Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 1 năm 2016 | 1:6

Đông Vĩnh chủ động sản xuất vụ đông đón Tết

Đông Vĩnh (TP. Vinh - Nghệ An) tuy đã là đơn vị cấp phường nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn chiếm tới 60-70%, lao động nông nghiệp chiếm 60% dân số. Theo đó, 50% đất nông nghiệp dành để nuôi trồng thủy sản, còn lại là sản xuất 2 vụ lúa và rau màu  vụ đông.

Ông Toàn (ngoài cùng, bên phải) đang cùng cán bộ thôn, phường thăm ruộng ngô nếp tím sắp thu hoạch.

Do cây vụ đông cho thu nhập cao gấp 5-6 lần trồng lúa, lại có thị trường rộng mở là TP.Vinh nên mấy năm gần đây, nhân dân Đông Vĩnh đã mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là dịp cận Tết để đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường.

Tìm lối ra cho cây vụ đông

Hiện, diện tích đất nông nghiệp của phường Đông Vĩnh là 183,5ha, do hai HTX Thống Nhất và Hưng Vĩnh quản lý. Về thổ nhưỡng, chủ yếu là 2 nhóm đất thịt nhẹ và cát pha, thích hợp với việc trồng lúa và rau màu. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa phân bố không đều, mùa nắng thường thiếu nước, mùa mưa hay ngập úng nên để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thành phố đã cấp mới qua kênh tưới từ hệ thống sông đào.

Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của đất, người dân Đông Vĩnh thường xuyên duy trì và mở rộng sản xuất rau vụ đông có thương hiệu và uy tín,  phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Hàng năm, ngoài việc sản xuất 2 vụ lúa, phường tập trung chỉ đạo các HTX động viên bà con thu hoạch xong vụ hè thu là bắt tay ngay vào sản xuất rau vụ đông với các loại như: Dưa chuột, bầu lấy ngọn, rau cải các loại và rau khoai lang… Do rau vụ đông thường cho thu nhập cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa nên người dân hăng say sản xuất. Hiện, thu nhập cao nhất là dưa chuột, sau 3 tháng đã cho thu hoạch, bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/sào. Ngoài ra, bà con còn có sáng kiến trồng ổi xen đu đủ, khi đu đủ tàn thì ổi cũng bắt đầu cho quả.

Đặc biệt, cây vụ đông đã đem lại nguồn thu nhập chính cho khối Yên Giang. Theo đó, 75% dân số của khối (130 hộ) chủ yếu sản xuất nông nghiệp, điều kiện kinh tế  còn nhiều khó khăn. Trình độ canh tác, năng lực, quy mô sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát. Để đảm bảo đời sống và phát triển kinh tế ổn định, thành phố chỉ đạo cấp ủy phối hợp với các đoàn thể chính trị, nhất là Hội Phụ nữ vận động hội viên tích cực sản xuất cây vụ đông. Mặt khác, đây cũng là khối đi đầu trong sản xuất dưa chuột, bầu lấy ngọn của phường. 

Ngoài ra, Yên Giang còn có 5ha đất chuyên canh rau răm, món gia vị không thể thiếu để cung cấp cho các nhà hàng xúp, cháo lươn, vịt, là những món ăn nổi tiếng của thành phố. Đồng thời, Yên Giang cũng là nơi thâm canh rau răm của TP.Vinh, riêng loại rau này đã đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 70% người dân nơi đây.

Được biết, vụ đông năm 2015, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố giao, Đông Vĩnh đã chỉ đạo các HTX khuyến khích bà con trồng thử nghiệm 3ha ngô nếp tím Fancy 111, đến nay đã cho thu hoạch, năng suất khá cao.

Trang trại trong phố

Hiếm địa phương nào trong TP.Vinh có tới 40 trang trại, gia trại vừa và nhỏ, với tổng diện tích gần 50ha như ở Đông Vĩnh. Các trang trại, gia trại nói trên phần lớn do hộ nông dân quản lý, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản kết hợp.

