Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 8 năm 2021 | 15:58

Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” diễn ra sáng nay (31/8).

bt.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

 

Diễn đàn có sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong cả nước.

Đây là diễn đàn được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo thành lập, trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970. Mục đích là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Tính đến ngày 31/8, tổ đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành. 

Vừa qua, Tổ công tác 970 triển khai chương trình gói combo 10kg nông sản đã thu được những kết quả bất ngờ và đáng khích lệ. 

Trong 2 tuần đầu triển khai, hàng trăm nghìn combo được đặt với lượng trung bình là 300-400 tấn/ngày. Trong sáng 31/8, đã có 43.000 gói combo được đặt và giao tới TP. HCM, Bình Dương từ các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long...

Kiến nghị bổ sung các HTX vào danh sách được hỗ trợ

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, thời gian vừa qua, TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của 9,4 triệu dân TP.HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm. Trung bình nhu cầu tiêu dùng trong 1 tuần của TP.HCM là 76.747 tấn.

Thời gian qua, Sở Công thương và Sở NN-PTNT TP. HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.

Hiện nay, TP.HCM đã thu hoạch gần 5.000 ha lúa, tương đương sản lượng hơn 24.000 tấn. Diện tích rau là hơn 11.000 ha đáp ứng 28% nhu cầu của Thành phố. Về chăn nuôi, TP.HCM có hơn 163.000 con lợn, tăng 34% so với cùng kì. Nuôi trồng thủy sản của Thành phố ước đạt gần 6.000 ha diện tích tương ứng hơn 8.000 tấn sản lượng, đáp ứng được 14% nhu cầu của người dân Thành phố. Hiện nay vẫn còn 32/114 HTX còn sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản…

Nguồn cung của Thành phố được phân phối qua 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tổ chức các điểm bán lưu động, sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ ngày 23/8, TP.HCM đã triển khai siết chặt giãn cách xã hội trong 15 ngày. Do đó nhiều hệ thống gặp khó khăn, thiếu nguồn nhân lực để duy trì hoạt động cung ứng nông sản. Theo đó, các địa phương đã triển khai chương trình "đi chợ hộ" cho người dân, đến nay đã đáp ứng 60% người dân thành phố. Lực lượng công an quân đội, chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ cho công tác "đi chợ hộ".

Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT. Cụ thể và việc theo dõi sát sao công tác sản xuất nông nghiệp, đặt biệt là sản xuất rau củ quả cũng như theo dõi hoạt động các cơ sở giết mổ. Bên cạnh đó, Tổ công tác đã hỗ trợ cung cấp đầu mối thông tin. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng để Sở NN-PTNT cung cấp cho Sở Công thương hỗ trợ người dân đặt hàng qua các hệ thống siêu thị.

Tổ công tác 970 cũng đã phối hợp với Sở NN-PTNT Thành phố hỗ trợ hơn 15.000 phần quà cho TP. Thủ Đức, 1.000 phần quà cho Quận 3, 1.000 phần quà cho Quận 1. Đây là những hoạt động thiết thực để hỗ trợ trực tiếp cho thành phố.

Hiện nay, gói combo nông sản 10kg đã nhận được nhiều đơn hàng nhưng do thiếu nhân viên giao hàng nên phải tạm dừng hoạt động, nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng. TP.HCM đã chỉ đạo Sở NN-PTNT sớm làm việc với các quận huyện để tiếp tục duy trì việc cung ứng các gói combo nông sản 10kg.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM đề nghị 4 điều: Thứ nhất, là kính đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thời điểm hiện nay việc thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng; cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng; cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

Gói combo nông sản cung cấp 55% lượng nông sản 

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II cho biết, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT được thành lập từ giữa tháng 7. Sau hơn một tháng hoạt động, Tổ đã đạt được một số kết quả.

Tính đến ngày 31/8, Tổ đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành. Đầu cung ứng cho Tổ công tác 970 rất đa dạng.

Theo thống kê, 32,4% số lượng đầu mối cung ứng là HTX, trang trại, tổ hợp tác; 37% là hộ nông dân; 19% là doanh nghiệp 19%; 9% là cơ sở chế biến 9%, và khoảng 3% là cơ quan quản lý nhà nước.

Trang web đặt hàng của Tổ công tác 970: https://htx.cooplink.com.vn/ có khoảng 2.800 lượt đăng ký, trong đó 70% đăng ký bán, còn lại là mua và 7% là cơ quan Nhà nước.

Ngoài kết nối cung cầu, Tổ công tác 970 còn hỗ trợ thông tin về địa chỉ các cơ sở sản xuất ở địa phương, tư vấn hỗ trợ để việc sản xuất được thông suốt, đồng thời giúp tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu được thông suốt.

 

ns.jpg
Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu nhân dân.

Một kết quả nữa của Tổ công tác 970 là gói combo 10kg nông sản. Trong 2 tuần đầu triển khai, hàng trăm nghìn gói được đặt. Lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày là 300-400 tấn. Cá biệt, riêng ngày 24/8, tổng số tiền hàng lên tới 3,6 tỷ đồng đặt hàng, chiếm 10% tổng giá trị hoạt động trong 3 tuần vừa qua. Trong sáng 31/8, 43.000 gói combo đã được đặt và giao tới TP. HCM, Bình Dương từ các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Dù mới triển khai, người dân rất quan tâm tới gói combo nông sản. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút. Theo thống kê, gói combo nông sản của Tổ công tác 970 có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2.100 tấn.

