Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 15:29

Lào Cai nỗ lực trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc

Đây là chủ đề mà tỉnh Lào Cai đề cập trong hội thảo: “Định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 16/11 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức

Hội thảo nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng giúp Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”, hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế- xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vai trò bảm đảm tính bền vững cho môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều mặt cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng và là quê hương cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng”, vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết.

ht-2.JPG
Quang cảnh hội thảo

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, vùng cần tạo việc làm, phát triển thị trường lao động. Trong đó, Chính phủ cần giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ trên cơ sở phù hợp với thế mạnh của vùng và đặc điểm nông lâm nghiệp vùng; nghiên cứu các giải pháp, mô hình cải thiện khu vực phi chính thức; thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, phi nông nghiệp; xây dựng chính sách việc làm đặc thù cho nhóm dân tộc thiểu số; đề án thanh niên nông thôn...

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, các địa phương cần đẩy mạnh không gian phát triển với 4 hành lang phát triển: hành lang kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; hành lang Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Cạn; hành lang Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bên cạnh đó, các tiểu vùng Tây Bắc gồm 7 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch, nông lâm nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiểu vùng Đông Bắc gồm 7 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang với đô thị động lực và Thái Nguyên, Bắc Giang tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, các dịch vụ thương mại, logistics và vận tải, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khám phá, công nghiệp, công nghệ thông tin, chế biến...

Lào Cai đang là tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 70,5% (năm 1991) xuống 14,36% (năm 2020). Thu ngân sách năm 2020 đạt 9.500 tỷ đồng; đứng thứ 3 trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% (năm 1991) còn 8,2% (năm 2020); quốc phòng, an ninh luôn đảm bảo ổn định; hoạt động đối ngoại được tăng cường và phát triển.

Có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lào Cai là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

ki-ket.JPG
Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lào Cai và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

 

Lào Cai hiện đang nỗ lực để trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối của vùng và cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng cụ thể như:

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistics  quan trọng của cả nước có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ logistic chi phí thấp trong đó "Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển" để trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc. Tạo cơ sở vững chắc để xây dựng khu hợp tác qua biên giới. Dự kiến đến năm 2030, kim ngạch XNK hàng hoá qua Lào Cai đạt 15 tỷ đô la; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu (bao gồm cả chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh...) đạt 50 tỷ đô la Mỹ.

Xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng là điểm đến tầm cỡ quốc tế với trụ cột là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cùng với việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; bảo đảm đủ năng lực đón 15 triệu du khách vào năm 2030.

Phát triển công nghiệp theo hướng gia công, chế biến sâu, điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển công nghiệp; gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản; ưu tiên công nghiệp gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao; tiếp tục cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong  vùng và cả nước. Nghiên cứu khai thác, chế biến đất hiếm cung cấp cho các ngành sản xuất công nghệ cao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 vượt mức 100.000 tỷ đồng.

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai.

Phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số.

Biến thách thức về quy mô dân số nhỏ để xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động của vùng, đến năm 2030, Lào Cai sẽ cần thêm khoảng 300.000 - 500.000 lao động cho nhu cầu phát triển công nghiệp, logistic và thương mại - du lịch. Đây chính là cơ hội để Lào Cai thu hút, giải quyết việc làm cho các tỉnh trong vùng, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tiếp tục củng cố hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế gắn với vai trò "phên dậu'' quốc gia: Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức kết nối - giao lưu - hợp tác một cách chủ động, linh hoạt giữa các địa phương trong vùng với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành hạt nhân kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

 

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top