Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 30 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 7 năm 2019 | 20:8

Lớp bùn sông Tô Lịch giảm sau thí điểm công nghệ của Nhật Bản

Sau hơn 1 tháng thí điểm, ngoài khả năng xử lý mùi hôi, công nghệ nano-bioreactor của Nhật Bản còn mang lại những thay đổi rõ rệt cho sông Tô Lịch, Hà Nội.

Cụ thể, tại điểm B1, cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m, phía gần bờ đường Bưởi, độ dày bùn giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C1, cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m, con số này là 19cm.

Ngoài ra, để người dân có thể nhìn trực quan hơn công nghệ có thể phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O, chuyên gia Nhật Bản và công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), các đơn vị liên quan của Hà Nội đã tổ chức khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ.

Khu vực này được lắp đặt vách quây tôn bãi nổi (khu vực bùn cao hơn mực nước) và hệ thống phun mưa nano, nước thải từ bên ngoài vào bên trong khu nổi, tạo dòng chảy lưu thông bên trong khu vực quây tôn.

 

song-to-lich-nuoc-trong-nhin-ro-day-bun-dang-phan-huy-nho-cong-nghe-nhat-1.jpg
Khu vực trình diễn xử lý bùn 2 tuần sau khi áp dụng công nghệ. Ảnh vietnamnet.vn

 

Theo kết quả chuyên gia Nhật Bản công bố ngày 4/7, sau hơn 2 tuần thực hiện thí điểm khu trình diễn, độ dày bùn trong khu quây xử lý giảm mạnh, đồng thời hàm lượng oxy hòa tan DO bên trong khu vực xử lý tăng mạnh, là môi trường rất tốt cho cá, thủy sinh phát triển.

Bằng cảm quan, cũng có thể thấy rõ được độ trong của nước, có thể nhìn thấy tận đáy bùn đang bị phân hủy. Điều này chứng minh hiệu quả của công nghệ nano - bioreactor. Bởi nước bình thường không phải nước nano và các tấm vật liệu bioreactor thì bùn vẫn mãi màu đen và không bị phân hủy.

Tiếp đó, cũng ngay tại địa điểm này,  ngày 7/7, các chuyên gia Nhật Bản công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước.

Sau hơn 2 tuần thí điểm, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.

"Công nghệ Nano-Bioreactor đã phân hủy tầng bùn đáy rõ rệt, hàm lượng oxy hòa tan tăng mạnh tạo môi trường tốt cho cá, thủy sinh phát triển", tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia về môi trường của Nhật Bản, nhận định.

Ông này giải thích thêm công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.

Theo TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, công nghệ này không chỉ có khả năng xử lý làm sạch chất lượng nước mà còn có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững chu kỳ trong 25 năm không cần tác động xử lý gì thêm. Thay vì phải làm nạo vét sông, hồ định kỳ hàng năm, công nghệ này giúp chỉ làm 1 lần nhưng hiệu quả lâu dài, chu kỳ lên tới 25 năm.

Các dự án đã thực hiện tại các con sông ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... từ năm 1994 nhưng chất lượng nước vẫn được duy trì và các dòng sông, hồ có khả năng “tự làm sạch”, phân hủy lớp bùn hữu cơ ở tầng đáy mà không cần phải nạo vét cơ học, góp phần bảo vệ tài nguyên nước.

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top