Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 5 năm 2022 | 15:37

Hiến đất làm đường giao thông nông thôn: Bài học kinh nghiệm từ công tác dân vận

Một trong những tiêu chí nông thôn mới là hoàn thành đường giao thông nông thôn, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung đã về đích sớm nhờ vào vận động người dân hiến đất làm đường.

Những con số biết nói
 
Ở xã Nghi Ân (TP Vinh – Nghệ An) chuyện người dân hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) không phải là hiếm. Nhiều hộ gia đình đã hiến hàng trăm m2 đất để làm đường, nghe tưởng là “chuyện đùa” nhưng lại có thật 100%.
 
Ở 2 xóm Kim Tân – Hòa Hợp (xã Nghi Ân) có một cong đường đất duy nhất, nhỏ hẹp dài 420m, người dân trông ngóng con đường này được thay đổi, nên thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Nghi Ân quyết tâm đầu tư. Quá trình phóng tuyến, mở rộng lòng đường lên 8m thì xuất hiện khó khăn, vì vướng công trình và đất nông nghiệp của 14 hộ gia đình.
 
đường-kim-tân-hòa-hợp-được-xây-dựng-hoàn-thành-trước-tết-nhâm-dần-2022.jpg
Đường Kim Tân – Hòa Hợp được xây dựng hoàn thành trước Tết Nhâm Dần 2022.
 
Nhờ vào sự vận động mà ở tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp, người dân đã hiến 105m2 đất ở, 659,88m2 đất nông nghiệp; tháo dỡ 55 mét tường xây, 15m2 trại chăn nuôi, 25m sân bê tông, 45m hàng rào cây…
 
Còn ở xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã có 20 hộ dân ở thôn 3 tình nguyện hiến gần 800 m2 đất trị giá gần 3 tỷ đồng để mở đường đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đây là đợt có diện tích đất được hiến để xây dựng NTM nhiều nhất ở Nghi Xuân.
 
Tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có hơn 760 hộ dân hiến đất để làm đường, với diện tích gần 25.000m2. Giờ đây, những con đường trở nên rộng rãi, thông thoáng đã thay thế cho những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội.
 
Thị xã Ba Đồn, trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM, nhờ làm tốt phong trào “Dân vận khéo”, Nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến 5.255m2 đất, 2.200m hàng rào, 128 cổng hàng rào, 13.100 cây trồng các loại và 15.300 ngày công, với tổng trị giá lên đến hơn 44 tỷ đồng.
 
Những năm trước đây người dân ở Quảng Trị đã hiến hơn 50 nghìn m2 đất dành cho việc chỉnh trang nông thôn theo tiêu chí mới. Điển hình là 130 hộ gia đình ở xã Hải Lâm (Hải Lăng) tự nguyện hiến 5.000 m2 đất sản xuất và di dời 18 ngôi mộ để mở rộng đường giao thông; xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) người dân tự nguyện hiến 49.000 m2 đất, giải toả 20.000 mét bờ rào, 2.650 cây lâu năm để xây dựng 10 km đường liên thôn..
 
Trên đây chỉ là rất ít những ví dụ điển hình về người dân ở các địa phương miền Trung đã hiến đất, xây dựng đường giao thông nông thôn. Những “con số biết nói” này phần nào cho chúng ta thấy người dân đã không tiếc đất đai của gia đình, cha ông để lại hiến vào cho công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn.
 
Nhưng muốn có được những “con số biết nói” như thế này, trước hết phải nhờ vào sự vận động bà con nông dân, hiểu và thấy rõ được lợi ích của việc hiến đất.
 
Bài học từ sự vận động có “thấu hiểu” sẽ có “sẻ chia”
 
Ông Phạm Văn Hiến, nhà ở xóm Kim Tân. Ông Hiến 62 tuổi, ở xã Nghi Ân nói “Hiến đất để mở đường thì dân Nghi Ân chúng tôi đồng thuận thôi. Nhưng tự nhiên thấy xe máy đổ về rầm rầm trên đất người ta đang làm nông nghiệp, đang ở ổn định mà không có thông báo gì cả thì chúng tôi bức xúc. Nhân dân chúng tôi bảo nhau, răng không thấy nói chi cả mà xe máy cứ đổ đất, đổ đá rầm rầm rứa. Tui cũng ra nói “Muốn mần chi thì cũng phải rõ ràng. Cứ dừng lại để bàn, để dân nghe cụ thể sau đó hẵng hay…”. Đơn vị thi công nghe rứa, đình chỉ mọi hoạt động trong 1 ngày. Sau đó, ông Chủ tịch UBND xã tổ chức họp dân. Rồi được dân đồng thuận, để rồi đến bữa trước Tết con đường được hoàn thành đúng như xã cam kết…”.
 
