Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 15:32

Địa bàn chiến trường đại thắng quân xâm lược Tổng trên sông Như Nguyệt: Điểm du lịch nổi tiếng thời kinh tế toàn cầu

Để kỷ niệm và vinh danh chiến thắng vĩ đại của quân dân nhà Lý đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống trên chiến trường Như Nguyệt, 940 năm sau, năm 2017, Bắc Ninh đã đầu tư 254 tỷ đồng xây dựng Đền thờ Thái  úy Lý Thường Kiệt, nhà quân sự,chính trị thiên tài

t14.jpg
Đền thờ Thái  úy Lý Thường Kiệt, nhà quân sự, chính trị thiên tài.

 

Trận đánh lịch sử

Đầu năm 1077, quân Tống chia làm ba đường tiến đánh Đại Việt, đạo quân thứ nhất do Quách Quỳ dẫn trên 20 vạn quân từ Lạng Sơn tiến vào, đạo thứ hai do phó tướng Triệu Tiết dẫn 10 vạn quân từ Cao Bằng tiến sang. Đạo thủy binh thứ ba do Dương Tùng Tiên dẫn hơn 500 chiếc thuyền lớn cùng 20 vạn quân từ Quảng Đông tiến vào Bái Tử Long, Hạ Long qua cửa sông Bạch Đằng tiến sang nhằm hợp quân với Quách Quỳ, Triệu Tiết tiến vào Thăng Long. Các đạo quân của ta đóng giữ các cửa ải đều bị thất thủ. Quân Tống kéo tới đóng quân ở bờ bắc sông Cầu, chờ thủy binh cùng tiến.

Thủy quân nhà Lý do tướng Lý Ký Xuyên chỉ huy đã dùng 400 chiếc thuyền nhỏ bất ngờ xông vào tập kích tiêu diệt toàn bộ thủy quân Tống, khiến Quách Quỳ không có thuyền chở quân qua sông, y lồng lộn kêu lên: “Đại quân ta vượt vạn dặm, giờ đã đến sông Cầu, Thăng Long  chỉ còn cách 30 dặm (17km) chỉ vì vướng con sông mà không tiến được”.

Với nhận định: Tất cả mọi con đường từ phương Bắc muốn vào Thăng Long đều phải qua phòng tuyến sông Cầu. Vì vậy, phòng tuyến được Thái úy Lý Thường Kiệt - tổng chỉ huy quân đội Đại Việt cho xây dựng như một chiếc áo giáp khổng lồ để bảo vệ kinh thành Thăng Long và quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc-Đất phát tích của Vương triều Lý. Phòng tuyến kéo dài từ dãy núi Tam Đảo đến Lục đầu giang. Phòng tuyến là thành đất đắp cao 6m, có hào, chông tre ken nhau dày đặc.

Đoạn từ ngã ba sông Cà Lồ chảy vào sông Cầu tiếp giáp  Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang để vào làng Như Nguyệt là tuyến xung yếu nhất, dài 21 km. Chính tại mặt trận này, quân dân Đại Việt đã đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống, làm nên chiến thắng lẫy lừng Như Nguyệt. Tại chiến trường Như Nguyệt, Thái úy Lý Thường Kiệt đã viết và đọc bài thơ Nam quốc sơn hà  khẳng định: Sông núi nước Nam là của người Nam. Lũ giặc xâm phạm sẽ thất bại.

Sông núi nước Nam Đế Nam ở

Rành rành đã ghi ở sách trời

Lũ giặc cớ sao xâm phạm tới

Rồi bay sẽ chuốc lấy phần thua.

