Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 6 năm 2021 | 13:16

Hà Tĩnh khởi động đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM

Để Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Hà Tĩnh đang khởi động đề án chuyển đổi số trong XDNTM.

t14.jpg
Trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos gắn với hệ thống tưới tự động của gia đình ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê).

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và điều hành quản lý

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đinh Phúc Tiến ở thôn Đông Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động để phục vụ sản xuất tại nhà vườn (chuyên ươm cây giống). Đây là hệ thống dự báo được lượng mưa và thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… với phạm vi phục vụ bán kính 5-20km.

“Từ khi áp dụng hệ thống dự báo thời tiết kết hợp hệ thống tưới tự động, công việc tưới tiêu chủ động hơn, chất lượng cây giống đạt cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Doanh thu từ sản xuất kinh tế vườn 5 năm qua đạt bình quân 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm. Đây cũng là vườn mẫu giành giải đặc biệt trong Cuộc thi khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu cấp tỉnh năm 2017”,  ông Tiến cho hay.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp từ các nhà vườn, trang trại như: bưởi Phúc Trạch; cam: Khe Mây, Thượng Lộc, Sơn Mai; nhung hươu Hương Sơn và các sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Tĩnh đã được gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc. Từ đó, hàng hóa kết nối dễ dàng với các sàn giao dịch thương mại điện tử và có mặt tại nhiều siêu thị.

Ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là 1 trong 5 tiêu chí vườn mẫu thuộc tiêu chí 20 (Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu). Đây là bước đột phá, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, XDNTM. Đến cuối năm 2020, Hà Tĩnh có trên 600 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, trên 6.000 vườn mẫu đạt chuẩn.

 

t14a.jpg
Nông dân xã Tượng Sơn (Thạch Hà) thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo công nghệ iMetos.

 

Cùng với ứng dụng vào sản xuất, Hà Tĩnh còn là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành XDNTM. Năm 2019, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã đưa vào ứng dụng phần mềm “Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh”, với mục tiêu lưu trữ thông tin về hoạt động NTM ở dạng số hóa, người dân có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động XDNTM.

Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết, phần mềm “Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh” đã cập nhật được kết quả thực hiện NTM các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng NTM như: trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu…Qua đó có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh cũng đã thực hiện số hóa hệ thống báo cáo, đưa vào mã QR để giảm thiểu chi phí in báo cáo giấy.

Lấy chuyển đổi số làm đột phá thực hiện đề án tỉnh NTM

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: Thực hiện Chương trình XDNTM, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, thể hiện rõ nét như: truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương mại điện tử…Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025, Hà Tĩnh xác định lấy kinh tế số, chuyển đổi số làm đột phá trong thực hiện đề án.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong XDNTM, trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung cao thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong XDNTM. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, nhất là trong Chương trình OCOP..., góp phần đưa chất lượng XDNTM đi vào chiều sâu và bền vững, hướng tới NTM thông minh... trong giai đoạn 2021-2025.

 

t14b.JPG
Hà Tĩnh đang hướng dần đến những khu dân cư thông minh giúp người dân dễ dàng bắt nhịp sản xuất trong thời đại công nghệ số.

 

Vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh phối hợp với một số đơn vị về giải pháp công nghệ triển khai xây dựng phần mềm chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư NTM thông minh, xã NTM thông minh.

Theo kế hoạch, trong tháng 6/2021, Hà Tĩnh sẽ thí điểm xây dựng 10 mô hình khu dân cư nông thôn kiểu mẫu thông minh; khởi tạo xây dựng 2 mô hình xã NTM thông minh; xây dựng 3 mô hình giám sát thông minh tại một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các mô hình số nhằm giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm. Đây cũng là diễn đàn mở để người dân cung cấp thông tin, số lượng sản phẩm để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm… Người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức trong phát triển kinh tế vườn hộ, giáo dục, y tế.., từng bước tham gia tích cực vào mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.

“XDNTM không chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp mà cần ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giá trị mới, nội hàm mới. Chúng tôi đánh giá cao Hà Tĩnh là địa phương chủ động và đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi số trong XDNTM theo yêu cầu chuyển đổi số quốc gia cũng như của Văn phòng NTM Trung ương… Ứng dụng khoa học công nghệ trong XDNTM tại Hà Tĩnh cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: kinh tế nông thôn, môi trường và chuyển đổi số. Trong đó, mấu chốt của chuyển đổi số là sự kết nối, liên thông giữa các ngành với nhau”, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Chiều 16/5, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thông tin một số điểm mới trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 20 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố tổ chức.

  • Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cho ý kiến sâu về các giải pháp để phát triển ngành Dược liệu và Mỹ phẩm một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

  • Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Thành ủy Hải Phòng vừa triệu tập Hội nghị để cho ý kiến đối với các Đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và chủ trương lựa chọn biểu tượng thành phố.

  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top