Ông Nguyễn Đức Luân ở khối Yên Duệ cho biết, ông tham gia làm trang trại từ năm 2000 đến nay, trong mấy năm đầu chủ yếu thả cá, nuôi vịt; 10 năm trở lại đây ông chuyển sang nuôi gà siêu đẻ, lúc đầu chỉ vài nghìn trứng/ngày. Nay trang trại đã có 6.000 vịt đẻ, 6.000 con hậu bị cung cấp giống cho bà con trong vùng. Hiện, gia đình ông thuê 5 nhân công lao động quanh năm với mức thu nhập 5- 6 triệu đồng/người/tháng; lao động thời vụ thuê 10- 15người/đợt. Để quản lý trang trại và theo dõi gà tốt hơn, ông đã lắp camera 24/24 giờ. Năm 2015, ông lãi ròng gần 500 triệu đồng      

Hàng xóm của ông Luân, bà Trần Thị Hạnh cho biết, gia đình bà nuôi gà siêu đẻ từ năm 2010 đến nay, với số lượng trên 6.000con. Đầu năm nay bà đã lắp hệ thống nước uống tự động hiện đại nhất cho gà nên đã  nhàn rỗi hơn rất nhiều. 

Được biết, ngoài những hộ chăn nuôi gà, cá thịt nói trên, Đông Vĩnh còn có nhiều hộ nuôi cá cảnh, cá chép đỏ phục vụ cúng ông Công, ông Táo, cho thu nhập khá cao. Ông Lê Văn Thái ở khối Trung Nghĩa cho biết, ông có 5.000m2 nuôi gần 1 vạn con cá chép đỏ. Hàng năm, vào tháng 2-3 thì ương cá giống, sang tháng 4- 5 ghép với cá rô phi. Giữa tháng Chạp tập trung bán buôn, bán lẻ; bình quân bán buôn 100.000-120.000 đồng/kg, bán lẻ 140.000-150.000 đồng/kg. 

 Trao đổi với chúng tôi, ông  Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, cho biết: “Mô hình trang trại, gia trại của Đông Vĩnh tuy diện tích không lớn nhưng bà con đầu tư trang thiết bị hiện đại, hệ thống chuồng trại khép kín, đảm bảo vệ sinh dịch tễ và an toàn thực phẩm nên đầu ra thông thoáng, được thị trường ưa chuộng. Theo đó, mỗi ngày Đông Vĩnh cung cấp cho TP.Vinh trên 35.000 quả trứng, hộ nhiều nhất có khoảng 10.000 con gà siêu đẻ, hộ ít nhất 1.500 con. Phân thải của gà cung cấp nguồn thức ăn cho cá thịt các loại, mỗi năm thu hoạch 2- 3 vụ cá, bình quân đạt sản lượng 3,7 - 4 tấn/ha. Doanh thu cao nhất là dịp Tết Nguyên đán, vì ngoài cá thịt còn có cá chép đỏ phục vụ ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo”.

Những năm tới, lãnh đạo phường Đông Vĩnh sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây vụ đông, cũng như đầu tư phát triển trang trại, gia trại theo chiều sâu để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Trồng hồng chậu, nông dân thu tiền tỉ

    Trồng hồng chậu, nông dân thu tiền tỉ

    Thay vì trồng hồng cắt cành truyền thống, một nông dân đã chọn trồng những chậu hồng cảnh. Với doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vườn hồng ấy đã mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

  • Người trẻ thành công với sản xuất nông nghiệp hữu cơ

    Người trẻ thành công với sản xuất nông nghiệp hữu cơ

    Nhờ ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông dân trẻ tuổi ở miền Trung đã thành công ở những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không những thu về lợi nhuận cao mà còn góp phần cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.

  • Anh Ngô Quang thu quả ngọt từ cây sầu riêng

    Anh Ngô Quang thu quả ngọt từ cây sầu riêng

    Đắk Nông được đánh giá có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để trồng cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng. Những năm qua, cây sầu riêng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, trong đó có gia đình anh Ngô Quang, ở phường Nghĩa Đức, TP.Gia Nghĩa.

Top