Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 | 11:20

Hội Làm vườn huyện Yên Thành chú trọng phòng, chống dịch và nhân rộng mô hình

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội Làm vườn huyện Yên Thành (Nghệ An) còn chú trọng nhân rộng các mô hình VAC hiệu quả.

hlv-yt.JPG
 Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn  Nghệ An (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn hội viên kỹ thuật nuôi ốc nhồi đen tại Yên Thành.

 

Chú trọng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, UBND huyện Yên Thành vừa xác định cấp độ dịch tại các địa phương theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, trong đó có 4 xóm cấp độ 3 và 2 xã cấp độ 2, 37 xã còn lại là cấp độ 1.

Chính vì thế, Hội Làm vườn huyện Yên Thành đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp chính quyền địa phương; nhất là thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, Hội đã liên kết, giúp các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX tìm mối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân. Hội viên đã sáng tạo kết nối với thương lái thông qua mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm sản.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Hội đã kết hợp cùng các đoàn thể ở huyện Yên Thành triển khai nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp sức ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là mô hình “Vườn rau nghĩa tình” nhằm cung cấp rau sạch từ thiện cho các bệnh viện và các khu cách lý tập trung trên địa bàn huyện.

Trên diện tích 1.000m2 vườn tại Đồng Vẹn (xóm 3, xã Hoa Thành) trồng các loại rau như: rau khoai lang, rau mùng tơi, rau cải ngọt, rau dền, mướp, bí ngòi và rau ngót, cung cấp rau sạch cho các "Bếp ăn tình nguyện" tại các bệnh viện cũng như tại các khu cách ly tập trung, góp một phần công sức trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hội viên Lê Văn Thành tâm sự: Khi dịch Covid-19 xảy ra, được cán bộ Hội tuyên truyền, vận động, tôi và gia đình đã chủ động phòng, chống dịch bằng việc đeo khẩu trang, sát khuẩn mỗi khi ra ngoài và không thuê lao động chăm sóc vườn cam để hạn chế tập trung đông người.

“Thay vì gặp trực tiếp, chúng tôi thường xuyên trao đổi công việc, giới thiệu sản phẩm thông qua nhóm Zalo trên điện thoại”, ông Thành nói.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hội Làm vườn huyện Yên Thành cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ nhà vườn mua bán vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phòng chống dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm; phòng trị bệnh trên cây ăn quả… Đảm bảo hội viên Hội Làm vườn các cấp vừa chấp hành tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa sản xuất đảm bảo nhu cầu cho gia đình và cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường.

hlv-yt1.jpg
 Anh Trần Quý Bảo, hội viên Hội Làm vườn xã Đức Thành, thu hoạch ốc.

 

Nhân rộng mô hình VAC hiệu quả

Hội Làm vườn Yên Thành hiện có hơn 23.500 hội viên, trong 2 năm qua, đã hình thành mới hơn 100 trang trại. Ngân sách huyện hỗ trợ 60 triệu đồng cho các mô hình sản xuất tiêu biểu như nuôi ốc bươu đen của hộ anh Trần Quý Bảo và các thành viên Hội Làm vườn xã Đức Thành; nuôi thỏ của hộ anh Nguyễn Minh Thành;  VAC kết hợp với du lịch của anh Tá, xã Sơn Thành; trồng nấm của anh Hạnh, xã Sơn Thành…Những mô hình VAC này đang được các cấp Hội ở Yên Thành nhân rộng.

Tiêu biểu là mô hình nuôi ốc đen, có 10 hộ thực hiện; các địa phương khác đang triển khai như: xã Nhân Thành, Thọ Thành, Phúc Thành, hộ nhiều nuôi 2ha, hộ ít  1.000m2. Ngoài ra, còn có một số hộ nuôi trong bể bạt, do không còn đất sản xuất. Thực tế thấy, nuôi ốc trong bể bạt không hiệu quả bằng ao đất, nhưng chất lượng thì tương đương nhau.   

Anh Trần Quý Bảo cho biết, gia đình có trang trại 2ha nuôi ốc, chia thành 16 ao, mỗi ao 500m2, trong đó có 2 ao ốc giống, 14 ao ốc thịt. Nuôi ốc chủ yếu phải thuận theo tự nhiên, bình quân 1m2 nuôi 100 ốc thương phẩm.

Ốc thương phẩm có giá 500 đồng/con (khoảng 50 con/kg), bình quân thu 10 -15 tấn/năm, giá bán tại ao 80.000 đồng/kg. Doanh thu đạt 1 tỷ đồng từ ốc thịt, bình quân cả 2 loại ốc (giống và thịt), anh Bảo thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.

Khi được hỏi: Dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh hay không? Anh Bảo cho biết: Không ảnh hưởng nhiều, vì nhân công chủ yếu là người thân trong gia đình. Nhu cầu tiêu thụ ốc giống, ốc thịt cũng đơn lẻ, không tập trung vào một thời điểm mà kéo dài qua nhiều ngày, nhiều tháng. Mình chỉ cần thực hiện 5K và các quy định phòng dịch là được. Còn khâu quảng bá sản phẩm, truyền đạt kinh nghiệm nuôi, chủ yếu được qua Facebok, Zalo, website của xã.

Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn  Nghệ An, cho biết, từ năm 2018, Hội đã tập trung nghiên cứu quy trình nuôi ốc bươu đen, và thấy được lợi ích  từ việc nuôi ốc. Ví như: đầu tư ít vốn, tận dụng được đồng ruộng bỏ hoang, thức ăn cho ốc sẵn có ở khu vực miền Trung. Vì vậy, tôi đã tham gia giảng dạy và lồng ghép được 29 lớp nuôi ốc nhồi tại địa phương.

Ngoài ra, còn tổ chức được 12 đoàn đi tham quan thực tế, và hướng dẫn bà con tại đồng ruộng. Hội cũng đã xây dựng được 3 mô hình nhân giống và cung cấp con giống cho hội viên trong vùng. Sau khi thành công, đã bàn giao lại cho các hộ này, và yêu cầu có trách nhiệm về con giống, chuyển giao công nghệ khi người dân có nhu cầu. Nhờ được hướng dẫn và giao trách nhiệm cụ thể như vậy, nên nghề nuôi ốc ở Yên Thành đang phát triển đúng hướng.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

 

Bình Như
Ý kiến bạn đọc
Top