Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 9 năm 2020 | 19:23

Đồng Nai "mạnh tay" với những vi phạm về môi trường

Trước tình trạng các vi phạm về môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.

Xả, đổ chất thải nguy hại ra môi trường

Việc tổ chức xả, đổ chất thải nguy hại ra môi trường được thực hiện ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường lợi dụng trời mưa lớn, lén đổ nước thải công nghiệp, chưa xử lý ra sông, suối hoặc thuê người thu gom chất thải mang ra ngoài đổ thì hiện nay, có doanh nghiệp tự đốt hoặc đào hố chôn lấp chất thải nguy hại ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp; việc phát hiện, bắt quả tang gặp nhiều khó khăn.

Theo Công an tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, trên lĩnh vực kinh tế, môi trường lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 227 vụ/270 cá nhân, tổ chức vi phạm. Qua đó đã điều tra, khởi tố 41 vụ/59 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 178 vụ/202 cá nhân, tổ chức với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.

Cụ thể như ngày 10/7, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh bắt quả tang công nhân của Công ty TNHH Shing Mark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, xã Đồi 61, H.Trảng Bom) chôn lấp và đốt hơn 13 tấn chất thải chưa qua xử lý ngay trong khu đất của công ty này. Trong đó có các loại chất thải nguy hại như: túi ny-lông, giấy thải, gỗ vụn và giẻ lau thải nhiễm các loại hóa chất trong quá trình sản xuất của công ty.

Qua làm việc với công an, đại diện Công ty TNHH Shing Mark Vina và những người liên quan khai nhận, từ đầu tháng 6-2020 đến thời điểm bị phát hiện, mỗi ngày công ty này đưa vào lò đốt khoảng 1 tấn chất thải tương tự. Ngoài ra còn một lượng lớn được các công nhân của công ty đem chôn lấp khu vực bên trong khuôn viên công ty.

Trước những dấu hiệu vi phạm nêu trên, lực lượng chức năng đã tiến hành đào bới tại nhiều vị trí quanh khuôn viên công ty này và thu giữ hàng tấn chất thải được chôn lấp tại đây.

Không chỉ trong các doanh nghiệp mà ngay cả các khu dân cư vẫn có những cơ sở thu gom phế liệu từ các doanh nghiệp và lén lút đổ hóa chất nguy hại ra môi trường. Gần nhất là vụ đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của cơ sở thu gom phế liệu của ông Lê Văn Vân và bà Phạm Thị Ngọc Diễm (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). 

5.jpg
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra khu vực chứa chất thải của Công ty TNHH Shing Mark Vina (H.Trảng Bom). Ảnh: T.Danh

 

Ngày 13/8, sau một thời gian theo dõi, các trinh sát PC05 Công an tỉnh kiểm tra cơ sở thu gom phế liệu của ông Vân và phát hiện khu vực bãi đất trống phía sau cơ sở này có chứa cặn, bùn thải từ quá trình súc, rửa các loại thùng phuy bằng sắt đựng hóa chất.

Qua xác minh của công an, sau khi thu gom các loại thùng phuy đựng hóa chất về để làm phế liệu, ông Vân đã chỉ đạo công nhân tiến hành súc, rửa cặn hóa chất trong các thùng phuy rồi đổ thẳng ra khu đất phía sau cơ sở của mình.

Trước những dấu hiệu vi phạm này, các đơn vị chức năng đã tiến hành thu gom, lấy mẫu để giám định. Kết quả đã có hơn 6,4 tấn chất thải rắn được thu giữ tại cơ sở của ông Vân để phục vụ công tác điều tra. Bên cạnh việc thu giữ số chất thải trên, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ gần 1 ngàn thùng phuy các loại và hơn 4 tấn dung dịch dùng để súc, rửa.

Tăng cường giám sát từ cơ sở

Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng 3, Viện KSND tỉnh cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh đã thụ lý phân công điều tra viên và kiểm sát viên giải quyết nguồn tin tội phạm của 2 vụ việc nêu trên. Qua xác minh ban đầu, xác định các vụ việc có dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tại Điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự thì mức độ “ô nhiễm môi trường” là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 lấy mẫu chất thải tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh này để tiến hành trưng cầu giám định viên tư pháp về môi trường để giám định. Trên cơ sở kết quả giám định, các cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Với những vi phạm về môi trường khi có kết quả giám định, nếu đủ cơ sở pháp lý thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố để xử lý hình sự. Trong trường hợp kết quả giám định chưa đủ căn cứ sẽ xử lý về mặt hành chính. 