Bài thơ của ông được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Đại thắng quân xâm lược Tống trên chiến trường Như Nguyệt đã đưa Lý Thường Kiệt trở thành nhà quân sự thiên tài, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được nâng cao: Giỏi đánh phòng ngự, kết hợp với tư tưởng tiến công tiêu diệt địch bằng các binh chủng hợp thành của kỵ binh, bộ binh, thủy  binh, kết hợp thành công giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử dân tộc và thế giới: Bản tuyên ngôn độc lập được ra đời ngay trên mặt trận chiến đấu chống quân thù, buộc bọn xâm lược phải ký hòa ước đình chỉ chiến tranh, nhục nhã rút quân về nước. Đây cũng là trận đánh vĩ đại bảo vệ được kinh thành Thăng Long, đúng như các nhà quân sự trong nước và quốc tế đánh giá trận đại thắng quân xâm lược Tống trên chiến trường Như Nguyệt đáng được xếp ngang hàng với chiến công của hồng quân Liên Xô trong việc chặn đứng phát xít  Đức, bảo vệ Mạc Tư Khoa năm 1941. Ngày nay, chiến trường Như Nguyệt đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của người xứ Bắc thời kinh tế toàn cầu, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước thăm lại chiến trường xưa, thăm quê hương Quan họ tươi đẹp và mến khách.

Điểm du lịch nổi tiếng thời kinh tế toàn cầu

Để kỷ niệm và vinh danh chiến thắng vĩ đại của quân dân nhà Lý đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống trên chiến trường Như Nguyệt, 940 năm sau, năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư 254 tỷ đồng xây dựng Đền thờ Thái  úy Lý Thường Kiệt, nhà quân sự, chính trị thiên tài.

Đền thờ Lý Thường Kiệt tọa lạc trên cánh đồng Bờ Xác rộng 9ha thuộc thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nơi cách đây 943 năm, quân xâm lược Tống bị bại trận, thây xếp thành Bờ Xác, ngôi đền có linh khí thiêng liêng, rực rỡ, quy mô hoành tráng, bốn mùa tắm nắng mặt trời. Bên cạnh đền là nhà tả vu, hữu vu..., nổi bật trước đều là tượng đài Thái úy Lý Thường Kiệt oai phong lẫm liệt: Một tay đặt vào đốc kiếm, một tay giơ lên đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.

Lễ hội chiến thắng được tổ chức hàng năm vào ngày 18/2 (âm lịch). Sau khi vào đền thành kính thắp hương, hàng vạn du khách trong và ngoài nước tỏa ra bến đò Như Nguyệt, họ đứng dày đặc hai bên bờ sông cổ vũ nồng nhiệt cho cuộc đua thuyền Ngo, sau đó lại say mê nghe các liền anh, liền chị Quan họ hát đối đáp dưới thuyền vui tươi cùng nhau ăn những chiếc bánh tẻ, một thương hiệu nổi tiếng của xứ sở này từ ngàn xưa truyền lại và suy ngẫm về lịch sử bến sông này, cách đây gần 1.000 năm về trước đã xảy ra cuộc quyết chiến của quân dân nhà Lý đánh tan cuộc tấn công của quân xâm lược Tống.

Đi bách bộ một đoạn, du khách sẽ đến Đền Dinh, tổng hành dinh của Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy trận Như Nguyệt và ghé thăm di tích chùa Bờ Vàng, công trình kiến trúc thờ Phật có từ thời Lý hiện nay vẫn còn những chân đá tạo hình hoa sen và hình rồng...

Tại bến Như Nguyệt ngày nay còn có một tấm bia ghi dấu tích nơi xảy ra trận chiến thắng Như Nguyệt, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Cách hơn 1km nữa, du khách sẽ đến được nhà thờ Đức Thánh Tam Giang còn gọi là Đền Xà. Chính nơi đây, bản tuyên ngôn “Nam Quốc Sơn Hà” của Thái úy Lý Thường Kiệt đã vang lên suốt một ngày đêm. Đền được dựng lên gò đất cao hướng ra ngã ba sông, đền có có quy mô to lớn. Cạnh đền là một bãi rộng 3ha nằm sát bờ sông, cây cỏ hoang vu, đìu hiu lau lách, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác như trận chiến Như Nguyệt vừa mới diễn ra. Đền thờ đang được thi công mở rộng để xứng đáng với tầm vóc của một di tích lịch sử quốc gia.

