Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 11:14

Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững ở Phú Yên

Phú Yên là một trong những “thủ phủ” nuôi tôm hùm của cả nước, với gần 89.000 lồng. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm phát triển “nóng” những năm gần đây đã phát sinh nhiều bất cập, đòi hỏi sớm có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo phát triển bền vững.

Đối mặt nhiều khó khăn

Tại Phú Yên, hoạt động nuôi tôm hùm lồng, bè tập trung ở các đầm, vịnh kín sóng gió như vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải và An Chấn (huyện Tuy An) và ở vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa).

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm đang đối mặt với nhiều khó khăn do vùng nuôi bị ô nhiễm, khan hiếm nguồn con giống, đầu ra tôm hùm thương phẩm chưa ổn định, giá cả bấp bênh.

Trước đây, giống tôm hùm thả nuôi chủ yếu từ khai thác tự nhiên tại địa phương, số lượng giống ít và tập trung một số thời điểm trong năm nên thời gian thả giống chỉ 1-2 vụ/năm. Thời gian gần đây, do nguồn tôm giống được nhập từ nước ngoài nên bà con thả nuôi quanh năm, chủ yếu là tôm hùm xanh, dẫn đến việc thay đổi cách thức thu hoạch. Cụ thể là, trước đây, bà con thu toàn bộ lồng và vệ sinh lồng sau khi thu hoạch nhưng nay thì thu hoạch theo hình thức thu tỉa thả bù, lồng nuôi không được vệ sinh định kỳ mà được sử dụng để nuôi liên tục.

Ông Nguyễn Minh Tâm nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh (TX. Sông Cầu) cho biết: Tôm hùm giúp người dân địa phương cải thiện đời sống. Nhưng gần đây, môi trường nhiều vùng nuôi không tốt dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi, làm người nuôi thiệt hại nặng.

 

2.jpg
Vùng nuôi tôm hùm ở TX.Sông Cầu được coi là “thủ phủ” nuôi tôm hùm Phú Yên.

 

“Sự gia tăng số hộ, mật độ lồng nuôi cũng như mật độ giống thả nuôi kéo theo sự gia tăng về lượng thức ăn tươi sống hàng ngày đổ xuống đầm, vịnh để cho tôm ăn cũng như lượng chất thải từ hoạt động nuôi (rác thải sinh hoạt, thức ăn thừa, phân, xác lột) dẫn đến quá tải về môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của đại đa số bà con vùng biển vẫn còn hạn chế. Tình trạng xả thải bừa bãi tại các vùng nuôi, các loại thức ăn thừa, chất thải sinh hoạt, bao bì đựng hóa chất, bao nylon các loại,… không được thu gom đưa vào bờ xử lý khá phổ biến. Hơn nữa, do hầu hết các địa phương chưa có dự án thu gom rác thải cho các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng, bè nên càng gây khó khăn cho việc quản lý chất thải ở các vùng nuôi”, bà Lê Thị Hằng Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Phú Yên cho biết.

Không chỉ đối diện với ô nhiễm,  nhiều hộ nuôi tôm hùm gặp khó  khi tôm đến lứa xuất bán lại mất giá và không có thương lái thu mua.

Giá tôm hùm đầu tháng 6 khá thấp, tôm hùm bông chỉ 900.000 đồng/kg, tôm hùm xanh 600.000 đồng/kg; giảm 300.000 - 600.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Ông Trần Văn Vương  (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) bộc bạch: Gia đình nuôi 1.000 con tôm hùm mà vẫn chưa bán được. Hiện với mức giá này, người nuôi thu hồi vốn là đã mừng rồi chứ không mong có lãi.

Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tôm hùm đang trong mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua, người dân không thể xuất bán được khiến tôm hùm giảm giá. Trong khi đó, phải duy trì cho tôm ăn hằng ngày nên chi phí càng ngày càng đội lên cao. Hầu hết hộ nuôi tôm hùm tại địa bàn thị xã Sông Cầu năm nay đều lỗ.

Sớm quy hoạch chi tiết

Theo bà Nga, Phú Yên đã có quy hoạch nuôi tôm hùm lồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã quy hoạch chi tiết vùng nuôi lồng, bè trên vịnh Xuân Đài (đã nghiệm thu sản phẩm). Tuy nhiên, do quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 nên các quy hoạch trên không còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở NTTS ở Phú Yên chưa được cấp giấy chứng nhận giao đất, giao, cho thuê mặt nước NTTS lồng, bè nên không đủ căn cứ để cấp mã số cơ sở NTTS cho đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi lồng, bè), trong khi đó đây là căn cứ quan trọng trong quản lý vùng nuôi và phục vụ truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu thủy sản nuôi theo đường chính ngạch, là quy định bắt buộc trong quản lý nhà nước về NTTS. Phát triển lồng bè tự phát của người dân gây khó khăn cho công tác quản lý.

 

Diễn ra ngày 30 - 31/7 tại Khu đô thị Vịnh Xuân Đài, Lễ hội tôm hùm lần đầu tiên được tổ chức sẽ là cơ hội để gắn kết chương trình hội thảo ứng dụng công nghệ blockchain và chuyển đổi số vào lĩnh vực nuôi tôm hùm do chuyên gia đầu ngành công nghệ blockchain đồng hành nghiên cứu và báo cáo nhằm định hướng nâng vị thế tôm hùm Phú Yên trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Việc sắp xếp lại các vùng nuôi theo quy hoạch, giải tỏa lượng lớn lồng, bè dôi dư so với quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến công ăn, việc làm và thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân; trong khi hầu hết người dân NTTS ven biển có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp khác để thay thế. Việc chuyển đổi từ nuôi lồng, bè trong vịnh kín ra biển hở đòi hỏi phải đầu tư vốn lớn, kỹ thuật quản lý nâng cao, lực lượng lao động chuyên nghiệp, tay nghề cao... Những điều này chưa sẵn có đối với các hộ dân Phú Yên.

Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững, đại diện Chi cục Thủy sản Phú Yên cho hay, giải pháp đặt ra là phải sắp xếp lại các vùng nuôi theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước của địa phương, xử lý các lồng, bè ngoài vùng quy hoạch. Các địa phương căn cứ theo quy định về Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản để lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khu vực biển… thực hiện cấp giấy chứng nhận giao đất, giao, cho thuê mặt nước NTTS lồng, bè để làm căn cứ việc cấp phép NTTS, nhất là đối với nuôi biển và nuôi đối tượng chủ lực; giải tỏa ao, đìa, lồng, bè NTTS tại các vị trí không đúng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, khu vực biển… hoặc chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

Tổ chức quản lý vùng nuôi theo hướng tự quản, thành lập và hỗ trợ hoạt động các tổ cộng đồng tại vùng nuôi nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nghĩa vụ gắn với các quyền lợi của người nuôi.

Tăng cường quản lý chất lượng nguồn giống và vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm hùm. Nghiên cứu sử dụng các loại thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi tôm hùm, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nuôi mới như nuôi bể trên bờ, nuôi lồng biển hở… để giảm thiểu tác động vùng vịnh, đầm, hạn chế rủi ro về dịch bệnh, môi trường, nâng cao hiệu quả nuôi. Tăng cường nhân lực quản lý thủy sản các cấp từ cấp xã đến tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, vận động kết hợp áp dụng các chế tài để xử lý các vi phạm trong NTTS.

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top