công-tỉnh-tiền-giang-năm-2018-ảnh-nam-thái-ttxvn.jpg

 Các chiến sỹ sử dụng bao cát để gia cố chân đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang năm 2018. (Ảnh Nam Thái)

 

Tiềm ẩn nguy cơ thiên tai

Theo nhận định của các cơ quan chức năng đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long chỉ ở mức dưới báo động 2. Với mức báo động này về cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất.

Tuy nhiên, các khu vực chịu ảnh hưởng cả lũ và triều cường cần đề phòng và có giải pháp gia cố các bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất. Trước thực trạng trên, các địa phương tiến hành rà soát các tuyến đê bao xung yếu, từ đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, khu vực Nam Bộ, ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Hiện nay các nước thượng nguồn sông Mê Công xây dựng đập thủy điện đang tạo ra những hệ lụy khó lường như làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Các đập này xả lũ nhiều, cùng với lượng mưa lớn có thể khiến mực nước ĐBSCL lên nhanh.  

Cùng với đó, việc các địa phương đầu nguồn lũ xây dựng hệ thống đê bao sản xuất lúa 3 vụ/năm đã khiến nước lũ dồn về hạ nguồn, cùng với triều cường phá vỡ hàng loạt tuyến đê bao ở các cồn trên sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua đang diễn biến khó lường.

Theo Đài KTTV khu vực Nam Bộ, qua số liệu thống kê cho thấy tác động của thủy triều biển Đông vào khu vực ĐBSCL ngày càng sâu hơn. Từ năm 2000-2018, dòng chảy trung bình từ biển qua Tân Châu tăng đến 54,66%; qua Châu Đốc tăng đến 53,49%...

Đặc biệt, những năm gần đây tình trạng đô thị hóa tăng lên, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và khả năng thoát nước trong các khu đô thị kém, càng gia tăng thêm tình trạng ngập. Đây là những tác nhân chính dẫn đến các đô thị ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ngập cục bộ trong mùa lũ.

Sạt lở nghiêm trọng

Báo cáo của BCH PCTT-TKCN TP Cần Thơ, tính đến cuối 6/2019, địa phương này đã xảy ra 14 vụ sạt lở tại 6 quận, huyện. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 300 m, ảnh hưởng đến 24 căn nhà, trong đó có 6 căn bị mất hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng.

hiện-trường-vụ-sạt-lở-trên-sông-ô-môn-mới-đây-ảnh-song-anh.jpg
Hiện trường vụ sạt lở trên sông Ô Môn mới đây (ảnh Song Anh) 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, khoảng 10 năm trở lại đây, vùng đất ở cuối vùng cực Nam của Tổ quốc đã mất khoảng 8.870 ha rừng ven biển dẫn đến nguy cơ vỡ đê biển Tây. Qua đó, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và đe dọa đến tính mạng của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.

Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở với chiều dài khoảng 57.000 m, nhiều đoạn xói lở gây nguy cơ vỡ đê. Đặc biệt, có 3 vị trí xói lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 7.800 m. Bờ biển Đông có chiều dài xói lở khoảng 48.000 m, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24.500 m.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết, trong tháng 6 này, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở bờ kênh xáng Tân An (thị xã Tân Châu) và trên rạch Cái Sắn (TP. Long Xuyên). Nếu tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ sạt lở, trong đó có 2 điểm sụt lún, nứt đường bờ và 6 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 467 m, làm mất 1.469 m2 đất, ảnh hưởng đến 9 căn nhà. Ước thiệt hại về đất và tài sản khoảng 2,5 tỉ đồng.

“Đài Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định xu thế thời tiết, thủy văn từ giữa tháng 7 đến tháng 9/2019, khu vực Nam Bộ và tỉnh An Giang tiếp tục có những diễn biến bất thường nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo là rất cao (nhất là các đoạn sông được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm). Hiện, An Giang đang tranh thủ nguồn vốn Trung ương và tạo cơ chế thu hút vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm tuyến dân cư cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm", ông Dũng chia sẻ.

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu, cho biết, thời điểm sạt lở tại các dòng sông ở Bạc Liêu thường xảy ra từ tháng 4 đến 7 dương lịch. Nguyên nhân xảy ra sạt lở là do dòng chảy sông Cà Mau - Bạc Liêu tập trung vào bờ bên phải khu vực dân cư. Khu vực này có khả năng đang xuất hiện cung trượt sâu và phần lớn các hộ dân xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông.

Theo PGS.TS Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam), nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL là do phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh so với trước nên đã làm mất cân bằng cả hệ thống ven sông và ven biển. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát diễn ra ở nhiều nơi, hành lang sông chưa được quản lý một cách chặt chẽ, tình trạng các công trình trên bờ sông và lưu lượng tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại đã làm cho tình trạng sạt lở trở lên trầm trọng.

Cảnh báo sớm

Dự báo lũ trên sông là nhiệm vụ trọng tâm của các đài KTTV khu vực cũng như đài KTTV các tỉnh trong mùa mưa lũ. Ngoài việc dự báo cho các trạm trên dòng sông chính, những năm gần đây các đài KTTV địa phương còn triển khai dự báo cho khu vực nội đồng, góp phần tích cực trong việc phát triển một cách bền vững trong khu vực.

Việc các tỉnh đầu nguồn như: Đồng Tháp, An Giang và ở hạ nguồn như Hậu Giang đều chủ trương giảm diện tích lúa vụ 3 được xem là định hướng đúng trong bối cảnh mùa lũ và triều cường ngày càng diễn biến khó lường.

 

nhiều-căn-nhà-ven-sông-cà-mau-bạc-liêu-vừa-bị-nuốt-ảnh-phúc-nguyên.jpg
Nhiều căn nhà ven sông Cà Mau bị nuốt (ảnh Phúc Nguyên) 

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết, hiện diện tích đê bao khép kín của tỉnh có 48.000ha. Nhưng diện tích lúa vụ 3 tới đây chỉ sản xuất khoảng 39.000ha để hạn chế những thiệt hại không đáng có do ngập lũ gây ra. Những năm gần đây, lũ về thường gây thiệt hại diện tích trồng mía của nông dân Phụng Hiệp. Hiện diện tích mía tại Phụng Hiệp đã được khoanh vùng trong vùng đê bao để tránh thiệt hại trong mùa lũ.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Hiện tượng mưa lũ lớn, dông, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới rất phức tạp. Việc các đài KTTV sớm đưa ra dự báo để các địa phương chủ động ứng phó là rất cần thiết.

Trước mùa mưa lũ đang đến, chính quyền địa phương cần rà soát, có biện pháp hỗ trợ người dân ở những vùng thường xuyên bị lũ uy hiếp là rất cần thiết. Từ đó, hạn chế thấp nhất khi xảy ra thiệt tại.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Tiếp sức người dân miền Tây vượt qua khó khăn mùa hạn mặn, Cty Tân Hiệp Phát phối hợp cùng Báo Công An TPHCM trao 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đến người dâncác vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

Top