Xuôi thuyền dọc chiến trường xưa, du khách dừng chân ở thôn Châu Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, nơi đây du khách sẽ tận mắt chứng kiến hàng loạt địa danh liên quan tới chiến trường: Dinh Loan, Dinh Lai, Dinh Đáng, Trận Lãi, những địa điểm đóng quân nhà Lý. Cánh đồng Mã giặc, cánh đồng Bờ Xác... là nơi quân Tống bị tiêu diệt trong cuộc phản công địch chọc thủng phòng tuyến của ta.

Gắn với các địa danh này là cụm di tích đình, đền, chùa Chân Lạc. Đặc biệt, đền Chân Lạc còn gọi là đền Chóa, công trình kiến trúc cổ thờ Thủy Thần, nơi Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã vào cầu và được  báo ứng. Đền có quy mô đồ sộ gồm 5 tòa: Thượng, Trung, Hạ, hai tòa giải vũ; đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ quý, có giá trị lịch sử văn hóa như thần phả, sắc phong, câu đối, nhiều đồ thờ tự gốm sứ. Đền Châu Lạc như một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc và đồ thờ tự cổ.

Thuyền buồm đến xã Tam Đa (huyện Yên Phong), nơi đội kỵ binh của nhà Lý đóng giữ một điểm phòng ngự quan trọng nhằm ngăn giặc Tống đóng ở núi Tiên Lát (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); các địa danh oanh liệt: Gò Cung, Gò Gươm, Bãi Mẻ vẫn còn mãi đến ngày nay. Di tích đền Phấn Đông nằm bên bờ Như Nguyệt thờ ông Cả Đông Mai, người địa phương, ông đã chỉ huy dân binh phối hợp với quân nhà Lý chặn đánh quân Tống và đã anh dũng hy sinh, dân làng thương tiếc lập đền thờ, các triều vua Lê ban sắc phong cho làng Đông Mai thờ làm Đức Thánh Cả.

Chùa Phấn Động, ngôi chùa cổ tại làng Phấn Động còn tạc thờ 2 pho tượng nữ bằng đá. Tương truyền, hai bà đã có công cắt cỏ nuôi ngựa của nhà Lý trong đội kỵ binh đóng tại địa phương.

Thăm lại bản doanh của Thái úy Lý Thường Kiệt đặt tại vùng Thất Diệu Sơn thuộc xã Yên Phụ,  du khách sẽ thích thú khám phá vị trí chiến lược với 7 ngọn núi cao nổi lên giữa cánh đồng bát ngát và thôn Trang trù phú nối với bến đò Như Nguyệt và thông với kinh thành Thăng Long, thăm Núi Đồn, ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Diệu Sơn được Lý Thường Kiệt đóng đồn trại để thu thập và truyền tin chỉ huy mặt trận Như Nguyệt. Cạnh núi Đồn là Đền Núi, công trình được xây dựng trên một đỉnh núi của dãy Thất Diệu Sơn, thờ thần Cao Sơn, tương truyền khi vào đền để mật cầu thần phù hộ, Lý Thường Kiệt đã được thần báo mộng đến cầu Thánh Tam Giang, Lý Thường Kiệt làm theo quả nhiên ứng nghiệm, đền có kiến trúc quy mô, lưu giữ nhiều tài liệu và đồ thờ quý...

Tiếp đó, do khách sẽ đến thăm đình, chùa khu Quả Cảm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, nơi đặt trạm quan sát của quân đội Lý, đình chùa đặt trên sườn núi, trước mặt là dòng sông Như Nguyệt, hai di tích này đã được công nhận là di tích quốc gia, là điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng của Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Trần Phong (Chánh văn phòng UBND huyện Yên Phong)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top