Chỉ trong vòng 3 ngày, nông sản từ 26 tỉnh, thành phố đã liên kết với Tổ công tác 970 sẽ chuyển hàng về, và 24 giờ kế tiếp sẽ giao tận tay bà còn. Mục tiêu của Tổ công tác 970 là đưa sản lượng cung cấp nông sản trong ngày lên mức tối đa 4.500 tấn. Để đạt được, Tổ công tác rất mong sự hỗ trợ của quân đội,địa phương, và các tổ chức như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ.

Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ qua các trang thông tin

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, tỉnh này bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 19/7. Ngay lập tức, tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất kết nối tiêu thụ nông sản. Cho đến nay đã tiêu thụ khoảng 415.000 tấn nông sản, qua đó kết nối tiêu thụ khoảng 65% sản lượng cho thị trường trong tỉnh, phối hợp với CDC các tỉnh và Tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ 35% cho thị trường các tỉnh khác.

“Thông qua việc đồng hành với các HTX, các doanh nghiệp để gom nông sản phân phối tiêu thụ trong tỉnh và phối hợp với Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNNT để phân phối tới các tỉnh khác, tỉnh Kiên Giang đánh giá hoạt động kết nối tiêu thụ rất hiệu quả”, ông Toàn nhận định.

Thông qua diễn đàn, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đề nghị thời gian tới các địa phương phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh kết nối chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản qua các trang thông tin.

Ngành nông nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ông đánh giá rất cao ý tưởng của Tổ công tác 970, nay ý tưởng này đã trở thành đề cương hoạt động. Dù Tổ công tác phải hoạt động trong vùng rất khó khăn, nhưng nay đã đưa ý tưởng vào thực hiện rất hiệu quả. Thứ trưởng Doanh đề nghị tiếp tục duy trì ý tưởng này, vừa kết nối, vừa xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

“Xu thế này là tất yếu”, ông Doanh khẳng định. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, song cần vừa làm vừa hoàn thiện. Vì việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

“Không chỉ là giá trị đơn thuần của sản phẩm, nó còn mang giá trị nhân văn, lịch sử. Chúng ta cần cố gắng xây dựng diễn đàn này thành kênh hiệu quả”, Thứ trưởng Doanh cho biết.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trước những bối cảnh, tình thế mà dịch Covid-19 làm xáo trộn quy trình sản xuất tiêu thụ, năng lực phản ứng của Bộ NN-PTNT rất nhạy bén để có những hành động kịp thời, quyết liệt.

“Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thành lập 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, cung ứng nông sản phía Nam và phía Bắc. Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ đã chỉ đạo, hành động quyết liệt, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, đảm bảo nhu cầu của người dân các tỉnh thành phía Nam trong điều kiện dịch bệnh phức tạp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

 

ns1.jpg

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng cho rằng đó là tiền đề để ngành nông nghiệp nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh mới. Qua đó công tác sản xuất hàng hóa quy mô cao được đẩy nhanh, nâng cao giá trị nông sản, khơi thông chuỗi cung ứng kép: chuỗi trong nước và chuỗi quốc tế.

Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người

Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế của thời đại công nghệ 4.0. Tôi tin rằng, diễn đàn này khác biệt với các trang TMĐT hiện tại. Nó nằm ở chiều sâu, không chỉ dừng ở thời điểm dịch bệnh hiện tại, mà còn tồn tại, song hành với quá trình vận hành của nền nông nghiệp Việt Nam".

Vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

Theo Bộ trưởng, cần bắt tay sớm vào công việc. Thứ nhất, cần một suy nghĩ, một hành động khác để tạo ra một kết quả khác. Trong hôm nay, kết quả ấy hội tụ vào việc tạo ra diễn đàn này. Đó là một giá trị lớn, khác hẳn với các sàn TMĐT hiện có.

Nhiệm vụ sắp tới, là không chỉ dừng các kết quả ở miền Nam, không thể hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mà cần nhân rộng mô hình ra cả nước. Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản.

Thứ hai, là thông qua diễn đàn, sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt. 

Thứ ba, là kích hoạt tư duy của tam giác phát triển: Nhà nước – thị trường – xã hội. Trong đó, cơ quan quản lý, các ngành hàng, và người nông dân sẽ là chỗ dựa, giúp kết nối phát triển nền nông nghiệp.

Thứ tư, là tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Chỉ khi nào chuyển biến triệt để vấn đề này, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng. Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.

Thứ năm, là tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển từ nông sản hữu hình đến các giá trị vô hình như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản. Lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân.

Thứ sáu, là tạo thị trường thông suốt từ Bắc - Nam, tạo thuận lợi luân chuyển vùng miền, trải rộng vùng không gian phát triển sang thị trường 100 triệu dân. Làm thế nào để kích hoạt dòng chảy nông sản, tạo ra cú hích cho những sản phẩm chất lượng như OCOP.

"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top