92d2093739t46836l0.jpg
Hàng trăm người sân ở thôn 3, xã Xuân Lĩnh người tham gia thi công mở rộng tuyến đường giao thông trục thôn từ 3m lên 5m, chiều dài hơn 600m.

 

Ông Phạm Văn Hiến kể: “Xã tổ chức họp toàn thể nhân dân. Ông Chủ tịch UBND xã đại diện cho cấp ủy, chính quyền nói rõ về chủ trương của cấp trên về xây dựng đường nông thôn mới. Rằng Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng đường, còn nhân dân thì đề nghị có sự chia sẻ với Nhà nước, hiến đất, tháo dỡ công trình liên quan… Ông Chủ tịch nói có nghĩa, có tình. Nói để nhân dân hiểu, Nhà nước đã đầu tư kinh phí với hàng chục tỷ đồng, nếu nhân dân không ủng hộ thì sẽ mất đi cơ hội làm được đường. Được giải thích cụ thể, ai cũng nghĩ Nhà nước đã quan tâm đầu tư thì tại sao lại tiếc ít mét đất. Thế nên, tất cả vui vẻ đồng tình. Gia đình tui hiến mô khoảng 100 m2 đất. Thực ra, hiến rứa chứ hiến thêm nữa tui cũng vui vẻ. Trước đây, thời cải cách ruộng đất, cha ông chúng tôi từng hiến 5 – 7 mẫu đất cho Nhà nước, giai đoạn chiến tranh thì nuôi bộ đội trong nhà. Vì răng rứa? Là vì khi lòng dân thấu hiểu thì không tiếc chi cả, sẵn sàng vì dân, vì nước thôi. Cuộc họp đó ban đầu nhân dân cũng có ý phản đối. Sau khi ông Chủ tịch phát biểu thì mời tui phát biểu đầu tiên. Tui nói đúng như rứa, thì mọi người vỗ tay rầm rầm, đồng ý cả…”.
 
Còn Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chia sẻ: Nhờ có sự tuyên truyền, vận động của các ban ngành, đoàn thể, địa phương, kể từ khi có chủ trương mở đường, người dân trong xã đã nhiệt tình hưởng ứng, hiến đất làm đường.
 
Ông Trần Quốc Cảm ở xã Mai Thủy cho biết: “Khi hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của việc hiến đất để xây dựng NTM, nhiều người dân chúng tôi không ngại đóng góp, người góp công, người góp của. Chỉ cần có lợi ích cho dân, chúng tôi sẵn sàng tự nguyện hiến đất. Nhìn sự thay đổi của quê hương cũng khiến chúng tôi vui mừng và tự hào vì mình làm được việc ý nghĩa”.
 
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Hải Lâm (Quảng Trị) thì chia sẻ "Ở làng quê, mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là thứ tài sản gắn bó với mỗi gia đình nên ai cũng yêu quý. Tuy vậy, để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn gia đình tôi đã tự nguyện hiến đi để góp cùng bà con thôn xóm mở rộng đường theo tiêu chí mới, nhưng chính quyền phải rõ ràng, cụ thể trong việc vận động nhân dân hiến đất để làm đường, người dân chúng tôi thấu hiểu thì sẽ có sự sẻ chia”.
 
Đúng là phải có sự thấu hiểu của người dân thì cũng sẽ có sự sẻ chia từ người dân, để có được sự ủng hộ này nhất thiết chính quyền các cấp phải đặt được quyền lợi của người dân lên trên hết, mọi công trình phải được thi công và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính nhân dân, những người sẽ được thụ hưởng từ những công trình đó mang lại.
 
Qua hai cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng Dân tộc, thống nhất Đất nước đã cho chúng ta những bài học quý giá về sức mạnh của nhân dân, người dân có thể hy sinh tính mạng và tài sản chỉ với mục đích đóng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Vì thế chúng ta đã đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác để dành được độc lập và tự do như ngày hôm nay.
 
Bài học quý giá đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, trong công cuộc xây dựng và phát triển Đất nước nhất là trong công cuộc xây dựng NTM.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top