Cùng trao đổi về vấn đề này, thượng tá Lương Đại Thủy, Trưởng PC05 Công an tỉnh cho biết, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phế thải nói trên có những hành vi xả thải không đúng quy chuẩn hoặc chôn lấp chất thải trái quy định pháp luật. Hiện các đơn vị liên quan đang điều tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phân tích nguyên nhân của những vi phạm trên lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, thượng tá Lương Đại Thủy cho rằng, xuất phát từ lợi ích kinh tế cộng với nhận thức pháp luật còn hạn chế của một số cá nhân, đơn vị dẫn đến vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, một số doanh nghiệp không có sự đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn. Từ đó, các chất thải trong hoạt động kinh doanh, sản xuất đã “phó mặc” cho một số bộ phận nhân viên tự tìm cách giải quyết. Đối với một số hộ kinh doanh cũng đã bất chấp các quy định tìm cách đổ chất thải không đúng quy chuẩn để giảm bớt các chi phí liên quan. Thực tế này đã và đang khiến cho việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Để ngăn chặn, kịp thời xử lý các vi phạm nói trên, theo thượng tá Lương Đại Thủy ngoài công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng cảnh sát môi trường thì công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; chính quyền địa phương và lực lượng cơ sở cũng rất quan trọng.

“Việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh phế thải phải được thực hiện một cách chặt chẽ và có sự giám sát. Đối với chính quyền địa phương cũng phải phát huy vai trò giám sát cơ sở đối với công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn” -  thượng tá Thủy nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt vai trò này, theo thượng tá Thủy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường. Khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở thì việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ được đảm bảo và hiệu quả hơn.

 

Vụ trang trại lợn xả chất thải ra môi trường: Sở TNMT Bắc Kạn đề nghị đình chỉ hoạt động

Liên quan đến vụ trang trại lợn của Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn ngang nhiên xả thải trật tiếp ra sông Cầu tại xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông bị bắt tại trận. 

Ông Nông Văn Kỳ - Giám đốc Sở TNMT Bắc Kạn cho biết: “Sở vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường và xử phạt 140 triệu đồng, khi nào doanh nghiệp khắc phục những sai phạm thì mới cho hoạt động trở lại”.

“Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta không thể đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt, chính vì vậy mà Sở mong muốn UBND tỉnh xử lý nghiêm minh doanh nghiệp này”, ông Kỳ chia sẻ.

6.jpg
 Trang trại lợn của Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn (ảnh Nhân dân).

 

Còn về phía huyện Bạch Thông, khi trao đổi với Báo chí, ông Đinh Quang Hưng- Chủ tịch UBND huyện cho biết: “UBND huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, tinh thần là xử lý nghiêm trang trại lợn gây ô nhiễm này”.

Trước đó, vào khoảng đầu tháng 6/2020, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn không báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, nguy cơ gây ô nhiễm dòng sông Cầu ở thôn Bản Luông, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, ngày 4/6, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương chấn chỉnh.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, vào chiều ngày 15/8, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn gồm Cảnh sát môi trường tỉnh, Sở TNMT và các phòng ban của huyện Bạch Thông đã xuống trực tiếp và bắt quả tang doanh nghiệp này đang xả thải, các đơn vị chức năng đã tiến hành lập biên bản đối với doanh nghiệp này.

Ngày 20/8, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành công văn gửi các đơn vị chức năng. Trong đó UBND tỉnh giao Sở TNMT khẩn trương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Xây dựng, UBND huyện Bạch Thông, UBND xã Mỹ Thanh và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/8/2020.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Tiếp sức người dân miền Tây vượt qua khó khăn mùa hạn mặn, Cty Tân Hiệp Phát phối hợp cùng Báo Công An TPHCM trao 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đến người dâncác vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

Top